Đại lão doanh nhân Đỗ Thế Sử: Trọn nghĩa làm Người

Chia tay với thế gian khi đã tròn 97 tuổi, để lại cho đời một tấm gương về ý chí tự lập, tự cuờng, tinh thần yêu nước và trách nhiệm làm NGƯỜI với đầy đủ ý nghĩa của nó và đặc biệt là nuôi dạy 11 người con thành đạt...

Trong đó có 7 doanh nhân với những tên tuổi nổi tiếng như Đỗ Minh Phú (Chủ tịch HĐQT NH Tiên Phong, CTHĐ sáng lập Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI), Đỗ Anh Tú (Phó Chủ tịch HĐQT NH Tiên Phong, TGĐ Cty Diana)… Chắc chắn đại lão doanh nhân Đỗ Thế Sử có thể mỉm cười và nhẹ nhàng thanh thản về trời.

Tôi luôn hình dung về cụ - cương nghị, mạnh mẽ như một quân nhân và mỗi khi cười thì thật hiền, nụ cuời sáng bừng ấm áp. Ấn tượng lớn nhất sau mỗi lần gặp cụ, tôi đều tự nhủ lòng mình – nếu có lúc nào đó nản chí hoặc ngã lòng trước cuộc sống thì hãy nhớ về cuộc đời cụ để vượt lên!.

Dấu ấn cuộc đời

Trong lễ trao tặng cụ Đỗ Thế Sử kỷ niệm chương “Vì sự phát triển doanh nghiệp” của VCCI năm 2014, lời phát biểu của Đại sứ Nguyễn Sanh Châu khiến tôi tâm đắc: “Chưa hết trăm năm đã trọn vẹn một chữ Người. Cuộc đời của cụ Sử là minh chứng cho “CON NGƯỜI" viết hoa!”.

Ngay cả lúc này, dường như, ông Châu đã thay mặt cho tất cả những người được biết về cuộc đời của vị doanh nhân già này – nói lên điều ấy!.

“14 tuổi kinh doanh cũng chưa phải là sớm và 90 tuổi kinh doanh cũng chưa phải đã muộn…” - Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khi gắn lên ngực người doanh nhân già tấm kỷ niệm chương đã phát biểu như thế. Dòng máu kinh doanh cụ Sử nhận đuợc từ thế hệ đi trước và trao truyền cho thế hệ sau như một cuộc chạy tiếp sức không ngừng nghỉ, tạo dựng một gia tộc kinh doanh, xây dựng một nền tảng, một triết lý kinh doanh tựa vào chữ “Tự”: Tự lực, Tự cường để đi lên, Tự trọng để giữ uy tín và Tự tôn để không chấp nhận thua kém.

"Ở khoảnh khắc đáng nhớ ấy, nguời đại lão doanh nhân giữa ngập tràn niềm vui sum vầy cùng con cháu đón nhận kỷ niệm chương, giữa niềm vui, niềm tự hào mà không quên tự hứa rằng, còn sức lực sẽ còn kinh doanh, còn làm ngọn cờ đầu, không ngại gian khó… Cụ Sử đứng đó như đại ngàn che chở và như tỏa bóng xuống cả một mái nhà doanh nhân.

Ngay từ lần đầu gặp cụ Sử, không hiểu sao tôi hay liên tưởng tới bài hát “Một rừng cây một đời người” vì cuộc đời thăng trầm cụ đã trải, vì những gắng gỏi cụ tự vượt lên mà chỉ những người trải qua mất mát đớn đau mới thấu hiểu và có thể chính vì những suy nghĩ lớn của cụ ngay từ khi còn rất trẻ. Cụ từng tâm đắc chia sẻ với tôi: “Kinh tế là hạ tầng cơ sở của xã hội, là dòng máu nuôi cơ thể. Đất nước vững bền và phát triển thì phải có nền kinh tế khỏe mạnh. Nhưng kinh doanh phải có gen và phải say mê nó. Tôi có gen ấy từ mẹ tôi. Một người đàn bà thất học nhưng thông minh vô cùng. Bà chỉ nhìn qua bản đồ của xã, huyện là nắm được từng thửa ruộng. Không biết chữ, nhưng bà tính nhẩm nhanh như máy và không sai bao giờ. Tôi nhớ mãi hình ảnh của bà vừa ăn ngô bung vừa tranh thủ xay lúa. Tôi còn biết bà có cái hòm hai đáy cao 1 thước, đáy dưới cao 40 phân chật cứng tiền Đông Dương. Bà làm giàu bằng cái đầu và tính hay lam hay làm, giúp cho bao người có công ăn việc làm. Cái giàu đĩnh đạc, đàng hoàng và chắc chắn. Cả đời tôi ngưỡng mộ và kính phục mẹ mình. Chính bà là tấm gương cho tôi theo và truyền cho tôi ý chí và nghị lực - nhất là những khi cuộc đời thử thách mình”.

Nói chuyện nhiều lần, tôi nhớ mãi những điều cụ tâm huyết và có lẽ đã thành phuơng châm sống cho cả một đại gia đình của cụ: “Người đàn ông trước hết phải lo được việc nhà mình rồi mới gánh vác được việc thiên hạ. Nhà tôi con đông vợ lại đau ốm liên miên. Tôi không còn lựa chọn nào tốt hơn. Sự nghiệp với đàn ông rất quan trọng, nhưng trước hết phải làm NGƯỜI đã để lo cho vợ con tử tế. Đóng góp của mỗi người cho xã hội chính bằng sự lương thiện của mình, của gia đình, con cháu mình. Mỗi người, có gia đình đều biết tu thân sửa mình thì xã hội chắc sẽ tốt đẹp hơn lên. Nếu tôi kinh doanh tốt thì có khi còn lợi ích cho mình và cả xã hội hơn là một anh quan chức bình bình…”.

Vì thế, khi 38 tuổi, gia đình gặp biến cố, người vợ tảo tần chẳng may bệnh trọng mất sớm, cụ Sử đã kiên quyết xin thôi chức Tổng Biên tập báo Sơn Tây, ra ngoài làm kinh doanh và 15 năm liền, một thân một mình nuôi dạy chín người con (lớn nhất mới học lớp 10, nhỏ nhất vừa lên 2). “Tôi xin về mở HTX nhỏ chuyên ngành xén giấy, đóng sổ sách và tổ chức cho cả đàn con vừa học vừa lao động phụ giúp mình. Tôi là người cha nghiêm khắc — yêu cầu rất cao ở con mình. Vừa phải lao động vừa phải học giỏi xuất sắc điểm A — không có B. Cả 9 người con của tôi đều học giỏi, thông minh, đặc biệt là anh Đỗ Minh Phú (Chủ tịch Ngân hàng Tienphong, sáng lập Tập đoàn Vàng bạc đá quý DoJi). Tối tối các con tôi mang bài ra học luôn có tôi ở bên cạnh chỉ bảo…”, cụ kể. Là người mẹ, tôi hiểu rõ những nỗi lo thắt ruột, những đêm thức trắng khi con ốm, con đau và hình dung đủ nỗi gian nan cơ cực "vừa làm cha, vừa làm mẹ" mà người đàn ông trước mặt mình đã từng trải qua và không khỏi cảm phục.

Giá trị gốc

Nói về bí quyết nuôi dạy và định hướng cho các con, cụ Sử chia sẻ: “Tôi cho các con tự chọn con đường đi để phát huy khả năng của mình. Nhưng nhìn thấy ở người nào cái gen kinh doanh trội thì hướng người đó. Thực ra, những điều đó ở trong máu rồi, chỉ cần khơi lên thôi: Đỗ Minh Phú là một ví dụ. Anh ấy là người thông minh nhất trong các con tôi. Ngày anh ấy phải lựa chọn sang Nhật làm tiến sỹ hay chuyển hẳn sang kinh doanh, tôi có nói đại ý: làm khoa học cũng tốt nhưng biết nếu biết cách làm giàu cho mình và cho đất nước thì càng tốt. Nhà doanh nhân sẽ là một trong những trụ cột của đất nước… Thế nên Phú quyết định rẽ sang hướng trở thành doanh nhân đúng nghĩa và có được DOJI, Ngân hàng Tiên Phong như hiện nay. Những người con khác của tôi cũng vậy: anh Đỗ Anh Tú là TGĐ Công ty Diana và Phó Chủ tịch NH Tiên Phong, anh Đỗ Quốc Bình là Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, anh Đỗ Anh Tuấn là TGĐ Cty Lò hơi FTD, chị Đỗ Kim Dung là GĐ Cty sản xuất ống nhựa, chị Đỗ Xuân Mai và chồng điều hành Cty Green Global… Những người còn lại là nhà giáo, thầy thuốc nhân dân và tiến sỹ luật…Tôi vẫn dạy các con - điều quan trọng không phải làm được bao nhiêu tiền mà là tạo ra bao nhiêu việc làm cho công nhân. Phải trở thành người dẫn dắt mọi người như bà nội các con trước đây.

"Dòng máu nhà mình là dòng máu kinh doanh và dòng máu này được lọc bằng chứ Tín! Phải có chữ Tín thật sự thì chúng ta mới có nhiều nhà tư bản lớn. Chữ Tín chính là biểu hiện nhân cách của người kinh doanh!...” - Đại lão doanh nhân ĐỖ THẾ SỬ.

Có vẻ như cụ còn giống mẹ ở chỗ nhìn đâu cũng thấy cơ hội kinh doanh. Chuyện kinh doanh của cụ Sử cũng nhiều chuyện thú vị. Khi cụ đã nghỉ hưu ở HTX rồi, một ngày, ông thông gia ở Sài Gòn ra chơi kể chuyện mua cái mũ phớt đắt quá – hơn nửa chỉ vàng, cụ nghĩ ngay ở Hà Nội rẻ hơn. “Thế là hai vợ chồng già “đánh" mũ từ Hà Nội vào. Sang Tiệp Khắc chơi với Anh Tú, tôi tìm đến tận kho mua 5.000 cái mũ về - thắng to. Đến cái năm Tú nhận bằng đỏ tiến sĩ, được mời bố mẹ sang, chúng tôi ra quảng trường chơi thấy đồ pha lê đẹp quá liền mua luôn. Tối ấy, ngắm nghía đến hai giờ sáng rồi quyết định “đánh” về. Tôi nhờ Tú dẫn đi mua băng giấy vệ sinh chèn 39 kiện pha lê khiến Tú kêu trời. Bán pha lê cũng ra tiền mà băng giấy vệ sinh cũng là khoản thu kha khá…” cụ sang sảng kể những chuyện vui kinh doanh nhiều năm qua.

"73 tuổi, cụ quyết định thành lập Công ty May mặc Gamexco để sản xuất hàng xuất khẩu và cho tận đến 92 tuổi, cụ mới tạm nghỉ và trao nhà máy lại cho con gái điều hành.

Tôi có lần đã đặt câu hỏi rằng, điều gì đã khiến cụ đứng vững, vượt lên khó khăn chất chồng như thế và nhận được câu trả lời đầy sức thuyết phục: “Tôi chỉ có ba điều để tựa vào, đó là trí tuệ, quyết tâm và đức hay lam hay làm. Tôi chịu khó học hỏi và tìm tòi sáng tạo trong công việc. Làm chủ nhiệm HTX Cơ khí Tháng Mười nhờ kiến thức tích lũy được hồi học đại học tại chức Bách Khoa - chúng tôi đã sản xuất thành công gang dẻo tâm đen rất có uy tín. HTX lúc ấy có tới 200 đầu máy và 300 xã viên. Công việc kinh doanh đã giúp tôi nuôi được cả đàn con học hành đến nơi đến chốn. Quyết tâm tạo điều kiện cho các con học tập và một lòng vì chúng, tôi đã ở vậy nuôi các con 15 năm. Chỉ đến khi con nhỏ Đỗ Anh Tú được cử đi học tại Tiệp Khắc (cũ) tôi mới tục huyền với nhà tôi - Nguyễn Kim Phương và cùng bà điều hành doanh nghiệp đến bây giờ”.

Tôi hiểu sức mạnh tinh thần mà cụ nói - cảm phục đức làm người và ngưỡng mộ trí tuệ sắc sảo, vẻ mẫn tiệp vẫn toát ra từ gương mặt cương nghị và tinh anh của cụ. Chia sẻ với tôi bí quyết để khỏe - trẻ và minh mẫn - cụ bảo “sự sáng suốt khỏe khoắn mà tôi có được là do học tập và làm việc không biết mệt mỏi. 70 tuổi tôi học tiếng Anh để làm việc với đối tác và mỗi chiều 30 Tết tụ họp gia đình hơn 70 người tôi có thể phát biểu bằng thứ tiếng của “công dân toàn cầu”. 87 tuổi tôi tiếp tục học tiếng Hoa - cũng để trao đổi thường xuyên với đối tác…”. Bởi cụ có tới 11 người con thành đạt, mấy chục cháu nội ngoại đều tốt nghiệp đại học, chủ yếu đi du học từ nước ngoài về… tiếp nối sự nghiệp của ông cha.

Tôi biết tin cụ Sử mất khi đang ngồi cùng với mấy doanh nhân. Sự thương tiếc, cảm phục và những câu chuyện về đại lão doanh nhân được mọi người cùng nhau chia sẻ. Doanh nhân Nguyễn Đức Cây – người có mối thâm tình và có nhiều dịp bên cụ cho biết, ông thần tượng cụ Sử và đặc biệt chịu nhiều ảnh hưởng từ chính cụ, nhất là “phong cách sống, cách xây dựng kỷ cương, nề nếp của gia đình, phương pháp nuôi dạy con cháu…”. Những điều đó của cụ không chỉ anh Cây mà còn rất nhiều người khác kính phục và cố gắng học theo. Còn tôi có dịp chia sẻ với mọi người câu chuyện cụ từng kể với tôi mấy năm trước: “Hồi tôi bị mổ dạ dày, nghi là ung thư, tôi tập trung các con lại dặn: “Bố tham gia cách mạng, làm gì cũng hết lòng nên không có gì ân hận. Cậu út còn nhỏ nhờ các anh trông giúp …. Cả nhà xúm vào khóc, tôi động viên “đời người ai cũng một lần chết, cái chính là sống cho có ích… Thế mà ông trời thương, không phải ung thư. Nhưng tôi vẫn phải chung sống với căn bệnh tim, sốt rét và chỉ còn 1/3 dạ dày. Ai cũng nói phải nghỉ ngơi nhưng tôi nghĩ còn sống thì còn làm việc. Ăn gạo của nông dân, mặc áo của công nhân thì phải làm trả ơn chứ. Thế là tôi lại kinh doanh cô ạ...”.

"Cụ Sử đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa như thế - một người chưa bao giờ cam chịu mà tự làm nên số phận mình, sống nhân văn và đầy trách nhiệm với triết lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Vậy là một con người đã ra đi - nhưng còn lại mãi là tư tưởng gốc, giá trị gốc, cốt lõi, bất biến qua thời gian - giá trị của con người, của gia đình và cao hơn là giá trị về tinh thần doanh nhân, tinh thần yêu nước… Tự những điều quý giá ấy sẽ có sức lan tỏa trong cộng đồng!.

Vĩnh biệt đại lão doanh nhân Đỗ Thế Sử - nhưng tôi vẫn cứ tin rằng, cuộc đời cụ sẽ mãi xanh tươi trong tâm thế các thế hệ con cháu sau này như lời bài hát: “Và tôi vẫn nhớ hoài một loài cây/ Sống gần nhau thân mới thẳng/ Có một cây là có rừng/ Và rừng sẽ lên xanh…”.

Thùy Dương

Nguồn Thương Gia: http://thuonggiaonline.vn/dai-lao-doanh-nhan-do-the-su-tron-nghia-lam-nguoi-23202.htm