Đại lễ kỷ niệm 1.050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2018)

Tối 24-4 (mùng 9-3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình), Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình đã tổ chức trang trọng Lễ kỷ niệm 1.050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968- 2018) trong dòng chảy lịch sử dân tộc và khai mạc lễ hội Hoa Lư năm 2018.

Chương trình nghệ thuật “Tỏa sáng thiên anh hùng ca Đại Cồ Việt”.

Tham dự buổi lễ có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Trương Thị Mai, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư; Võ Văn Thưởng, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư; Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội; các đồng chí Bí thư T.Ư Đảng: Nguyễn Văn Nên, Chánh Văn phòng T.Ư; Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính T.Ư; Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Uông Chu Lưu, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Trần Thanh Mẫn, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, các vị lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng; đại diện đại sứ quán các nước và các tổ chức quốc tế cùng đông đảo nhân dân và du khách.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình đã ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc với sự kiện năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân lên ngôi Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, định đô ở Hoa Lư (Ninh Bình ngày nay), lấy niên hiệu là Thái Bình, gắn liền với thiết chế nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc, mở nền chính thống quốc gia, là tuyên ngôn đanh thép của tinh thần độc lập dân tộc, thống nhất quốc gia. Phát huy truyền thống lịch sử và cách mạng của quê hương Cố đô, dưới ánh sáng của đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng, lãnh đạo, trong những năm qua, Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình đã đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phát huy sức mạnh, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực; kinh tế tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao...

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã nêu bật ý nghĩa quan trọng về sự ra đời của Nhà nước Đại Cồ Việt, một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc thời kỳ đầu xây dựng và bảo vệ đất nước. Cách đây 1.050 năm, vào mùa Xuân năm 968, trên mảnh đất Hoa Lư “địa linh, nhân kiệt”, Vạn Thắng Vương - Đinh Bộ Lĩnh, người con ưu tú của quê hương Ninh Bình, sau khi hoàn thành sứ mệnh dẹp yên và thu phục 12 sứ quân, thống nhất đất nước, lên ngôi Hoàng đế, định đô ở Hoa Lư, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, sau hơn một nghìn năm đấu tranh giành độc lập. Đó là kết tinh, hội tụ của ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, của hồn thiêng sông núi và tình yêu quê hương, đất nước cháy bỏng ngàn đời. Trải qua 86 năm với ba triều đại: Nhà Đinh, nhà Tiền Lê và thời kỳ đầu của nhà Lý, Nhà nước Đại Cồ Việt đã có vị trí, vai trò rất lớn lao đối với lịch sử dân tộc. Đặc biệt, ngay từ buổi đầu thành lập, với việc xưng đế, dựng kinh đô, đặt quốc hiệu, định niên hiệu, cho lưu hành đồng tiền riêng, xây dựng thiết chế quân chủ trung ương tập quyền…, Đinh Tiên Hoàng đã lập nên Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử nước ta; mở ra một trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam - thời kỳ độc lập, tự chủ, lâu dài, xuyên suốt của các nhà nước phong kiến Việt Nam sau này. Đó là sự khẳng định mạnh mẽ ý chí độc lập, khát vọng và niềm tin về một đất nước thái bình, hưng thịnh, trường tồn.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Kỷ niệm 1.050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt là sự kiện chính trị quan trọng không chỉ của tỉnh Ninh Bình mà còn có ý nghĩa quốc gia và tầm quốc tế sâu sắc; góp phần tôn vinh, tri ân và làm sâu sắc vị trí, vai trò, giá trị đặc biệt của Nhà nước Đại Cồ Việt, công lao to lớn của Đinh Tiên Hoàng Đế và các bậc tiền nhân trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước; giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm, nghệ thuật quân sự độc đáo cũng như tính nhân văn cao cả của dân tộc ta.

Đồng chí mong muốn Đảng bộ, nhân dân tỉnh Ninh Bình tiếp nối truyền thống lịch sử vẻ vang của cha ông, cùng cả nước, luôn đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phát huy sức mạnh tổng hợp, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; tăng cường đoàn kết xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao; từng bước xây dựng Ninh Bình thành trung tâm du lịch trọng điểm, đồng thời bảo tồn và phát huy một cách hiệu quả những giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất, con người Cố đô.

Nối tiếp lễ kỷ niệm 1.050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt là chương trình nghệ thuật hoành tráng có chủ đề “Tỏa sáng thiên anh hùng ca Đại Cồ Việt”, do Tổng đạo diễn Lê Quý Dương viết kịch bản và dàn dựng, có sự tham gia trình diễn của hơn 500 nghệ sĩ, diễn viên đến từ nhiều đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của trung ương và địa phương.

Với tư tưởng chủ đạo nhằm khẳng định những giá trị quan trọng của việc thành lập Nhà nước Đại Cồ Việt- Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam, chính danh khẳng định nền độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc, đồng thời khắc họa nổi bật hình tượng Đinh Tiên Hoàng đế trong công cuộc thống nhất đất nước, đạo diễn đã lấy hình tượng những pho sử của dân tộc làm hình tượng chính cho thiết kế sân khấu, qua đó khơi dậy cảm xúc và niềm tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc.

Chương trình được dàn dựng theo phong cách huyền thoại sử thi với một tổng thể liền mạch của các đại cảnh sân khấu theo dòng chảy lịch sử, bao gồm chín phần nội dung: Cờ lau tập trận, Mổ trâu khao quân, Dẹp loạn mười hai sứ quân, Lên ngôi Hoàng Đế, Đinh Tiên Hoàng hiển linh, Kéo chữ Thái Bình, Quốc thái dân an, Hoa Lư vào hội, Thời đại Hồ Chí Minh.

Mở đầu chương trình là ca khúc Hoa Lư đại trận tập của nhạc sĩ Phó Đức Phương do ca sĩ Tùng Dương thể hiện, sau đó kết nối và dẫn dắt câu chuyện là những làn điệu của chèo và xẩm, vốn là tinh hoa của nghệ thuật truyền thống Ninh Bình.

Điểm nhấn của chương trình là nghi lễ Kéo chữ Thái Bình truyền thống của lễ hội Hoa Lư được trình diễn đầy tính nghệ thuật, hào hùng cùng đại cảnh “Quốc Thái Dân An” có sự tham gia của 56 nhà sư đang trụ trì tại các chùa ở Ninh Bình. Màn diễn được thực hiện trên nền nhạc thiền thanh thoát và lời xẩm ca ngợi công đức của Đinh Tiên Hoàng Đế và tưởng nhớ Đại sư Ngô Chân Lưu, người được Đinh Tiên Hoàng Đế phong Tăng Thống Quốc Sư đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Chương trình khép lại với màn pháo hoa tầm cao rực rỡ sắc màu trên bầu trời đêm cố đô.

Trong khuôn khổ chương trình lễ kỷ niệm 1.050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt trong dòng chảy lịch sử dân tộc và Lễ hội Hoa Lư năm 2018, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục diễn ra 47 sự kiện văn hóa, nghệ thuật và thể thao sôi động từ nay đến hết tháng năm.

PV. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Ninh Bình.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/36196102-dai-le-ky-niem-1-050-nam-nha-nuoc-dai-co-viet-968-2018.html