Đài Loan đã mất hơn 3.000 kỹ sư giỏi ngành bán dẫn về tay Trung Quốc

Ngành bán dẫn Đài Loan đang chật vật cạnh tranh để giữ người trước những đề nghị lương thường vô cùng hấp dẫn từ phía các công ty Trung Quốc đại lục vốn có tiềm lực tài chính mạnh.

Ảnh: TSMC

Trung Quốc đang đẩy mạnh tuyển dụng nhân lực giỏi của Đài Loan trong ngành bán dẫn. Trung Quốc đưa ra chính sách thu hút những giám đốc điều hành và kỹ sư công nghệ hàng đầu nhằm hỗ trợ cho một ngành mà dường như Mỹ đã “nắm thóp” được nhất cử nhất động của Trung Quốc.

Theo báo Nikkei, chiến dịch tuyển dụng nhân sự ráo riết của phía Trung Quốc không khỏi khiến nhiều người lo lắng về rủi ro ngành chip Đài Loan bị chảy máu chất xám. Ngành này đang chật vật cạnh tranh để giữ người trước những đề nghị lương thường vô cùng hấp dẫn từ phía các công ty Trung Quốc đại lục vốn có tiềm lực tài chính mạnh.

Một năm trước đây, một kỹ sư 50 tuổi người Đài Loan đã rời khỏi công việc của mình tại công ty bán dẫn ở Đài Loan và đi làm tại đại lục. Ông chia sẻ: “Cũng hoàn toàn dễ hiểu khi muốn tham gia dự án lớn và tăng giá trị của tôi trong cương vị một kỹ sư”. Nhờ chuyển việc, mức lương của ông đã tăng gấp đôi, ông chủ mới của ông cũng trả cả tiền học phí cho con ông. Vì vậy quyết định rời đi cũng không khiến ông phải cân nhắc nhiều.

Theo phân tích của báo Business Weekly, hơn 3.000 kỹ sư ngành bán dẫn đã rời Đài Loan sang Trung Quốc đại lục để làm việc. Các chuyên gia phân tích tại Viện Kinh tế Đài Loan khẳng định số liệu này chính xác. Con số trên gần tương đương 1/10 trong tổng số khoảng 40 nghìn kỹ sư làm việc trong mảng nghiên cứu và phát triển sản phẩm bán dẫn tại Đài Loan.

Xu thế này không mới. Từ năm 2000, ông Richard Chang đã chuyển đến Trung Quốc đại lục sau khi công việc kinh doanh tại Đài Loan của ông bị bán cho công ty sản xuất sản xuất chip lớn nhất thế giới Taiwan Semiconductor Manufacturing. Ông Chang đã kéo theo hàng trăm nhân viên và rồi mở ra công ty chất bán dẫn Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) ở Thượng Hải.

SMIC hiện là công ty sản xuất chip theo hợp đồng lớn thứ 5 trên thế giới và trở thành đối thủ cạnh tranh chính với TSMC với sự hỗ trợ từ Bắc Kinh.

Cựu giám đốc điều hành của TSMC, ông Chiang Shang-yi và giám đốc bộ phận Liang Mong-song đều đang đảm nhiệm vị trí cao tại công ty ở Trung Quốc. Một trong những tên tuổi hàng đầu của ngành DRAM tại Đài Loan, ông Charles Kao, cũng đã chuyển sang làm việc cho công ty Trung Quốc Tshinghua vào năm 2015. Unigroup cạnh tranh với nhiều công ty Đài Loan như Nanya Technology trong ngành kinh doanh chip.

Hoạt động dịch chuyển thay đổi việc làm của các kỹ sư Đài Loan như vậy đang ngày một sôi động hơn theo kế hoạch “Made in China 2025” của Trung Quốc nhằm có quyền chủ động cao hơn trong các ngành công nghệ cao.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh-quoc-te/dai-loan-da-mat-hon-3000-ky-su-gioi-nganh-ban-dan-ve-tay-trung-quoc-3529135.html