Đại hội TDTT toàn quốc: Cuộc chơi tốn kém, hiệu quả chưa xứng tầm

Cuối tháng 11, Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VIII sẽ diễn ra tại Hà Nội.

Các xạ thủ tranh tài tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2014

Cuối tháng 11, Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VIII sẽ diễn ra tại Hà Nội. Đại hội được tổ chức 4 năm một lần nhưng những câu hỏi chuyên môn tiếp tục được đặt ra, dù kinh phí tổ chức không hề nhỏ.

Đến hẹn lại tốn tiền tỷ

Ngày 25/11, Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018 sẽ khai mạc tại Hà Nội, mở ra 15 ngày tranh tài ở 36 môn thi đấu. Tuy nhiên, tới thời điểm này, những thông tin về kỳ đại hội thể thao lớn nhất quốc nội vẫn chưa có dấu hiệu nóng lên. Phần vì thời gian qua, người hâm mộ dồn sự chú ý cho AFF Suzuki Cup 2018 và sự kiện Hà Nội đăng cai giải F1 (từ năm 2020-2030). Cạnh đó, có một thực tế phải thừa nhận, chất lượng chuyên môn của các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc chưa bao giờ được đánh giá cao. Cũng vì lẽ này, người hâm mộ thể thao nước nhà không quá quan tâm.

Năm 2014, Đại hội TDTT toàn quốc diễn ra ở Nam Định với nhiều vụ lùm xùm từ khâu tổ chức, chất lượng chuyên môn đến chuyện kinh phí. Đầu tiên là vụ đô vật Lê Duy Hợi của Cần Thơ lao vào tấn công trọng tài vì cho rằng bị xử ép. Cũng ở môn vật, với lý do tương tự, HLV Đinh Văn Kiên của đội Thừa Thiên - Huế vung chân quăng giày về phía trọng tài. Ngoài ra, Đại hội TDTT toàn quốc 2014 có tới gần 7.500 VĐV tham dự nhưng không giới thiệu được cái tên tiềm năng nào cho thể thao đỉnh cao. Thành tích và huy chương cũng chỉ tập trung vào những địa phương mạnh như: Hà Nội (442 huy chương); TP HCM (331 huy chương); Quân đội (220 huy chương); Thanh Hóa (100 huy chương). Còn các gương mặt nổi bật của đại hội vẫn là những VĐV chuyên nghiệp, đã thành danh như: Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh (bắn vượt kỷ lục thế giới); kình ngư Ánh Viên (giành 18 HCV), đô cử Thạch Kim Tuấn (3 HCV); võ sĩ wushu Dương Thúy Vi (2 HCV); VĐV TDDC Hà Thanh (4 HCV)… Điều này dễ lý giải bởi trình độ giữa nhóm tuyển thủ quốc gia và phần còn lại quá chênh lệch.

Nhạt nhòa là cảm nhận của giới chuyên môn với Đại hội TDTT toàn quốc 2014. Nhưng số tiền bỏ ra để tổ chức sẽ khiến tất cả phải giật mình. Nam Định đã chi tới 1.600 tỷ đồng để tổ chức đại hội và phần lớn trong số này được ngân sách Nhà nước hỗ trợ.

Cần đổi mới

Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII năm 2018 sẽ khai mạc cuối tháng này nhưng nó được chú ý từ vài năm trước không phải ở yếu tố chuyên môn mà là chuyện lùm xùm về tiền bạc. Đầu tiên là An Giang xin đăng cai tổ chức với dự toán lên tới 3.500 tỷ đồng để tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc năm 2018. Tuy nhiên, Chính phủ cùng ngành Thể thao không đồng ý nên Hà Nội trở lại đăng cai. Số tiền Hà Nội bỏ ra chắc chắn không quá lớn bởi cơ sở vật chất tại Thủ đô gần như chỉ tu sửa, nâng cấp chứ không xây mới. Khi Báo Giao thông tìm hiểu thông tin cụ thể thì Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Tô Văn Động đã từ chối cung cấp. Mặc dù vậy, con số cũng chắc chắn phải tới hàng trăm tỷ đồng.

"Với tính chất phát triển thể thao chưa đồng đều, nhằm tạo điều kiện cho tất cả các địa phương đều có VĐV tham dự, thúc đẩy phong trào thể thao nên nhiều nội dung, nhiều môn thi đấu có sự chênh lệch lớn về trình độ, dẫn tới kém hấp dẫn. 5 tới 10 năm nữa, khi trình độ VĐV ở các địa phương đồng đều, chúng tôi sẽ tổ chức vòng loại như Olympic. Khi đó, đại hội sẽ chỉ là sân chơi đỉnh cao của những VĐV xuất sắc nhất và đảm bảo tính hấp dẫn”.

Tổng cục trưởngTổng cục TDTT Vương Bích Thắng

Trong khi đó, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng chia sẻ: “Hiện tại, chưa thể thống kê được số tiền bỏ ra nâng cấp 22 địa điểm thi đấu tại Hà Nội. Có công trình thuộc quận, huyện quản lý thì dùng ngân sách huyện, công trình thành phố quản lý thì dùng ngân sách thành phố, công trình thuộc Bộ VH, TT&DL quản lý thì bộ chịu trách nhiệm tu sửa. Còn về kinh phí để tổ chức thi đấu, đại hội năm nay được cấp hơn 50 tỷ đồng”.

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao cho rằng, nếu nói về tính chuyên môn không hẳn Đại hội TDTT toàn quốc đã thiếu tính cạnh tranh bởi là nơi quy tụ những VĐV giỏi nhất của các địa phương. Còn vấn đề làm sao để thu hút được sự chú ý của dư luận, từ đó tìm thêm nguồn lực đầu tư thì ngành Thể thao, đơn vị đăng cai cần phối hợp chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc, bài bản các bước chuẩn bị, nhất là khâu truyền thông.

Theo ông N.B., một cựu tuyển thủ quốc gia môn karate, Đại hội TDTT toàn quốc là một hoạt động phổ cập thể thao tốt cho xã hội. Nhưng do mô hình tổ chức chạy theo thành tích xếp hạng tỉnh, thành, ngành nên xuất hiện những yếu tố thiếu minh bạch, công bằng. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới cũng tổ chức Đại hội TDTT nhưng hiệu quả cao nhờ cạnh tranh thực, thi thực.

“Hiện nay, mọi thứ sẽ xếp hạng trong một đợt thi đấu. Cách làm hiện nay vừa tốn kém, lại không đánh giá hết trình độ của VĐV. Ở hệ thống olympic, VĐV phải phát triển, thi đấu tích lũy trong 4 năm, đạt thành tích cao thì mới góp mặt, dẫn tới đỉnh cao chuyên môn, đồng thời tính hấp dẫn sẽ cao. Thể thao muốn thu hút thì tính hấp dẫn, cạnh tranh phải cao, chứ không phải tính thành tích cục bộ vì bản chất người xem không quan tâm lắm tới thứ hạng các đoàn, trừ các quan chức thể thao. Với cách làm này, ngành Thể thao đang tự bó hẹp phạm vi tiếp cận và phát triển thị trường của mình”, ông N.B phân tích.

Những kỳ Đại hội TDTT yếu chuyên môn, tốn chi phí vậy có nên duy trì tổ chức định kỳ 4 năm một lần? Trả lời câu hỏi này, ông Vương Bích Thắng khẳng định, việc tổ chức Đại hội TDTT nằm trong Luật TDTT và rất cần thiết bởi là cơ hội đánh giá tổng quát phong trào TDTT trong 4 năm, bao gồm cả thể thao thành tích cao lẫn thể thao phong trào. Về phương thức tổ chức, ông Thắng cho hay, ngành Thể thao đã có nhiều cải tiến, đơn cử như việc tổ chức ở nhiều địa phương và rải rác thì nay tổ chức tập trung cả về địa điểm lẫn thời gian.

Song theo ông N.B., về lâu về dài, mô hình tổ chức Đại hội TDTT nên được thay thế: “Cách tốt là phải xã hội hóa mạnh mẽ các liên đoàn thể thao, buộc họ phải chủ động phát triển bộ môn, đảm bảo duy trì hệ thống thi đấu của cả môn đầy đủ, chuyên nghiệp. Nếu làm được như vậy, ngành Thể thao không cần tổ chức đại hội vẫn có thể xếp hạng VĐV. Ngoài ra, thành tích sẽ được đánh giá bằng sự đóng góp trong cả năm hoặc chu kỳ 4 năm chứ không chỉ dựa vào hơn chục ngày thi đấu tập trung”.

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/dai-hoi-tdtt-toan-quoc-cuoc-choi-ton-kem-hieu-qua-chua-xung-tam-d278823.html