Đại hội XIII của Đảng: Kỳ vọng những chính sách của Đảng nhằm đổi mới sáng tạo

Trao đổi với báo TG&VN trước thềm Đại hội XIII của Đảng, là một cán bộ khoa học, GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng kỳ vọng nhiều về chính sách của Đảng nhằm tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trước thềm Đại hội XIII của Đảng, GS. NGND Nguyễn Lân Dũng kỳ vọng Đảng chủ trương đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng, nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ hiện đại. (Ảnh: NVCC)

Trước thềm Đại hội XIII của Đảng, GS. NGND Nguyễn Lân Dũng kỳ vọng Đảng chủ trương đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng, nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ hiện đại. (Ảnh: NVCC)

Toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước đều đang hướng về Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với niềm tin Đại hội sẽ đưa ra được những quyết sách quan trọng, đúng đắn tiếp tục đưa đất nước phát triển bền vững. Với cá nhân ông, sự kiện này có tầm quan trọng như thế nào?

Đại hội lần thứ XIII của Đảng có ý nghĩa hết sức to lớn đối với sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn hiện nay của toàn dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Đảng ta là đảng cách mạng, là đảng lãnh đạo. Ngoài lợi ích của nhân dân và của giai cấp công nhân, đảng ta không có lợi ích nào khác. (HCM toàn tập, T.12, tr.435).

Điều đó có nghĩa, công việc của Đảng là công việc của đất nước; sự lớn mạnh của Đảng là sự lớn mạnh của cả dân tộc. Nhân dân cả nước đều mong đợi Đảng vạch ra được những phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trong 5 năm tới, xa hơn là chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030. Muốn làm được điều đó, Đảng đã đánh giá đúng đắn các thành tựu, khó khăn và cả những tồn tại trong 10 năm qua (2011-2020) để rút ra các bài học kinh nghiệm cho chặng đường sắp tới.

Chúng ta vui mừng về các thành tựu mà nhân dân cả nước đã vượt qua biết bao khó khăn, kể cả đại dịch Covid-19 và thiên tai lũ lụt tại miền Trung trong thời gian qua. Từ đó, liên tiếp đạt được những thành tựu cụ thể trong tất cả các mặt kinh tế, xã hội, giúp nước ta là một trong số ít các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế dương ở khu vực cũng như trên thế giới.

Quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người tăng lên (năm 2020, GDP ước đạt 268,4 tỉ USD và thu nhập bình quân đầu người ước đạt 2.750 USD/người/năm). Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động tăng từ 4,3%/năm giai đoạn 2011 - 2015 lên 5,8%/năm giai đoạn 2016 - 2020.

Hội nhập kinh tế quốc tế phát triển sâu, rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương thế hệ mới. Xuất, nhập khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, phát triển con người; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu đạt nhiều kết quả quan trọng...

Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đạt nhiều thành tựu nổi bật. Công tác xây dựng Đảng về tổ chức được thực hiện với quyết tâm chính trị cao, tập trung kiện toàn, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị có sự chuyển biến tích cực, rõ nét. Công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đảng viên được quan tâm hơn và có chuyển biến tích cực.

Đại hội lần thứ XIII sẽ xác định phương hướng chiến lược để phát triển đất nước với tầm nhìn đến năm 2045. Với việc xác định tầm nhìn xa như vậy, theo GS có ý nghĩa ra sao?

Văn kiện trình Đại hội Đảng đã vạch ra được phương hướng chiến lược để phát triển đất nước với các tầm nhìn xa, cụ thể:

Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Đấy là những mục tiêu lớn lao và vô cùng đáng tin tưởng và phấn khởi. Đảng đề ra được các mục tiêu chiến lược này chứng tỏ đã có tầm nhìn xa một cách khoa học, có cơ sở vững chắc và tin rằng nhân dân cả nước sẽ đồng tình ủng hộ.

Nghị quyết của Đảng là lời hiệu triệu và cũng là mệnh lệnh cho mọi tầng lớp nhân dân ta. Bác Hồ đã căn dặn: Không phải nghị quyết cho nhiều, khẩu hiệu cho dài là tốt. Phải làm được những điều mà Trung ương Đảng đã nêu. Làm được bao nhiêu thành công bấy nhiêu. Làm được nhiều thành công nhiều, làm được vừa thành công vừa, làm được ít thành công ít. (HCM toàn tập, T.14, tr.137).

Ông kỳ vọng gì vào chính sách của Đảng trong giai đoạn tới?

Là một cán bộ khoa học, tôi kỳ vọng rất nhiều về chính sách của Đảng nhằm tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đảng chủ trương đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng, nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ hiện đại. Đồng thời phát triển một số sản phẩm chủ lực có thương hiệu mạnh, có uy tín trong khu vực và thế giới. Nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực của đất nước, tạo cơ sở đẩy mạnh, phát triển kinh tế số.

Trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ trên khắp thế giới, tôi hy vọng hai ngành Công nghệ sinh học và Công nghệ thông tin sẽ được ưu tiên phát triển. Cụ thể, các phòng thí nghiệm trọng điểm ở các Viện nghiên cứu, các trường đại học sẽ được nâng cấp để vừa đủ khả năng đào tạo nhiều chuyên gia, vừa có thể tạo ra nhiều sản phẩm, thiết thực đáp ứng cho yêu cầu công nghiệp hóa đất nước. Đây là hai ngành công nghiệp có điều kiện ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối, dữ liệu lớn, công nghệ in 3D, làm cơ sở cho sự đổi mới công nghiệp và nông nghiệp nước nhà.

Cuốn sách "Sinh học-Khoa học về Sự sống" của GS. NGND Nguyễn Lân Dũng với nội dung phù hợp với chương trình, sách giáo khoa hiện nay. (Ảnh: NVCC)

Khoa học và giáo dục thời gian qua đã có những kết quả đáng tự hào. GS có đề xuất giải pháp gì để nâng cao chất lượng giáo dục cũng như nguồn nhân lực trẻ trong tương lai đạt chuẩn quốc tế?

Ngành giáo dục và đào tạo cần thực hiện nghiêm nghị quyết trung ương số 29-NQ/TW ngày 14/11/2013. Điều quan trọng nhất là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.

Với năng lực cụ thể của bản thân, tôi đang cố gắng góp phần vào sự nghiệp giáo dục bằng các công việc cụ thể. Hiện tại, tôi đang triển khai dự án hội thảo tại các trường trung học phổ thông trong phạm vi cả nước về chủ đề "Khởi nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0" nhằm nâng cao ý thức học tập và chuẩn bị nghề nghiệp cho học sinh trước khi bước vào đời. Tôi đã thực hiện có kết quả gần 100 buổi và vẫn đang tiếp tục hàng tuần.

Để góp phần nâng cao cụ thể chất lượng giảng dạy môn Sinh học ở bậc phổ thông, tôi đã cộng tác với hai giáo viên trung học hoàn thành cuốn "Sinh học - Khoa học về Sự sống" với nội dung phù hợp với chương trình, sách giáo khoa hiện nay, nhưng cao hơn nhiều lần. Giáo viên sẽ dạy tốt hơn, sâu hơn, phong phú hơn, và học sinh các lớp chuyên ban có điều kiện nâng cao khả năng để dự thi vào các trường yêu cầu khối B, hay tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế hoặc khu vực. Tôi hy vọng các ngành học khác cũng sẽ có các cuốn sách tương tự dành cho giáo viên và học sinh chuyên ban.

Để phục vụ cho sự nghiệp phát triển Công nghệ sinh học, tôi dành phần lớn thời gian biên soạn bộ Từ điển Công nghệ sinh học Anh-Việt (trước khi lấy ý kiến các chuyên gia khác). Đây là công việc rất khó khăn đối với tôi, nhưng tôi đã cố gắng hoàn thành 50% khối lượng công việc.

Xin trân trọng cảm ơn GS. NGND!

Yến Nguyệt

(thực hiện)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-hoi-xiii-cua-dang-ky-vong-nhung-chinh-sach-cua-dang-nham-doi-moi-sang-tao-134436.html