Đại lục khó xử ở đặc khu

Tình trạng biểu tình phản đối dai dẳng nhiều tuần nay ở Hồng Kông khiến cho chính quyền đặc khu hành chính này và Trung Quốc mỗi lúc càng thêm khó xử.

Những người biểu tình phản đối đã chuyển mục tiêu đấu tranh từ phản đối chính quyền đặc khu thông qua bộ luật về dẫn độ sang nhằm vào mục tiêu đấu tranh mới là phản đối toàn bộ chính sách của chính quyền đặc khu và Trung Quốc. Họ đã áp dụng hình thức và phương pháp đấu tranh mới nhằm vừa tránh đụng độ bạo lực với cảnh sát, vừa làm tê liệt mọi hoạt động của chính quyền và đời sống thường nhật ở đặc khu này.

Sân bay ở Hồng Kông đã phải hủy nhiều chuyến bay do biểu tình.

Sân bay ở Hồng Kông đã phải hủy nhiều chuyến bay do biểu tình.

Những diễn biến mới nhất là quân đội Trung Quốc diễn tập ở ngay sát ranh giới giữa đặc khu hành chính Hồng Kông và đại lục Trung Quốc. Mỹ và các nước Phương Tây đã bắt đầu lên tiếng cảnh báo Trung Quốc chớ nên sử dụng quân đội để vãn hồi an ninh và ổn định ở Hồng Kông.

Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí còn công khai việc đã biết tin về Trung Quốc tập trung và triển khai quân đội ở sát ranh giới với Hồng Kông và gợi ý có cuộc gặp mới với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để bàn thảo về việc này. Trung Quốc đã lên tiếng yêu cầu Mỹ và phương Tây không can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc và Hồng Kông.

Đúng là kể từ khi Trung Quốc tiếp quản Hồng Kông từ năm 1997 đến nay, chưa khi nào tình hình chính trị-xã hội ở đây lại như lúc này về mức độ lẫn bản chất. Sẽ không sai khi coi tình trạng lúc này là cuộc khủng hoảng về chính trị, an ninh, ổn định và pháp lý nghiêm trọng nhất đối với chính quyền Hồng Kông và Trung Quốc.

Đằng sau cuộc khủng hoảng này là vấn đề lòng tin của người dân Hồng Kông đối với Trung Quốc và triển vọng tương lai của mối quan hệ giữa đặc khu và đại lục, cũng như chuyện thành công hay thất bại của mô hình giải pháp “Một nhà nước, hai chế độ” được vận dụng tại đặc khu này từ năm 1997 đến nay.

Theo thỏa thuận năm 1997 giữa Trung Quốc và Anh, mô hình này được áp dụng trong thời gian ít nhất 40 năm, sau đó Trung Quốc có thể quyết định áp dụng mô hình hành chính khác cho Hồng Kông. Cũng theo thỏa thuận này, Trung Quốc có thể sử dụng quân đội để ổn định tình hình nếu được chính quyền Hồng Kông đề nghị. Cho tới nay, chính quyền Hồng Kông chưa lần nào yêu cầu Trung Quốc dùng quân đội giúp vãn hồi an ninh, trật tự và ổn định trong đặc khu.

Về phương diện pháp lý mà nói thì việc Trung Quốc sử dụng quân đội can thiệp vào diễn biến tình hình ở Hồng Kông không thể bị loại trừ và cũng chẳng mấy khó khăn gì. Nhưng đấy lại là kịch bản mà Mỹ và Phương Tây lo ngại nhiều nhất, không phải vì Hồng Kông mà vì xảy ra kịch bản ấy là bằng chứng về sự bất lực của họ trước Trung Quốc.

Đối với chính quyền Hồng Kông và Trung Quốc thì đấy cũng là sự lựa chọn đối sách cuối cùng. Chính quyền đặc khu và đại lục hiện khó xử bởi hành động biểu tình phản đối của người dân ở Hồng Kông thay đổi tính chất, mục tiêu và hình thức như thế thì sẽ còn kéo dài và thêm quyết liệt, không còn là một chuyện riêng lẻ nữa mà trở thành cuộc đấu tranh quyền lực với tính tổ chức sẽ ngày càng cao hơn và tính bài bản cũng sẽ ngày càng tinh vi hơn.

Việc ứng phó vì thế rất khó khăn và khó thành công đối với chính quyền Hồng Kông và Trung Quốc. Đối phó bằng biện pháp mạnh tay thì dễ quyết định nhưng hệ lụy lâu dài sẽ không thể lường hết được vì như thế chưa giải quyết vấn đề tận gốc rễ.

“Lạt mềm buộc chặt” mới là thượng sách đối với chính quyền Hồng Kông và Trung Quốc, nhưng nói ra thì dễ chứ chọn đúng lạt buộc đúng chỗ, buộc đúng lúc và chặt đúng mức lại muôn phần khó. Mỹ và Phương Tây đã thể hiện sự quan tâm đến chuyện ở Hồng Kông và sẽ tìm cách can thiệp bằng cách tác động hay gây áp lực để Trung Quốc không can thiệp. Trung Quốc vì thế sẽ còn khó xử thêm nữa trong thời gian tới vì vừa phải nhanh chóng xử lý ổn thỏa chuyện ở Hồng Kông, vừa tránh gây xung khắc mới với Mỹ và Phương Tây…

Thiên Nhai

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/dai-luc-kho-xu-o-dac-khu-d104987.html