Đại hội Tim mạch toàn quốc diễn ra từ 5 - 7/10 tại TP Đà Nẵng

Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 16 sẽ là diễn đàn truyền thông tuyên truyền gián tiếp và trực tiếp tại cộng đồng để người dân có những kiến thức, hiểu biết trong phòng, chống bệnh lý về tim mạch.

PGS.TS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam

trao đổi với báo chí tại buổi họp báo.

Ngày 5/10, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Ariyana TP. Đà Nẵng, Hội Tim mạch học Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu về Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 16, được tổ chức từ ngày 5 - 7/10/2018 tại TP Đà Nẵng.

Tham dự họp báo có đại diện UBND TP. Đà Nẵng, Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng; Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam và đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn TP. Đà Nẵng.

Tại buổi họp báo, đại diện Hội Tim mạch học Việt Nam đã giới thiệu chủ đề, nội dung của Đại hội và những hoạt động chính bên thềm Đại hội lần này.

Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, Đại hội lần này có chủ đề “Tim mạch học trong kỷ nguyên mới - Tiếp cận đa ngành và cá thể hóa”.

Tham dự Đại hội có hơn 2.000 đại biểu, trong đó có hơn 300 báo cáo viên là các giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ đầu ngành trong lĩnh vực tim mạch của Việt Nam và trên thế giới. Đặc biệt, Đại hội còn có sự tham gia của các giáo sư là chủ tịch của nhiều Hiệp hội Tim mạch lớn trong khu vực và trên thế giới.

Lễ khai mạc Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 16 sẽ diễn ra vào sáng 6/10, tại hội trường lớn Trung tâm Hội nghị Ariyana (TP Đà Nẵng).

Tại Đại hội sẽ có gần 600 bài báo cáo chuyên môn của các chuyên gia tim mạch hàng đầu trong nước và thế giới, được trình bày tại gần 200 phiên họp, đề cập đến hầu hết các lĩnh vực trong chuyên ngành Tim mạch với nhiều chủ đề đa dạng và nhiều cập nhật như: Cập nhật khuyến cáo về xử trí bệnh tim mạch ở phụ nữ có thai; Cập nhật khuyến cáo về điều trị rối loạn mỡ máu ở các nước châu Á; Cập nhật về chẩn đoán và kiểm soát tăng huyết áp tại tuyến cơ sở (với Chương trình Quốc gia Phòng, chống các Bệnh Tim mạch); Tiếp cận toàn diện bệnh tim mạch ở người cao tuổi (với Hội Lão khoa Việt Nam); Chăm sóc đa ngành cho người bệnh tim mạch (với Hội Điều dưỡng Việt Nam); Chẩn đoán sớm và đánh giá toàn diện một số bệnh lý tim mạch bằng siêu âm tim (với Phân hội Siêu âm Tim Việt Nam và Hội Siêu âm tim Hoa Kỳ); Xu thế ít xâm lấn trong phẫu thuật tim và mạch máu (với Hội Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực Việt Nam)…

Ngoài ra, trong khuôn khổ của Đại hội, Hội Tim mạch học Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo liên tục có cấp chứng chỉ (đã được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế) dành cho các bác sĩ và điều dưỡng có nhu cầu.

Bên cạnh đó, tại Đại hội lần này, Hội Tim mạch học Việt Nam sẽ phối hợp cùng Quỹ tim mạch Chien Foundation tổ chức lễ trao giải thưởng cho các nhà nghiên cứu trẻ.

Trước đó, trong thời gian trước khi Đại hội chính thức diễn ra cũng sẽ có nhiều hoạt động hướng tới cộng đồng hết sức ý nghĩa như: “Đi bộ đồng hành vì sức khỏe tim mạch cộng đồng” tại công viên Biển Đông TP Đà Nẵng với hơn 1.000 người tham gia; hơn 30 bác sĩ, điều dưỡng và tình nguyện viên của Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng và Viện Tim mạch quốc gia tổ chức khám bệnh về tim mạch, huyết áp và phát thuốc miễn phí, tặng quà cho khoảng 400 người dân tại xã Hòa Phước (Huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng)…

Với nhiều hoạt động thiết thực, Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 16 sẽ là diễn đàn truyền thông tuyên truyền gián tiếp và trực tiếp tại cộng đồng để người dân có những kiến thức, hiểu biết trong phòng, chống bệnh lý về tim mạch.

Theo Hội Tim mạch học Việt Nam, bệnh tim mạch đã và đang là một gánh nặng cho xã hội với tỷ lệ tử vong và tàn phế cao nhất. Cạnh đó, các chi phí cho chăm sóc, điều trị bệnh tim mạch cũng là gánh nặng đáng kể với hàng trăm tỷ USD mỗi năm cho người bệnh. Tổ chức Y tế thế giới ước tính, hàng năm có đến 17,5 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến tim mạch và số bệnh nhân tích lũy ngày một nhiều.

Hiện Việt Nam có 25% dân số mắc bệnh về tim mạch và tăng huyết áp. Đặc biệt, trong những năm gần đây, bệnh lý tăng huyết áp đang trẻ hóa với rất nhiều đối tượng đang còn trong độ tuổi lao động.

Tỉ lệ tăng huyết áp của những người từ 25 tuổi trở lên ở Việt Nam đã là 47%. Thế nhưng đến nay vẫn còn nhiều người thờ ơ, chủ quan với sức khỏe tim mạch của chính mình.

Tin, ảnh: Đình Tăng

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/khoa-giao/dai-hoi-tim-mach-toan-quoc-dien-ra-tu-5-7-10-tai-tp-da-nang-500367.html