Đại hội XI Công đoàn TP.Hồ Chí Minh: Không đổi mới, công đoàn sẽ đứng ngoài cuộc sống người lao động

'Trong bối cảnh mới, nếu tổ chức CĐ không tự đổi mới mình, không đổi mới cách tiếp cận, hoạt động, chúng ta sẽ đứng ngoài rìa cuộc sống của NLĐ' - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đặt ra yêu cầu tại buổi đối thoại với các đại biểu dự Đại hội XI CĐ TPHCM trong khuôn khổ phiên làm việc thứ nhất của đại hội diễn ra vào sáng 28.6 tại hội trường Thành ủy.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm trả lời các ý kiến của đại biểu dự Đại hội XI CĐ TPHCM. Ảnh: PV

Theo đó, 550 đại biểu đối thoại với lãnh đạo thành phố (TP) 3 chuyên đề: Các giải pháp, kiến nghị nâng cao đời sống tinh thần vật chất cho CNVCLĐ; đổi mới phương thức tập hợp đoàn viên, xây dựng tổ chức CĐ, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh; nâng cao năng lực của cán bộ CĐ, thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của CNVCLĐ. Cùng tham gia đối thoại có Phó Bí thư Thành ủy Võ Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của TP.

Khuyến khích DN xây dựng nhà ở cho CNLĐ

Tại phiên làm việc thứ nhất của đại hội, ông Trần Đoàn Trung - Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM - đã thay mặt Đoàn chủ tịch thông qua báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp dự thảo Văn kiện Đại hội XI CĐ TPHCM, dự thảo Văn kiện Đại hội XII CĐ Việt Nam và ý kiến đóng góp sửa đổi, bổ sung Điều lệ CĐ Việt Nam. Theo đó, có 37.711 lượt ý kiến đã góp ý cho dự thảo. Đáng lưu ý, nhiều CNVCLĐ TP góp ý khi sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Lao động cần nghiên cứu đơn giản thủ tục đình công và được đình công về quyền, đình công về lợi ích để tổ chức CĐ thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, đình công theo quy định pháp luật. Việc điều chỉnh tuổi hưu và lộ trình nâng tuổi hưu cần nghiên cứu cho phù hợp với đặc thù của từng ngành nghề. Đối với công nhân (CN) trực tiếp sản xuất trong điều kiện bình thường giữ như hiện nay (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi) và xem xét giảm tuổi hưu đối với CN làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại.

Thời gian gần đây, tình trạng chủ DN bỏ trốn, không giải quyết chế độ cho NLĐ nhưng việc xử lý tài sản của DN để giải quyết kịp thời cho NLĐ gặp nhiều khó khăn. Đề nghị Tổng LĐLĐVN kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo các ngành liên quan hướng xử lý nhanh tài sản của DN để giải quyết chế độ cho NLĐ. CNVCLĐ cũng đề xuất Tổng LĐLĐVN ban hành quy định về tiêu chuẩn, chức danh cán bộ CĐ để làm cơ sở cho công tác tuyển dụng và xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ cho phù hợp với thực tiễn.

CNVCLĐ kiến nghị, nhiều năm qua, TPHCM có chủ trương chăm lo nhà ở xã hội dành cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, nhà ở, nhà lưu trú cho CN. CNVCLĐ đề nghị UBND TPHCM nghiên cứu ban hành chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, các DN tham gia xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho CN.

Làm CĐ bằng nhiệt huyết nhưng đánh đổi bằng chén cơm!

Tại các buổi đối thoại, nhiều ý kiến của các đại biểu đề nghị cần tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở, tăng cường bảo vệ cán bộ CĐ, đặc biệt là cán bộ CĐ kiêm nhiệm tại các DN có vốn đầu tư nước ngoại hoặc DN tư nhân.

Đại biểu Lê Trần Thanh Hải - Chủ tịch CĐ Cty Triple VN - cho rằng: “Những cán bộ CĐ ở cơ sở đa phần là kiêm nhiệm, họ phải làm chuyên môn, dính liền với tiền lương do chủ DN trả. Tuy nhiên, pháp luật bảo vệ cán bộ CĐ chưa rõ ràng, cụ thể. Cán bộ CĐ ở cơ sở sẽ rất e ngại trong công tác bảo vệ NLĐ bởi họ làm CĐ bằng nhiệt huyết nhưng có thể phải đánh đổi bằng chén cơm của mình”.

Chia sẻ về việc đào tạo cán bộ CĐ, đại biểu Võ Văn Hùng - Chủ tịch CĐ Cty Hansae VN - cho biết: Vì là DN xuất khẩu hàng đi Mỹ nên khách hàng yêu cầu chủ DN phải cho cán bộ CĐ, đoàn viên ưu tú đi học về kỹ năng thương lượng, phân tích pháp luật tại trường Đại học Tôn Đức Thắng. “Tuy nhiên, không phải DN nào cũng tạo điều kiện và cán bộ CĐ nào cũng được đi học” - ông Hùng nói.

“Cán bộ CĐ ở DN ngoài nhà nước đa phần là những người làm chuyên môn, họ đang chịu áp lực từ rất nhiều phía, phải có quan hệ tốt với NLĐ, chủ DN, khách hàng và địa phương. Khi bầu họ vào ban chấp hành, đa phần họ đã là những người nhiệt tình, có trình độ, cho nên việc của chúng ta là bồi dưỡng họ, đào tạo tại chỗ, đào tạo từ thực tiễn cũng là một cách hay” - ông Củ Phát Nghiệp - Chủ tịch CĐ Cty TNHH PouYuen Việt Nam, chia sẻ.

Chủ tịch HĐND TPHCM - bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đồng ý phải có chính sách bảo vệ cán bộ CĐ, có chính sách hỗ trợ, đào tạo để cán bộ CĐ toàn tâm, toàn ý với tổ chức, phục vụ đoàn viên, NLĐ: “Trong tình hình mới, đào tạo cán bộ CĐ không là đào tạo cái mình có mà là đào tạo cái cán bộ cần và cái thực tiễn yêu cầu. Chúng tôi ghi nhận là mình đang có những lỗ hổng và phối hợp trong công tác đào tạo chưa tốt. Hoạt động CĐ không đơn giản chỉ là phong trào mà nó chứa trong đó công việc của người nghiên cứu khoa học, tâm lý con người, pháp luật. Sắp tới, khi hội nhập sâu, các hiệp định chúng ta ký kết có hiệu lực, tổ chức CĐ sẽ có nhiều thử thách. Đảng, Nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện để CĐ hoạt động tốt nhưng chính tự bản thân tổ chức CĐ phải đổi mới để xứng đáng là chỗ dựa, là tổ chức đại diện, bảo vệ cho NLĐ”.

L.TUYẾT- M.PHƯƠNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/dai-hoi-xi-cong-doan-tpho-chi-minh-khong-doi-moi-cong-doan-se-dung-ngoai-cuoc-song-nguoi-lao-dong-615726.ldo