Đại hội Thi đua yêu nước ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam lần thứ V

Ngày 14/10/2020, tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam long trọng tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước Ngành Bảo hiểm xã hội lần thứ V.

Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của cả nước chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc, hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, ngày 14/10/2020, tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam long trọng tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước Ngành Bảo hiểm xã hội lần thứ V.

Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Tham dự Đại hội, về phía các Bộ, Ngành Trung ương có các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Sơn Minh Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; Phan Thị Kim Oanh, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cùng đại diện một số Bộ, ban ngành, đoàn thể…

Về phía Bảo hiểm xã hội Việt Nam có Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh; các Phó Tổng Giám đốc: Phạm Lương Sơn, Trần Đình Liệu, Đào Việt Ánh, Lê Hùng Sơn; đồng chí Nguyễn Đình Khương - nguyên Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; cùng 500 đại biểu là cán bộ, công chức, viên chức tiêu biểu trong toàn Ngành.

Đại hội Thi đua yêu nước Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhằm tổng kết phong trào thi đua và công tác khen thưởng giai đoạn 2016 - 2020 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2025; tuyên dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước, đồng thời tiếp tục cổ vũ, động viên công chức, viên chức và người lao động (CCVC) trong toàn ngành đoàn kết, năng động, sáng tạo thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.

Toàn cảnh Đại hội

Toàn cảnh Đại hội

Công tác thi đua khen thưởng ngày càng đi vào thực chất

Giai đoạn 2016 - 2020, là giai đoạn Đảng và Nhà nước có nhiều quan tâm, chỉ đạo đổi mới và ban hành các quy định mới về công tác thi đua khen thưởng; trong bối cảnh thực hiện các quy định mới của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung được thực hiện; Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội…

Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã nhận thức rõ vai trò quan trọng của công tác thi đua khen thưởng, từ đó quan tâm, chỉ đạo tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, các đơn vị trong toàn ngành tăng cường quản lý, đổi mới công tác thi đua khen thưởng; tổ chức phát động phong trào thi đua hằng năm, phong trào thi đua chuyên đề và thực hiện sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua nhằm đánh giá kết quả, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc.

Trong giai đoạn này, căn cứ các quy định, chính sách về thi đua khen thưởng của Nhà nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành gần 200 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đổi mới công tác thi đua khen thưởng trong toàn Ngành (năm 2016: 20 văn bản; năm 2017: 55 văn bản; năm 2018: 48 văn bản; năm 2019: 25 văn bản và 6 tháng đầu năm 2020: 25 văn bản).

Hệ thống văn bản về công tác thi đua khen thưởng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thường xuyên được cập nhật, kịp thời sửa đổi, bổ sung để thực hiện đúng các quy định mới của Nhà nước và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của ngành, tạo điều kiện cho các đơn vị trực thuộc triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác thi đua khen thưởng.

Đặc biệt, trong giai đoạn này, phong trào thi đua của Ngành được đổi mới về nội dung và hình thức; triển khai bài bản, khoa học với tiêu chí và nội dung cụ thể, thiết thực, bám sát nhiệm vụ được giao; thực sự trở thành động lực thúc đẩy các tập thể, cá nhân nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hưởng ứng, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện 04 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động gồm: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Cả nước chung tay vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; “Cán bộ công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”; trong đó tập trung chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các chỉ tiêu thi đua gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Toàn cảnh Đại hội.

Kết quả 100% các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã xây dựng Kế hoạch và tổ chức quán triệt các nội dung phong trào thi đua đến toàn thể CCVC thuộc đơn vị để mỗi người trên từng vị trí công tác của mình nhận thức đúng đắn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Một số kết quả nổi bật như sau:

- Với phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”: Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu về tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm y tế trong Bộ tiêu chí quốc gia về Nông thôn mới được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Ngành trong hai giai đoạn (2010 - 2015) và (2016 - 2020).

- Với phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”: quỹ Khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế đã giúp cho nhiều người nghèo, cận nghèo vượt qua những căn bệnh hiểm nghèo không may mắc phải và trở lại với cuộc sống lao động, học tập, tiếp tục nỗ lực để thoát đói nghèo.

Bên cạnh việc hoàn thành các chỉ tiêu gắn với nhiệm vụ chính trị, các đơn vị trong toàn Ngành luôn phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, Ban Chỉ đạo giảm nghèo ở địa phương tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, mục tiêu xóa đói giảm nghèo bằng nhiều hình thức:

Trực tiếp đăng ký giúp đỡ, hỗ trợ hoặc tham gia các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ hàng trăm xã nghèo phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới; đóng góp kinh phí ủng hộ tặng thẻ Bảo hiểm y tế, xây nhà tình nghĩa, có nhiều giải pháp sáng tạo trong tổ chức các hoạt động hỗ trợ các chỉ tiêu về y tế, xã hội… đến nay gần 100% số xã trong cả nước đã đạt tiêu chí về tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế của xã nông thôn mới.

- Với phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phát động phong trào thi đua với chủ đề“Xây dựng ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp" và chỉ đạo các đơn vị trong Ngành Bảo hiểm xã hội tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch điện tử; hoàn thiện, nâng cấp các phần mềm nghiệp vụ của Ngành; triển khai Hệ thống thu nộp, chi trả điện tử Bảo hiểm xã hội; Hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân và doanh nghiệp với cơ quan Bảo hiểm xã hội… nhằm tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp khi thực hiện chính sách, pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế cho người lao động.

- Với phong trào thi đua: “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025: Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch phát động phong trào thi đua với chủ đề “Công chức, viên chức, người lao động ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025 với mục tiêu:

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức và hành động; tự tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao ý thức, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của CCVC; xây dựng hình ảnh CCVC ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam gương mẫu, tận tụy, chuẩn mực, chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, tận tình, thân thiện; tạo môi trường làm việc văn minh, hiện đại, chuyên nghiệp, góp phần xây dựng ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh việc hưởng ứng và tổ chức thực hiện 04 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW và phát động 02 phong trào thi đua theo giai đoạn; 05 phong trào thi đua thường xuyên hàng năm và 10 phong trào thi đua chuyên đề theo đợt phù hợp nhiệm vụ chính trị hàng năm và nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cần quyết tâm hoàn thành, cụ thể như sau:

"Đoàn kết, năng động, sáng tạo, quyết tâm thi đua hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016"; "Kỷ cương - Đoàn kết - Thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao năm 2017";

“Xây dựng ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp" năm 2018;

“Công chức, viên chức ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn nỗ lực, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo trong thực thi công vụ, quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2019 lập nhiều thành tích hướng tới kỷ niệm 25 năm thành lập Bảo hiểm xã hội Việt Nam”;

“Công chức, viên chức ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm; nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2020"…

Toàn cảnh Đại hội.

Năm 2020, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên cả nước, ngoài việc tích cực, chủ động tham mưu với Chính phủ, các bộ quản lý Nhà nước về giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, người dân do ảnh hưởng của dịch bệnh như thực hiện kịp thời việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất với doanh nghiệp, thanh toán kịp thời các dịch vụ y tế liên quan đến chẩn đoán và điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, thực hiện chi trả các chế độ ốm đau, bảo hiểm thất nghiệp cho người tham gia,…

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xác định chiến lược phát triển đối tượng tiềm năm năm 2020 là khu vực phi chính thức và theo đó tổ chức thành công 02 Lễ ra quân “Hưởng ứng Tháng vận động triển khai Bảo hiểm xã hội toàn dân - Tuyên truyền, vận động người dân tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện” và “Hưởng ứng Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam - Tuyên truyền, vận động người dân tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm y tế hộ gia đình”.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại Đại hội.

Chỉ sau 04 ngày triển khai 02 Lễ ra quân (tại Lễ ra quân tháng 5 và tháng 7) trên cả nước, tuyên truyền vận động trực tiếp tới nhóm lao động tại khu vực phi chính thức và nhóm người dân tại các hộ gia đình, toàn Ngành đã vận động được gần 124.000 người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm y tế hộ gia đình, trong đó, 60.000 người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện và gần 64.000 người tham gia Bảo hiểm y tế hộ gia đình…

Có thể nói, trong bối cảnh người dân và toàn xã hội bị tác động nặng nề bởi dịch COVID-19 thì các phong trào ra quân của Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam là một minh chứng rõ nét cho việc vận dụng hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước.

Các phong trào thi đua của Ngành luôn được gắn với tiêu chí đánh giá, xếp loại từng tập thể, cá nhân và là cơ sở để phân phối tiền lương và thu nhập, qua đó đã thực sự là đòn bẩy giúp tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động từ cơ quan Bảo hiểm xã hội ở Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện; góp phần tạo động lực cho các tập thể, cá nhân trong toàn Ngành phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị hằng năm và giai đoạn 2016-2020, cụ thể đạt được trên các mặt sau:

Công tác phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp

Số người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp hằng năm đều tăng vượt so với Kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao: số đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp năm 2015 là 70,2 triệu người và tới năm 2019 là 86,5 triệu người.

Tính đến 31/8/2020, số đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp là 86,4 triệu người (đạt 98,14% kế hoạch được giao); số người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng mạnh, đến tháng 8/2020 đạt 786.173 người, đặc biệt, chỉ tính riêng số người tăng mới năm 2019 bằng gấp hai lần kết quả về số người phát triển được giai đoạn 11 năm trước đó.

Số người tham gia Bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ bao phủ gần 90% dân số, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao.

Công tác chi trả và giải quyết chế độ, chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế được thực hiện kịp thời, đúng quy định; quyền lợi của người tham gia ngày càng được nâng cao.

Năm 2015, toàn Ngành đã giải quyết cho gần 8,1 triệu lượt người hưởng các chế độ Bảo hiểm xã hội thì đến năm 2019 con số này là 12,5 triệu lượt người (tăng 54%).

Năm 2015 toàn Ngành đã thanh toán chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế cho 130 triệu lượt người và đến năm 2019 đã thanh toán cho 184 triệu lượt người (tăng 41%).

Hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội hằng tháng cho khoảng 3,2 triệu người hưởng (trong đó có 2,6 triệu người nhận bằng tiền mặt và khoảng 600 nghìn người nhận qua tài khoản cá nhân).

Công tác truyền thông chính sách, pháp luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế đã có sự đổi mới mạnh mẽ cả về hình thức và nội dung, gắn bó mật thiết với công tác phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế bằng nhiều phương thức truyền thông hiện đại, đa dạng, thân thiện, tiếp cận ngày càng gần hơn tới mọi tầng lớp Nhân dân và những người hưởng các chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế.

Công tác cải cách thủ tục hành chính đã đạt được bước tiến quan trọng, số lượng thủ tục hành chính về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế đã giảm đáng kể so với trước kia, giảm từ 115 thủ tục (năm 2014) xuống còn 27 thủ tục (năm 2019); nhiều thủ tục hành chính rút ngắn cả về thời gian giải quyết, số hồ sơ, giấy tờ trong hồ sơ, giấy tờ giảm nội dung phải kê khai.

Thực hiện giao dịch điện tử trong tất cả các khâu từ thu, nộp đến quản lý chi, trả; số lần thực hiện giao dịch bình quân giảm từ 12 lần/năm xuống còn 1 lần/năm…

Với những kết quả đạt được trong công tác cải cách thủ tục hành chính của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới tại Báo cáo môi trường kinh doanh toàn cầu 2018, mức độ thuận lợi về môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp thứ 68/190 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 14 bậc so với Báo cáo 2017), trong đó chỉ số nộp thuế, Bảo hiểm xã hội xếp thứ 86/190 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 81 bậc so với Báo cáo 2017).

Công tác ứng dụng công nghệ thông tin: Hoàn thiện, nâng cấp các phần mềm nghiệp vụ; triển khai Hệ thống thu nộp, chi trả điện tử Bảo hiểm xã hội; Hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân và doanh nghiệp với cơ quan Bảo hiểm xã hội; Hệ thống giao dịch Bảo hiểm xã hội điện tử cung cấp 18 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; ứng dụng, sử dụng trí tuệ nhân tạo (Chatbot) trong trả lời, giải đáp người dân, doanh nghiệp về chế độ, chính sách Bảo hiểm xã hội; xây dựng và triển khai Hệ thống thông tin giám định Bảo hiểm y tế kết nối liên thông với 100% cơ sở Khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế trong phạm vi toàn quốc (tuyến xã 10.376 cơ sở y tế, tuyến huyện 1.933 cơ sở y tế, tuyến tỉnh 540 cơ sở y tế, tuyến Trung ương 48 cơ sở y tế).

Thực hiện Đề án “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả” theo Quyết định phê duyệt số 856/QĐ-TTgngày 10/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ, toàn Ngành đã giảm 65 đầu mối cấp phòng thuộc 63 Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 58 Bảo hiểm xã hội thành phố, thị xã trực thuộc Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, nơi có trụ sở Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh đóng trên địa bàn; giảm 06 Bảo hiểm xã hội cấp huyện thuộc Bảo hiểm xã hội tỉnh.

Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế của Ngành đã tạo bước chuyển tích cực, có tính kết nối từ đối ngoại đa phương khu vực sang đối ngoại đa phương thế giới; tích cực tham gia các hoạt động đối ngoại song phương tạo đà cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết số 28; tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của Việt Nam nói chung và của Bảo hiểm xã hội Việt Nam nói riêng.

Phát huy tối đa hiệu quả của các phong trào thi đua theo chuyên đề

Cùng với phong trào thi đua thường xuyên, các phong trào thi đua chuyên đề của Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn bám sát nhiệm vụ chuyên môn, được phát động tập trung vào việc hoàn thành những nhiệm vụ đột xuất, những nhiệm vụ trọng yếu, lĩnh vực trọng tâm, một số phong trào thi đua hiệu quả, thiết thực và đạt được kết quả nổi bật như sau:

- Phong trào thi đua “Quyết tâm hoàn thành xuất sắc việc cấp mã số Bảo hiểm xã hội, cấp, đổi thẻ Bảo hiểm y tế theo mã số Bảo hiểm xã hội cho người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế”, thời gian phát động từ 01/10/2017 đến 30/6/2018.

Kết thúc đợt thi đua, toàn quốc đã thực hiện rà soát, cấp mã số Bảo hiểm xã hội đồng bộ giữa cơ sở dữ liệu quản lý thu, sổ - thẻ với cơ sở dữ liệu hộ gia đình cho trên 78,5 triệu người đang tham gia, đạt tỷ lệ 99,9%; cấp, đổi thẻ Bảo hiểm y tế, mã số Bảo hiểm xã hội trên 77,5 triệu người, đạt tỷ lệ 98,7%.

Trên cơ sở thành tích của các tập thể, cá nhân trong thực hiện phong trào thi đua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện khen thưởng cho 13 tập thể và 39 cá nhân.

- Phong trào thi đua Tăng cường công tác quản lý nhằm ngăn chặn tình trạng lạm dụng gây thất thoát quỹ ốm đau, thai sản, quỹ bảo hiểm thất nghiệp” đã phát hiện nhiều trường hợp có dấu hiệu lạm dụng quỹ và từ chối thanh toán chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe của 570.938 lượt người do chứng từ không hợp lệ, hưởng trùng chế độ, không đủ điều kiện hưởng; kiểm tra công tác giải quyết, thanh quyết toán chế độ Bảo hiểm xã hội tại địa phương, phát hiện và thực hiện thu hồi 12.062 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức chưa đúng quy định…

Tổng kết phong trào thi đua, có 07 sáng kiến, giải pháp được công nhận là sáng kiến cấp Ngành; 8 tập thể và 7 cá nhân được giới thiệu là Điển hình tiên tiến của Ngành, 06 tập thể và 15 cá nhân trong Ngành và 3 cá nhân ngoài Ngành có thành tích xuất sắc được Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam tặng Bằng khen.

- phong trào thi đua“Quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu năm 2019 về phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp”: Kết quả năm 2019, toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp đạt vượt mức kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đặc biệt nhiệm vụ phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 574 nghìn người, 121,9% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 297 nghìn người so với năm 2018.

Trên cơ sở thành tích đạt được của các tập thể, cá nhân trong thực hiện phong trào thi đua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện biểu dương khen thưởng cho 21 tập thể và 110 cá nhân trong Ngành.

Với việc phát động các phong trào thi đua thường xuyên và chuyên đề ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 đã có 275 tập thể, 362 cá nhân có sáng kiến, giải pháp, đề án, dự án nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào hoạt động nghiệp vụ trên tất cả các lĩnh vực công tác nghiệp vụ, tạo nên những bước đột phá, những dấu ấn quan trọng của Ngành trong công tác tổ chức, thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, được Chính phủ, các bộ, ngành ghi nhận như: Giải pháp về phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp; công tác thu và giảm nợ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp; cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động nghiệp vụ; giải pháp hiện đại hóa công tác lưu trữ... qua đó nâng cao chất lượng các hoạt động nghiệp vụ đồng thời giúp giảm hàng trăm giờ làm việc của cán bộ.

Đặc biệt, với việc sử dụng Hệ thống quản lý văn bản và điều hành từ Trung ương đến cấp huyện trong toàn Ngành, đã phát huy hiệu quả rõ rệt, nhất là trong thời điểm cả nước thực hiện giãn cách xã hội do dịch COVID-19, giúp 50% CCVC của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam khi thực hiện chế độ làm việc online tại nhà vẫn đảm bảo điều hành, triển khai nhiệm vụ đạt hiệu quả.

Cùng với việc đẩy mạnh phong trào thi đua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chú trọng nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, đưa công tác khen thưởng vào nền nếp, chấp hành nghiêm túc các quy định của Luật thi đua, khen thưởng và Quy chế thi đua, khen thưởng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Công tác khen thưởng đã có nhiều đổi mới như: quy định tiêu chuẩn, điều kiện khen thưởng rõ ràng; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đánh giá kết quả đạt được, thành tích của tập thể, cá nhân và phát hiện những điển hình tiên tiến để khen thưởng và đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng.

Công tác tổ chức bình xét khen thưởng được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo tính dân chủ, công khai, công bằng, đoàn kết, gắn chặt với việc đánh giá, phân loại đơn vị và cá nhân.

Việc bình bầu, xét tặng những hình thức khen thưởng quan trọng thực hiện bỏ phiếu kín; chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, người lao động trực tiếp thực thi nhiệm vụ; quan tâm khen thưởng những tập thể ở vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn.

Giai đoạn 2021-2025 triển khai 5 nhiệm vụ, 3 giải pháp

Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công tác thi đua khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước với mục tiêu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị được giao của Ngành, công tác thi đua khen thưởng giai đoạn 2021 - 2025 tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ chủ yếu sau:

Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền, đổi mới công tác thi đua khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW, Chỉ thị số 18/CT-TTg.

Tổ chức thực hiện tốt các quy định của Nhà nước, của Ngành về công tác thi đua khen thưởng.

Thứ hai, chỉ đạo các đơn vị toàn Ngành tiếp tục thực hiện tốt các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động và các phong trào thi đua do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phát động.

Gắn phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của các Khối, Cụm thi đua, các đơn vị thi đua trong ngành Bảo hiểm xã hội.

Thứ ba, bám sát kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm được Đảng và Nhà nước giao để phát động các phong trào thi đua, các đợt thi đua chuyên đề với nội dung thi đua cụ thể, sát với nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm từng thời điểm cụ thể.

Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính có liên quan đến quy trình, thủ tục, hồ sơ khen thưởng; ứng dụng công nghệ thông tin công tác lưu trữ hồ sơ khen thưởng liên thông với phần mềm quản lý cán bộ, tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ công tác thi đua khen thưởng.

Thứ năm, hoàn thiện cơ chế chấm điểm thi đua, đánh giá, xếp loại thi đua đảm bảo khách quan, công bằng và hiệu quả; cơ chế đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với tập thể, cá nhân thông qua Bộ chỉ số lượng hóa tiêu chí đánh giá gắn với phân phối tiền lương, thu nhập.

Theo đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đưa ra 3 giải pháp cơ bản nhằm hoàn thành các nhiệm vụ trên, cụ thể như sau:

- Các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức Đoàn thể có sự phối hợp đồng bộ trong việc phát động và tổ chức triển khai thực hiện các phong trào thi đua đạt chất lượng, hiệu quả.

Gắn công tác thi đua khen thưởng với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo đánh giá thực hiện phong trào thi đua, đánh giá năng lực, chất lượng cán bộ, đảng viên, làm cơ sở để xét khen thưởng và thực hiện chính sách cán bộ.

- Nâng cao chất lượng khen thưởng, đảm bảo khen thưởng kịp thời, khách quan, chính xác theo quy định của pháp luật.

Chú trọng khen thưởng các cá nhân là người trực tiếp lao động và các cá nhân có sáng tạo, giải pháp đổi mới trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc tổ chức, triển khai thực hiện các phong trào thi đua; kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến làm hạt nhân, nòng cốt trong các phong trào thi đua.

Như vậy, trong giai đoạn 2016-2020, có thể nhận định rằng, công tác thi đua khen thưởng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có nhiều đổi mới tích cực, các phong trào thi đua bám sát các mục tiêu xây dựng kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và nhiệm vụ chính trị của Ngành nói riêng; thực sự trở thành động lực thúc đẩy tập thể, cá nhân trong toàn Ngành nỗ lực vươn lên, vượt mọi khó khăn, thách thức và góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành xuất sắc những chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trên các lĩnh vực công tác, dần hướng tới hoàn thiện mục tiêu Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế toàn dân.

Thu Giang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/dai-hoi-thi-dua-yeu-nuoc-nganh-bao-hiem-xa-hoi-viet-nam-lan-thu-v-post212966.gd