Đại kỵ

Đối với tôi, Thơ hiện nguyên hình bợm già. Một thằng ăn trộm thực sự. Ít nhất người như Thơ cũng phải nghĩ đến những nơi phải kiêng 'Con thầy, vợ bạn, gái cơ quan' để mà tránh. Lại thấy Thơ vẫn đường bệ chức Chủ tịch xã mà lại được suy tôn là một lãnh đạo giỏi thì càng khinh. Tôi cũng khinh luôn cả Lịch. Sao hắn lại đưa vợ ra mà đổi chác. Dù rằng hắn không cố ý nhưng việc làm của hắn cũng đáng để phỉ nhổ.

Cầm được mấy chục triệu tiền truy lĩnh, người cứ như đang đi trên mây. Thấy mình vừa vui vừa đăm chiêu thì vợ nguýt một phát rồi xì một cái như người ta nhổ bọt qua kẽ răng bảo rằng: “Có vài đồng bọ mà cũng phải lao tâm khổ tứ tính toán. Thật chả ra cái mặt đàn ông. May có vài cái chữ, không thì chết đói. Sao không hỏi anh Thơ?”.

Thì ra trong đầu nàng vẫn đinh ninh câu nói của thằng bạn lính tên Thơ nói với tôi mỗi khi hắn gặp: “May có vài cái chữ, không thì chết đói”. Định vặc lại. Nhưng vợ mình nói đúng. Nhẽ phải hỏi ý kiến ông bạn Thơ...

*

Thơ là tay “bợm già” trong đám đồng ngũ đồng tuế chúng tôi.

Gọi là “bợm” không có nghĩa là dân trộm cắp mà là theo cái nghĩa hắn khôn ngoan mọi nhẽ. Mặc dù bọn tôi mấy chục thằng cùng huyện nhập ngũ một ngày. Đến chiến trường thì Thơ được phân công ở khác đại đội nhưng cùng tiểu đoàn nên tôi không biết hành trạng của hắn nhiều. Lúc ấy chỉ quan tâm đến sự sống chết. Nếu gặp nhau thì cũng chỉ hỏi thằng nào còn sống. Thằng nào đã chết. Thế thôi. Có tám thằng sống sót trở về. Ngày thống nhất, Thơ xuất ngũ về quê bằng một con Honđa 67. Trên đó là một cái bao tải to những catset Nhật, rađiô Nationan hai pin đại... Toàn những thứ mà ngay các ông cán bộ cấp cao cũng không thể có. Cả huyện trầm trồ. Và người ta so sánh. Đối tượng để so sánh là cánh lính trơn về cùng một ngày với hắn. “Đấy, người ta khôn ngoan giỏi giang như thế. Đằng này đám chúng mày mỗi thằng một cái khung xe đạp với vài đôi bít tất”. Hỏi sao hắn giàu thế thì mấy thằng cùng đơn vị với Thơ cũng không biết. Có đứa thì thào: “Hình như thằng này vớ được vàng”.

Riêng tôi thì không có gì nên được người ta gán thêm chữ Ngố bên cạnh tên Hùng bố mẹ đặt cho. Hôm tôi cưới vợ, hắn đến dự. Trước lúc đón dâu hắn đưa mắt săm soi từng xăng ty mét một lượt từ đầu đến chân cái thằng chú rể là tôi đang xúng xính trong bộ gabacđin mới cứng được phát lần cuối trước khi rời quân ngũ. Rồi hắn chép miệng bảo: “Đếch có gì à”. Không hiểu, tôi hỏi lại. Hắn bảo: “Tao nói không có gì nghĩa là trơn từ đầu tới chân à. Mà cần đếch gì. Còn thằng người là quý rồi”. Hắn nói vậy rồi tháo cái đồng hồ Ô-ri-ang Thủy quân lục chiến to như trôn bát tô đang đeo trên tay đưa tôi. Tôi hỏi: “Cho mượn đeo cho oai hay là cho hẳn?”. Hắn bảo: “Cứ cầm đi”. Thấy cái kiểu ấm ớ không ra cho, mà cũng không ra cho mượn bởi vì mình có hỏi mượn đâu. Vậy là bảo: “Không!”. Hắn chép miệng lần nữa rồi bảo: “Không thì thôi” và đeo lại đồng hồ vào tay.

Nghĩ lại cái thời ấy mà kinh. Đói rạc. Khi vợ chồng tôi sinh đứa con đầu tiên, hắn đến chơi. Nhìn đứa con gái mới sinh của tôi loeo ngoeo như con chuột, lại nhìn vợ chồng tôi gầy vêu vao mặt hóp khoe toàn răng với răng thì hắn ái ngại: “Làm thằng đàn ông mà chả biết gì. May có vài cái chữ không thì chết đói - Ngồi một lúc hắn hỏi - Mày còn cái gì của lính thì đem ra đây”. “Để làm gì?”- Tôi hỏi. Hắn bảo: “Tao bán hộ. Bọn cán bộ từ dưới lên trên đang có mốt mặc áo lính nên săn dữ lắm”. Tôi cầm ra cái mũ cối sờn, hai bộ gabadin rung rúc với cái bi-đông Mỹ. Hắn hỏi: “Bộ quần áo mày mặc hôm cưới đâu?”. “Tao cất kỹ để làm kỷ niệm” - tôi bảo thế. Hắn gắt: “Kỷ niệm cái con khỉ. Đời lính đánh nhau khổ bỏ mẹ thì kỷ niệm nỗi gì. Giữ kỷ niệm để chết đói à. Đưa đây”. Vậy là tôi đành mở cái hòm gỗ xoan xé mấy lượt giấy báo lấy ra bộ quần áo đưa hắn.

Mấy hôm sau, hắn sai mấy đệ tử hì hục đẩy xe bò chở ba tạ thóc đến nhà tôi. Vợ tôi mừng đến rơi nước mắt. Còn tôi ngồi ngẫm nghĩ dăm năm đời lính của mình ít ra cũng có giá trị phết. Cứu cả nhà khỏi bị chết đói.

Đàn bà nhà tôi từ đấy tỏ ra thần tượng hắn. Hễ tôi làm việc gì thì nàng cũng bảo “đã hỏi ý kiến anh Thơ chưa”. Lắm lúc cũng bực vì tự nhiên trong mắt vợ, mình trở thành hèn kém. Nhưng mà Thơ cũng tốt thật. Không những tốt mà còn khôn nữa. Vậy thì hỏi hắn cũng chả sao. Với lại hỏi ý kiến tư vấn chứ có nhờ vả gì tiền nong đâu mà ngại.

Kể cũng tài. Hắn mách cái gì cũng trúng.

Lúc đánh nhau thì chỉ quan tâm bạn bè thằng nào đã chết. Còn thời bình thì quan tâm xem sống như thế nào. Đấy là cái sự gắn bó hết sức tự nhiên. Được Thơ giúp đỡ nên cả bọn chúng tôi đều nể hắn. Tôn hắn làm đại ca mặc dù chi ly ra thì hắn còn thua tôi gần hai tháng tuổi. Hơn nữa hắn lại làm cán bộ tài chính xã nên chúng tôi càng nể. Bởi vì tôi theo nghiệp gõ đầu trẻ, cái nghiệp mà thời ấy trên cửa hàng mậu dịch người ta ghi thông báo to tướng: “Từ giáo viên trở lên được phân phối cho mỗi người hai mét vải màn...”. Nói thẳng ra là hạ đẳng nhất trong khối công chức viên chức. Thủ kho to hơn thủ trưởng. Thơ làm cán bộ tài chính xã, cầm tiền nên quyền sinh quyền sát oai lắm. Chủ tịch xã thường xuyên bị Thơ cự cãi mà không dám phản ứng gì thì biết hắn oai tới mức nào.

Thơ làm cán bộ tài chính xã có thâm niên đến hơn chục năm. Tôi gọi điện mời ông bạn đồng ngũ ra nhà chơi. Ông bạn giờ đã là Chủ tịch xã bảo ừ ra ngay đấy và chỉ vài chục phút sau một cái Toyota đậu sịch trước sân. Cửa xe bật mở rồi một ông béo tốt bước xuống. Định bắt tay thì khách phẩy tay bảo: “Vẽ... bạn bè mà, việc gì phải bắt tay bắt chân rách việc” rồi đi luôn vào nhà kéo ghế ngồi chễm chệ. Nhìn thân hình đồ sộ của khách ngự trên cái ghế dựa ba nan mà tôi lo thắt ruột. Hắn mà giãy mạnh thì ngã giập bàn tọa chứ chả chơi. Thơ đấy. Hắn khác đi nhiều. Má sệ, mặt bóng nhẫy, da hồng hào, cử chỉ khoáng đạt. Đúng là người tự tin có chức có quyền. Nhìn qua gương thấy mình khẳng khiu lại gù gù, cử chỉ gò bó chợt thấy mình hèn hèn so với ông bạn.

- Có việc gì mà gọi tớ?

Vợ tôi rót nước mời rồi đăm đắm nhìn thần tượng. Tự nhiên tôi thấy khó chịu. Sự khó chịu đến mức thành ra lúng túng trước ông đồng đội cũ. Tôi lúng búng trình bày. Nghe xong, Thơ phẩy tay:

- Đúng là Hùng Ngố. Già đến nơi rồi vẫn ngố. Mua bộ salon Tàu mà ngồi cho sang. Đồ gỗ không bao giờ mất giá. Chứ ngồi cái ghế nhà ông kinh bỏ mẹ, có ngày ngã chùn xương sống. À mua bộ Minh đào bảy món tay mười í nhá. Đừng mua tay tám trông mỏng mảnh lắm...

Tôi ngẩn người. Salon tàu kiểu Minh đào là cái gì. Lại còn tay mười, tay tám là thế nào. Vậy là Thơ ngồi giảng giải một thôi một hồi về các loại Minh đào, Minh trúc, Thái Phượng, Triện móc... rồi cỡ tay đường kính mười phân, tám phân và thế nào là sáu món bảy món. Nghe lùng bùng chả hiểu.

Thơ nhìn bản mặt của chủ nhà rồi phán:

- Sao mà mặt thộn ra như ngỗng vậy. Đúng là giáo làng. May có vài cái chữ chứ không thì chết đói. Chả biết cái gì sất. Vậy nên dạy ra toàn đứa ngu. Thôi. Mai vào nhà thằng Lịch...

- Lịch nào?

- Thằng Lịch đồng ngũ chứ Lịch nào. Ngày trước nó ở Xê bảy. Ông không nhớ à. Nó ở xã tớ đấy.

- Nhớ ra rồi. Lịch Còi chứ gì.

Mặt Thơ như méo đi, ánh mắt hắn cụp xuống. Rồi hắn ngẩng lên khoát tay:

- Nó đấy. Nhưng giờ béo như chút chít. Thằng này ranh lắm. Nó có cửa hàng đồ gỗ to lắm. Vào đấy mà mua. Nó bán rẻ hơn nhà khác mỗi bộ cả triệu bạc...

Minh họa: Đỗ Dũng

Nói xong Thơ quày quả đứng dậy: “Tớ về đây”. Rồi đột nhiên hạ giọng: “Nhưng nhớ đừng bảo là tớ mách. Nhớ đấy. Đừng bảo là tớ mách”.

Lạ nhỉ. Bạn bè cùng lính chiến mách cho đến mua hàng ở nhà bạn sao phải giấu giếm.

Định cất mồm hỏi. Nhưng Thơ đã lên xe đóng sập cửa phóng ra khỏi sân. Cũng như lúc đến, chả chào hỏi gì. Thằng này lạ thật.

*

Có lẽ từ ngày hết chiến tranh cho đến nay tôi mới có dịp vào lại xã Minh Tiến. Và tôi thực sự choáng ngợp vì sự đổi thay đến diệu kỳ của miền quê này. Con đường ngày xưa hai bên là ruộng lúa, lèo tèo vài căn nhà lụp xụp giờ trở thành một đại lộ thênh thang tráng nhựa phẳng lì. Cả cánh đồng lúa ngày xưa giờ trở thành một đô thị đường nhựa dọc ngang như thể bàn cờ. Hai bên đường san sát những ngôi nhà to vật, mặt tiền rộng vài chục mét xanh đỏ biển hiệu đồ gỗ cao cấp cũng to vật chắn dọc mái nhà. Những bộ bàn ghế cũng to vật cùng đồ gỗ trắng ngà bày kín trong các cửa hiệu. Tấp nập người xe đi lại tiếng chào mời râm ran xen lẫn tiếng giấy ráp mài ghế, tiếng động cơ cưa đục xoèn xoẹt trong các cửa hàng. Ngồi xổm ngay mép đường những người đàn bà bịt mặt như thể ninza hí húi ngồi cọ rửa những bộ bàn ghế mộc trong nắng. Mà cái nắng ở đây cũng lạ. Nó có màu vàng đục. Bởi nắng được rắc thêm bụi gỗ bay là là. Không gian khu phố như thể được bao bọc bởi sương mù.

Bụi làm cánh mũi ngứa ngáy đến không chịu được. Hắt hơi liên tục. Chả trách người làm ở đây bịt mặt như thể ninza.

Biết tìm nhà Lịch Còi ở đâu trong cái khu phố ngang dọc đường sá bây giờ. Hỏi thăm những người đang đánh giấy ráp ven đường thì không ai biết. Hỏi các ông chủ nhà thì người ta hỏi ngược lại: “Hỏi Lịch làm gì?”. Kỳ lạ thế. Nói rõ ràng: “Mua bàn ghế”. Họ trả lời gọn lỏn: “Vào đây mà xem, ưng bộ nào thì mua”. Rồi lẳng lặng vào nhà, lờ tịt việc chỉ nhà Lịch Còi ở chỗ nào. Hình như đang có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các cửa hàng. Thầm nghĩ có lẽ do văn hóa doanh nghiệp của cái xứ u ti tì cuốc này chưa cao nên mới có thái độ như vậy.

Cũng may là phố xá vẫn còn những cửa hàng khác không buôn bán đồ gỗ. Những người này nghe tên Lịch thì lại lắc đầu giống hệt những chủ hàng đồ gỗ tôi đã hỏi. Có lẽ phải vào Ủy ban gặp Thơ để hỏi.

Vào cổng Ủy ban thấy ông bảo vệ đang ngồi ngáp. Tay này thấy tôi thì nhổm người ra điều mẫn cán. Hắn hất hàm: “Ông hỏi ai?”. Kể cũng tiến bộ khi Ủy ban xã cũng có bảo vệ canh cổng. Giả nhời rằng tôi hỏi ông Chủ tịch Thơ. “Sao ông biết Chủ tịch Thơ?”. “Là bạn đồng ngũ, cùng đánh nhau ở miền Nam về”. Tay bảo vệ thay đổi thái độ có vẻ nể hơn. Không giả nhời về cái điều cần hỏi, tay bảo vệ bảo: “Vậy ra ông là bạn chiến đấu với Chủ tịch. Ông ấy giỏi lắm”. “Giỏi như thế nào?”. Tự dưng tôi bị hút vào chuyện của tay bảo vệ. “Ông ấy giỏi lắm. Đang là xã nghèo, dân đói dài mồm vậy mà ông ấy làm một phát đổi đời”. “Đổi đời là sao?”. “Ông ấy có công biến cái làng này thành làng nghề sầm uất như ông đã thấy đấy. Tài chưa?”. À ra vậy. Thơ là người năng động giỏi giang.

Rồi hắn hỏi lại có việc gì mà cần gặp Chủ tịch. Tôi bảo mới gặp nhau tuần trước nên hôm nay chỉ hỏi ông Thơ xem nhà lão Lịch Còi ở chỗ nào. Tay bảo vệ mím môi vẻ mặt cười cười bí hiểm rồi nghiêm mặt: “Chủ tịch đi vắng. Mà ông hỏi nhà Lịch Còi làm gì?”. “Mua bộ bàn ghế”. “Thế à. Người ta bán đầy. Vào hàng nào mua chả được sao cứ phải nhà Lịch”. Kể cũng lạ. Người ta sẵn sàng tiếp chuyện mình đến mươi phút nhưng lại không chịu nói cho mình cái mình đang cần. Mà cái phố thị này xem ra cũng chẳng to lớn gì, lại nữa toàn là dân gốc ở đây thì ai chả biết Lịch Còi. Thế mà ai cũng giấu. Tay bảo vệ nhìn bản mặt thất vọng của tôi rồi nhìn ra sân Ủy ban đầy nắng nên động lòng thương hại. Hắn bảo cứ đi đến ngã tư trước mặt rồi rẽ trái ba nhà là đến cửa hàng vợ chồng Thắm Lịch. À ra vợ Lịch tên là Thắm.

Tôi không nhận ra Lịch ngay bởi hắn béo múp. Đầu hắn liền với thân, bờ vai nung núc sát vành tai còn chỗ cổ đùn ra toàn thịt. Nhìn trên mặt chỉ đôi lông mày giao nhau là của ngày xưa còn cái gì cũng như nhỏ lại. Mắt híp, mồm chúm chúm giọng nói thì âm âm có lẽ vì nhiều mỡ quá lấp đầy thanh quản... Lịch nhìn tôi ngờ ngợ rồi nhận ra. Hắn nắm lấy tay tôi lắc lấy lắc để:

- Ối giời ơi... Hùng! Thằng Hùng ngố... Đồng đội với nhau mà từ giải phóng đến giờ mới thấy mặt. Đi đâu mà đến nhà tớ giấc này? - Rồi không đợi trả lời hắn ngoảnh đầu quát sang bên cạnh - Nấu cơm đi. Hôm nay có khách. Làm cái gì mà đứng đực như mất hồn thế kia. Tơ tưởng cái gì? Tao điên lắm rồi đấy. Mau!

Theo hướng tiếng quát của Lịch, nhìn sang thấy một người đàn bà trẻ đang đứng nhìn hai chúng tôi. Một thân hình cân đối óng ả. Đặc biệt khuôn mặt xinh đẹp và dịu dàng như thánh nữ. Một đôi mắt huyền với hàng mi rợp. Đẹp thật. Khi tôi quay sang thì hàng mi cụp xuống. Khuôn mặt nhợt đi cam chịu. Không biết vì tiếng quát của Lịch hay vì cái nhìn của tôi quét qua... Chắc là người giúp việc của Lịch.

Lịch quay qua rót nước mời:

- Ông uống nước đi. Rồi trưa ở lại rượu với tớ.

- Không tớ đến mua một bộ bàn ghế...

- OK. Muốn mua cái gì cũng có. Nhưng cứ phải ngồi với nhau đã. Hơn ba chục năm rồi. Phải ngồi với nhau chuyện trò dăm ba câu. Tớ vừa bảo vợ rồi. Nhanh thôi.

Đến lúc này thì tôi biết người đàn bà xinh đẹp lúc nãy là vợ Lịch. Nhưng sao hắn quát nạt như con ở? Mà thằng cha này giỏi. Người xấu xí, rụt như ba ba lại lấy được cô vợ đẹp lung linh...

Nhìn cửa hàng rộng thênh thang đến mấy trăm mét vuông, đồ mộc xếp thành hàng kín đặc như trong siêu thị mà kinh ngạc. Sao giầu nhanh thế. Ngày xưa hắn cũng lính trơn như mình, ra quân với cái ba lô lép. Nhìn cơ ngơi của hắn cùng hàng hóa đoán dễ đến chục tỷ chứ chả chơi...

- Ông giỏi. Đến đúng địa chỉ đấy. Ai mách mà ông biết đến nhà tớ mua hàng. Này đồ đoàn ở đây nghiêm chỉnh nhá. Gỗ đông đặc, không rác, không tạp nhá, làm kỹ miễn chê. Thoải mái chọn. Riêng về giá, tớ đảm bảo với ông rẻ hơn các cửa hàng khác ít nhất một triệu mỗi bộ. Khách hàng đến đây tớ đều cho chọn thoải mái. Rồi đến các cửa hàng khác khảo giá. Khảo xong rồi về đây tớ sẽ lấy rút đi mỗi bộ một triệu. Các nhà hàng khác ở đây ghét tớ lắm. Không bao giờ họ chỉ cho khách đến cửa hàng của tớ. Đểu thế.

- Bán vậy thì không có lãi mấy nhỉ?

- Lãi chứ. Chưa nói hơn nhưng chắc chắn chả kém những thằng bên cạnh đâu. Cái cơ bản là mình đủ vốn. Không phải vay ngân hàng. Ông tính lấy bộ bàn ghế gốc ba chục triệu. Nếu để một năm không bán được là mình đã mất hơn hai triệu trả lãi cho ngân hàng. Vậy nên phải bán thành ba ba triệu mới có lãi được non một triệu. Tớ không phải vay ngân hàng. Vốn của mình thì dù bán rẻ hơn so với anh khác một triệu, mình vẫn có hai triệu lãi ròng. Rẻ hơn thì bán được nhiều. Rồi người nọ mách người kia. Cứ đổ xô vào mua hàng của tớ. Tiền được quay vòng nhanh hơn... Khỏe re.

- Ông làm gì ra mà lắm vốn thế? Ông bà già để lại cho à?- tôi hỏi.

- Không. Tớ tự có - rồi hắn lảng chuyện - Ông chọn hàng đi. Thích bộ nào thì lấy bộ ấy. Riêng với ông tớ chỉ lấy giá gốc.

- Vào nhà ông như lạc vào rừng, tôi chẳng rành đồ gỗ. Ông là người biết. Ông chọn cho tớ bộ Minh đào đẹp và đảm bảo chất lượng nhất. Bảo thợ làm kỹ cho rồi tuần sau đưa đến nhà cho tớ. Về tiền nong đừng có ngại.

- Vợ tớ chuẩn bị xong rồi. Ở lại rượu cho vui.

- Thôi để hôm khác, bảo cả thằng Thơ Chủ tịch với mấy thằng nữa. Lính đánh nhau cùng đơn vị ngồi với nhau cho vui.

Nghe tôi nhắc đến tên Thơ, tự dưng mặt Lịch tím bầm lại. Mắt long sòng sọc. Môi mím chặt. Một lúc sau Lịch gằn giọng rin rít:

- Đừng có nhắc tên thằng chó chết ấy trước mặt tao. Con vợ... khốn nạn. Thôi. Về! Tuần sau tao bảo người chở bàn ghế ra cho.

Ra khỏi nhà hắn mà lòng nhẹ nhõm. Yên tâm bọn lính với nhau thì hắn chẳng lấy đắt mình. Chắc rồi. Mà hình như hắn đang giận vợ. Hắn chửi vợ vậy mà mình ngồi ăn uống nhà hắn thì nuốt sao nổi. Nhưng sao Lịch lại chửi Thơ là chó chết?

*

Tuần sau y hẹn Lịch cho người đánh cái đầu ngang chở bàn ghế đến nhà cho tôi. Vợ chồng tôi thấy vui vì Lịch giữ lời hứa. Lại vui hơn vì số tiền tôi có vừa đủ. Không phải nợ đồng nào.

- Chắc bác thân với ông Lịch lắm nhỉ - Tay lái xe hỏi.

- Tớ với Lịch và Thơ Chủ tịch xã cậu là bạn lính cùng đơn vị. Vậy nên ông ấy lấy rẻ. Mà ông Thơ ông ấy mách vào nhà Lịch mua đấy.

- Ôi vậy à?

- Nhưng không hiểu sao Lịch ghét Thơ. Chú có biết không?

- Ôi vậy bác không biết gì à. Thôi... không biết thì thôi. Phức tạp lắm.

Ơ cái tay này lấp lửng. Thôi. Chả cần nghe. Nhưng vợ tôi không chịu. Vì sự lấp lửng vậy nên kích thích sự tò mò ở phụ nữ. Chắc chắn hắn ta biết điều gì bí mật đây? Vợ tôi bảo: “Gớm các chú biết thì cả làng cũng biết việc gì phải giấu. Mà chú có giấu thì rồi người khác cũng nói cho chúng tôi biết”. Quả nhiên khi nghe nói vậy thì tay lái xe hạ giọng:

- Dưng mà hai bác đừng nói cho ai biết nhé. Úi giời. Ngày xưa ông Thơ mấy lị ông Lịch thân nhau lắm. Chính ông Thơ là người bàn với ông Lịch làm cái cửa hàng đồ gỗ cao cấp Thắm Lịch đấy. Đầu tiên ông Lịch chả có đồng vốn nào nhưng may là có ba sào ruộng bên đường. Lúc ấy còn dễ, thế là ông Thơ chuyển đất thổ canh thành đất thổ cư cho ông Lịch. Rồi bảo ông Lịch đổ đất vượt thành nền nhà bây giờ. Sau đó cả làng trở thành làng nghề, ông Lịch định bán đất. Ông Thơ bảo đừng. Bán bây giờ thì mất. Đất càng ngày càng lên. Tớ sẽ góp vốn để dựng xưởng mở cửa hàng, ông góp tay nghề. Lãi chia đôi. Chả là lúc bấy giờ ông Thơ làm cán bộ tài chính xã lại vừa lên Chủ tịch nên giầu lắm. Vậy là có cái xưởng với cửa hàng mang tên vợ chồng ông Lịch. Bán được hàng lắm. Dưng mà ông Thơ lại lòng thòng với vợ ông Lịch.

- Úi giời! Sao lại thế. Chắc tin đồn vớ vẩn. Chú mày đúng là lắm chuyện - tôi gạt đi vì không muốn vợ nghe thấy.

- Thật đấy bác ạ. Em nghe người ta nói chính xác mà. Ông Lịch tặng vợ cái điện thoại thông minh. Bác thấy cô Thắm vợ ông ấy chưa. Đẹp lắm. Em mà có vợ đẹp vậy cũng phải cố bòn tặng vợ lấy một chiếc. Nhưng ông Lịch nghi nghi vợ mình lòng thòng với ông Thơ nên cài đặt cái gì gì định vị đấy. Thế rồi ông Lịch bắt quả tang vợ mình với ông Thơ ở nhà nghỉ. Kinh thế.

- Quả tang cơ à.

- Vâng em nghe thấy nói thế. Bắt quả tang hai người đang quấn nhau trong nhà nghỉ nhá. Quay phim nhá. Lập biên bản nhá. Ông Thơ phải lạy van ông Lịch thừa chết. Ông Lịch yêu cầu số vốn ông Thơ chuyển hoàn toàn cho ông Lịch thì mới nghe. Ông Lịch sợ mất chức Chủ tịch nên đành chấp nhận. Nghe đâu hơn hai tỷ bác ạ.

Tôi đờ người nhìn sang vợ thấy nàng mím môi mặt đanh lại. Còn tay lái xe thì cười. Cười rũ rượi:

- Mất đếch cái gì đâu. Rồi vẫn còn đấy. Dưng mà ông Lịch từ đấy ghét vợ lắm. Tẩn vợ liên tục. Dưng mà không li hôn được bác ạ. Vì ly hôn thì lộ chuyện...

Tôi thẫn thờ. Bi kịch. Vậy ra vợ chồng Thắm Lịch sẽ phải chịu đựng nhau suốt cả cuộc đời. Chao ôi. Tiền. Quyền. Ham muốn... Tưởng là tốt đẹp nhưng trong cuộc sống này còn đầy rẫy những éo le. Muốn khóc.

Vợ tôi cũng thẫn thờ. Nàng chẳng ngó ngàng gì đến bộ salon mới, chẳng khen lấy một câu. Từ lúc nghe xong câu chuyện, nàng nhìn tôi với ánh mắt là lạ. Hình như nàng ghét bộ salon, ghét câu chuyện đi theo người chở nó và ghét cả tôi. Lạ thế.

*

Rồi mọi chuyện cũng qua đi. Đấy là đối với tôi. Vì nghĩ mình chẳng thể làm gì. Chỉ có điều nó vẫn ám ảnh. Thương hai vợ chồng Thắm Lịch. Và ghét Thơ. Đối với tôi, Thơ hiện nguyên hình bợm già. Một thằng ăn trộm thực sự. Ít nhất người như Thơ cũng phải nghĩ đến những nơi phải kiêng “Con thầy, vợ bạn, gái cơ quan" để mà tránh. Lại thấy Thơ vẫn đường bệ chức Chủ tịch xã mà lại được suy tôn là một lãnh đạo giỏi thì càng khinh. Tôi cũng khinh luôn cả Lịch. Sao hắn lại đưa vợ ra mà đổi chác. Dù rằng hắn không cố ý nhưng việc làm của hắn cũng đáng để phỉ nhổ.

Và tôi cũng thầm ghen. Nếu tôi là Lịch. Cứ mỗi lúc gần gũi vợ, tôi lại nghĩ Lịch sẽ nghĩ như thế nào trong trường hợp như vậy. Chắc có lẽ hắn điên lên khi nghĩ rằng cái thân hình tuyệt mỹ của vợ đã bị dày vò bởi một kẻ khác. Khốn nạn hơn nữa khi kẻ đó từng là đồng đội của mình. Và nhìn cả cơ ngơi bề thế tiền tỷ giờ là của mình nhưng lại không bằng sức lao động của mình mà bằng sự đánh đổi thô bỉ nhất, hèn hạ nhất. Nếu tôi là hắn thì tôi sẽ tung hê hết thảy.

Tôi cố tìm cách để bênh vực Thắm. Nhưng không thấy có lý. Người giỏi giang như Thơ có thể là thần tượng của đàn bà. Vợ tôi cũng coi Thơ là thần tượng đấy thôi. Nhưng... Ờ thôi. Mỗi người mỗi điều kiện. Và tôi rùng mình. Nếu vợ tôi gặp hoàn cảnh như Thắm thì... Biết đâu đấy.

Nhưng thôi. Nghĩ lắm mệt đầu. Không cần nghĩ nữa. Mọi việc đã an bài.

Cho đến đầu năm nay chú em tôi muốn mua một bộ salon. Chú ấy cũng thích phải mua được bộ như của nhà tôi. Đành phải dẫn vào cửa hàng Thắm Lịch. Vì ở đấy rẻ mà chất lượng.

Đã quen chỗ. Chả cần hỏi thăm. Và tôi thất vọng vì cửa hàng ngày nào giờ trống hơ trống hoác lèo tèo vài bộ bàn ghế cũ xỉn màu. Chắc là đồ bán ế. Tấm biển “Thắm Lịch - Đồ gỗ cao cấp” giờ bị lật úp nằm chỏng chơ ngoài cửa. Ra tiếp tôi là một người đàn bà tiều tụy và mệt mỏi. Người đàn bà không nhận ra tôi. Tự giới thiệu là bạn chiến đấu của Lịch, đã từng mua một bộ salon ở cửa hàng này ba năm trước. Người đàn bà ngỡ ngàng cố lục trí nhớ. Rồi cô à lên một tiếng. “Bác là Hùng phải không ạ?”. “Phải tôi là Hùng. Bạn của Lịch và cả của Thơ”.

Người đàn bà lặng nhìn tôi. Như trách móc. Có lẽ vì cái tên Thơ gợi cho chị ta những điều chẳng mấy tốt đẹp chăng. Tôi nghĩ vậy.

- Lịch đâu? - tôi hỏi.

- Nhà em bỏ đi hai năm nay rồi bác ạ. Chả biết đi đâu. Em cũng chả quản lý được. Thỉnh thoảng ông ấy đáo qua nhà vơ một ít tiền. Giờ thì cạn sạch vốn. Chẳng làm lụng buôn bán gì được nữa bác ạ. Chán lắm. Bác sang cửa hàng khác mà mua.

Thắm nhìn tôi bằng ánh mắt rất lạ. Nhìn vào ánh mắt của cô tôi thấy đùng đục mệt mỏi. Không còn dấu tích của khuôn mặt đẹp như thánh nữ với hàng mi rợp. Hình như có cả sự hối hận và muốn nói điều gì đó.

Tôi thất vọng dẫn chú em sang cửa hàng khác. Chọn mãi cũng mua được một bộ salon ưng ý. Nhưng giá đắt. Ừ thôi đành chấp nhận vậy. Mua của người lạ mà.

Lúc về tôi ghé qua Ủy ban thăm Thơ. Vẫn tay bảo vệ cũ và cái hất hàm hỏi những câu hỏi của ngày xưa. Khi tôi nói muốn gặp ông Thơ Chủ tịch. Hắn bảo ông Thơ vừa bị khởi tố vì lợi dụng chức vụ đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp trái nguyên tắc, chi tiêu thất thoát mấy tỷ... Muốn gặp ông ấy thì lên trại giam của tỉnh.

Choáng váng. Rồi buồn. Sao việc gì đồng đội tôi cũng để nó quá đà. Giá mọi người biết dừng... Nhưng thôi sự việc đã đến mức này thì phải trả giá. Cái gì cũng có giá của nó.

Thấy tôi thờ thẫn vợ tôi sinh nghi. Nàng hỏi hôm nay đi đâu? Giả nhời rằng đưa chú em đi mua salon kiểu Tàu. Nghe vậy nàng sốt sắng có gặp anh Thơ không? Sao lâu không thấy anh ấy ra nhà mình?

Nghe tôi kể xong vợ tôi im lặng. Lát sau nàng bảo: “Chú ấy thích vậy sao không bán bộ salon nhà mình cho chú ấy?”. Tôi bảo: “Điên à. Gỗ ba năm đang đậu màu đẹp lung linh... Mà bán đi thì ngồi đất à”. Nàng xì một cái rồi nói như người hụt hơi: “Nhưng mà em chả thích cái của nợ ấy”. l

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/dai-ky-i654112/