Đại lễ Hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới

Tối 13-5, trong khuôn khổ các hoạt động của Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (LHQ) - Vesak 2019, tại Quảng trường Cột kinh, Điện quan âm của chùa Tam Chúc, đã diễn ra Đại lễ Hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới. Đến dự có đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Nhân dân Việt Nam vốn coi trọng đời sống tôn giáo, tín ngưỡng và có truyền thống khoan dung giữa các tôn giáo. Năm nay, Việt Nam vui mừng đón chào Đại lễ Phật đản LHQ - Vesak 2019 được tổ chức lần thứ ba tại Việt Nam. Đại lễ không chỉ là một sự kiện quan trọng trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo phong phú mà còn là niềm tự hào của phật tử, nhân dân Việt Nam khi được tổ chức một ngày lễ quan trọng của Phật giáo, một tôn giáo luôn đồng hành cùng dân tộc trong nhiều thiên niên kỷ. Đại lễ là nơi kết nối tri thức và tư tưởng tiến bộ, vun đắp văn hóa hòa bình cho toàn nhân loại.

Phó Thủ tướng hy vọng, các hoạt động trong khuôn khổ Đại lễ sẽ đạt nhiều kết quả tốt, góp phần quan trọng thắt chặt tình hữu nghị, hợp tác giữa các dân tộc và các nền văn hóa, qua đó cùng đưa những giá trị tốt đẹp của đạo Phật vào cuộc sống. Đồng thời, mong muốn các phật tử và nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy những tinh hoa của đạo Phật, làm đẹp hơn cho văn hóa, truyền thống của Việt Nam và đóng góp vào việc xây dựng đất nước Việt Nam tươi đẹp, hòa bình, phát triển bền vững...

* Sáng cùng ngày, trong khuôn khổ Đại lễ Phật đản LHQ - Vesak 2019, tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc, xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, Ủy ban tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak LHQ 2019 đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế bằng tiếng Anh với chủ đề: “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”.

Chủ đề của hội thảo lần này được Ban tổ chức Đại lễ chia thành năm diễn đàn bằng tiếng Anh, gồm: Sự lãnh đạo bằng chánh niệm vì hòa bình bền vững; Cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe và xã hội bền vững; Cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục đạo đức toàn cầu; Phật giáo và cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững. Theo đó, Ban Tổ chức đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà phật giáo học trên thế giới với 389 bài của các học giả quốc tế gửi về tham gia hội thảo. Đây là kỳ hội thảo quốc tế tại Vesak có khối lượng các nhà nghiên cứu tham gia lớn nhất từ trước tới nay, chất lượng của các bài tham luận được đánh giá cao. Hội thảo đã thu hút hơn 1.600 đại biểu khách quốc tế đến từ 115 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các vị nguyên thủ quốc gia, các nhà lãnh đạo Phật giáo quốc tế, các giáo sư, tiến sĩ và đông đảo đại biểu, khách quý tham dự.

Tại các diễn đàn, với rất nhiều câu hỏi vấn đáp và phần thảo luận sôi nổi, Hội thảo quốc tế đã đi đến thống nhất một số giải pháp đối với “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”.

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/40180102-dai-le-hoa-dang-cau-nguyen-hoa-binh-the-gioi.html