Đại kế hoạch 'Made in China' gây họa đòn đất hiếm

Đất hiếm Trung Quốc phục vụ sản xuất trong nước là phần lớn khi Bắc Kinh đang nuôi tham vọng làm công xưởng thế giới.

Hoàn Cầu thời báo, tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tuần trước đã cảnh báo Bắc Kinh có thể sớm ngừng xuất khẩu đất hiếm cho Mỹ.

Đất hiếm phục vụ đại kế hoạch Made in China của Trung Quốc hơn là cung cấp cho các nhà sản xuất Mỹ.

Đất hiếm phục vụ đại kế hoạch Made in China của Trung Quốc hơn là cung cấp cho các nhà sản xuất Mỹ.

Tuy nhiên, cho đến nay, ngày càng có nhiều nhà phân tích cho rằng, đất hiếm không thực sự là một con bài chiến lược nếu Trung Quốc muốn đấu với Mỹ.

Mỹ chỉ chiếm 9% nhu cầu đất hiếm toàn cầu, 80% trong số đó, Washington mua của Trung Quốc. Mỹ chỉ chi tiêu một khoản khiêm tốn là 160 triệu USD trong năm 2018 để nhập khẩu đất hiếm phục vụ sản xuất.

Trong khi đó, Trung Quốc đã khai thác tới 70% lượng đất hiếm của thế giới trong năm 2018. Nhu cầu về đất hiếm của họ cũng rất cao khi đây là nguyên liệu cần thiết để sản xuất hàng loạt các mặt hàng, từ điện tử tiêu dùng đến quốc phòng.

Trung Quốc còn đang nuôi tham vọng trở thành công xưởng sản xuất của thế giới. Trung Quốc đang cố sản xuất tất cả chuỗi sản phẩm từ kỹ thuật thấp đến cao. Năm 2000, thị trường này là công xưởng thế giới cho những mặt hàng cơ bản kỹ thuật thấp như đồ chơi nhựa hay ô dù thì đến năm 2016, Trung Quốc sản xuất cả những mặt hàng đắt tiền hơn như smartphone hay máy tính.

Chưa thể leo lên đỉnh của chuỗi sản xuất, các sản phẩm kỹ thuật thấp được sản xuất tại Trung Quốc càng phải sử dụng đến đất hiếm.

Do đó, các chuyên gia cho rằng, nếu Trung Quốc muốn dùng đất hiếm làm con bài để ra giá với Washington, họ sẽ thất bại.

Các nhà phân tích của Raymond James (công ty dịch vụ tài chính và ngân hàng đầu tư ở Mỹ) là Ed Mills và Pavel Molchanov đánh giá, việc Mỹ sử dụng quá ít đất hiếm để sản xuất sẽ khó mà khiến nước này phải "lụy" Trung Quốc.

"Nước Mỹ chỉ sản xuất một lượng giới hạn các sản phẩm công nghệ cao gắn chặt với đất hiếm. Các thiết bị điện tử tiêu dùng (như máy tính, smartphone, màn hình TV phẳng) và các loại hàng hóa công nghiệp (như pin xe điện, tuốc-bin gió, tia laser, sợi quang) lại không được sản xuất tại Mỹ với quy mô như ở chính Trung Quốc hoặc các nước láng giềng châu Á” - hai chuyên gia Mills và Molchanov viết trong báo cáo.

Ảnh hưởng đối với các ngành công nghiệp Mỹ phụ thuộc vào đất hiếm là không nhiều, nếu Bắc Kinh muốn dùng đất hiếm là mặt hàng để "đánh" Mỹ thì họ sẽ mất đi các khách hàng lớn.

Ban đầu, có thể các nhà sản xuất Mỹ sử dụng đất hiếm làm nguyên liệu có thể thấy đây là điều khó khăn, làm tăng chi phí sản xuất, thậm chí gây đình trệ sản xuất.

Nhưng thời gian sau đó, họ có thể sẽ tìm đến các nhà cung cấp khác với giá cả có thể đắt hơn đôi chút như Malaysia, Nhật Bản, Viện đầu tư Wells Fargo nhận định. Hiện có tới 80% nhu cầu của Mỹ về đất hiếm đã qua xử lý là dành cho nguyên tố lanthanum và cerium, mà cả hai đều được cung cấp nhiều trên khắp thế giới.

Đây vốn đã là một bài học cho Bắc Kinh. Khi Trung Quốc giảm các chuyến hàng đất hiếm vào năm 2010, giá đất hiếm tăng mạnh, tạo ra cơ hội cho các quốc gia khác tăng cường sản xuất và là một trong những cản trở của chính Bắc Kinh.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng có thể tìm kiếm các giải pháp công nghệ khác nhằm thay thế kim loại đất hiếm trong các nguyên liệu sản xuất của mình.

Như vậy, khi Bắc Kinh chỉ hạn chế nguồn cung từ Trung Quốc sang các nhà máy Mỹ, họ sẽ không đạt được ý đồ của mình, thậm chí sẽ khiến khách hàng lớn của mình là Mỹ có thể tìm đến các nhà cung ứng khác. Cuối cùng người chịu thiệt sẽ lại là các nhà khai thác và xuất khẩu Trung Quốc.

Nếu Trung Quốc thực sự muốn dùng công cụ này cho thương chiến, họ nên tìm cách ngăn cản các công ty không phải của Mỹ trên thế giới làm ăn với các nhà sản xuất Mỹ cần đất hiếm.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/dai-ke-hoach-made-in-china-gay-hoa-don-dat-hiem-3381509/