Đại hội XIII của Đảng: Dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng, dân tộc và đất nước

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII là nơi gửi gắm tâm huyết, trí tuệ và niềm tin của Nhân dân với Đảng, để hiện thực hóa khát vọng đưa dân tộc Việt Nam vươn tới một tương lai rạng rỡ hơn...

 Thủ đô Hà Nội rực rỡ cờ hoa chào mừng Đại hội XIII của Đảng.

Thủ đô Hà Nội rực rỡ cờ hoa chào mừng Đại hội XIII của Đảng.

Đại hội XIII xác định tầm nhìn đến giữa thế kỷ XXI

Hôm nay (25/1), tại Thủ đô Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng bước vào ngày làm việc đầu tiên. Với phương châm: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, Đại hội không chỉ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng mà còn nhìn lại 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991... đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2021 – 2026 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045.

Bởi vậy, hơn lúc nào hết, Nhân dân đang vô cùng phấn khởi và tin tưởng Đại hội sẽ tiếp tục có những quyết sách đúng đắn, lãnh đạo đất nước vững vàng vượt qua thách thức, khó khăn. Đại hội sẽ bầu Ban Chấp hành Trung ương là những cán bộ trung kiên, có đức, có tài, luôn đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc lên trên hết, tận tụy, hết lòng phụng sự đất nước, phục vụ Nhân dân.

Theo dự kiến, hôm nay (25/1), Đại hội lần thứ XIII của Đảng sẽ diễn ra phiên họp trù bị. Phiên khai mạc chính thức sẽ diễn ra ngày 26/1 và dự kiến phiên bế mạc diễn ra vào ngày 2/2.

Tham dự Đại hội XIII có 1.587 đại biểu, đại diện cho hơn 5,1 triệu đảng viên trong toàn Đảng (tăng gần 80 đại biểu so với Đại hội XII) và có số lượng đại biểu đông nhất trong 13 kỳ đại hội.

Trả lời báo chí trước thềm Đại hội, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, Đại hội XIII là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, đất nước ta, có ý nghĩa định hướng và tầm nhìn chiến lược cho tương lai, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn.

Đại hội XIII xác định tầm nhìn xa hơn đến giữa thế kỷ XXI, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN, đặt ra mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể phải hoàn thành cho mỗi chặng đường; thể hiện rõ tính kế thừa và phát triển, tính liên tục và hoàn chỉnh trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Các mục tiêu nêu cụ thể hướng tới những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước ta là: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước:

Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước CHXHCN Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể mà Đại hội đề ra là cơ sở hết sức quan trọng để xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm tính đồng bộ, khả thi, vừa đáp ứng được yêu cầu lâu dài, vừa có trọng tâm và các khâu đột phá chiến lược cần ưu tiên triển khai thực hiện; tạo thống nhất từ nhận thức cho đến hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong giai đoạn từ nay đến giữa thế kỷ XXI.

Văn kiện trình Đại hội là sự kết hợp trí tuệ và sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân

Nói về Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ông Võ Văn Thưởng khẳng định, các Văn kiện được chuẩn bị rất công phu, bài bản, chu đáo, qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn thiện; quát triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển; trên cơ sở phát huy tối đa dân chủ, sự chủ động, tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện các dự thảo văn kiện của đại hội đảng bộ các cấp; sự đóng góp ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân trong nước, đồng bào ta ở nước ngoài. Các tiểu ban và các cơ quan liên quan đã khẩn trương, nghiêm túc tổng hợp, phân tích, tiếp thu các ý kiến đóng góp xác đáng và phù hợp để hoàn thiện dự thảo các Văn kiện.

Các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng là sự kết hợp trí tuệ và sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đã thể hiện được những quan điểm, chủ trương, phương hướng lớn, cho thấy tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng, khát vọng phát triển của dân tộc và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, với nhiều nội dung mới và điểm nhấn quan trọng.

Đánh giá tổng quát về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ông Võ Văn Thưởng cho biết, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã phát huy tinh thần đoàn kết, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, nỗ lực sáng tạo nắm bắt thuận lợi, thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật, tạo tiền đề cho những nhiệm kỳ tiếp theo, thể hiện trên một số điểm lớn: Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục phát triển; kinh tế vĩ mô ổn định; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; tăng trưởng được duy trì ở mức khá cao (GDP bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 6%/năm); tiềm lực, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên, chất lượng tăng trưởng được cải thiện.

Có thể khẳng định, những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội XII có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, tạo niềm tin, khí thế mới để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân bước vào một thời kỳ phát triển mới, như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

V.Thanh- K.Lâm

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/trong-nuoc/dai-hoi-xiii-cua-dang-dau-moc-quan-trong-trong-qua-trinh-phat-trien-cua-dang-dan-toc-va-dat-nuoc-569350.html