Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII: Gắn phát triển kinh tế - xã hội với ổn định chính trị

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra trong bối cảnh thế giới và trong nước có những diễn biến phức tạp.

Đó là sự khủng hoảng trầm trọng của chế độ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu. Giai đoạn 1986-1990, đất nước ta cũng phải đương đầu với hoạt động phá hoại của các lực lượng thù địch ở cả trong và ngoài nước. Tình hình kinh tế và đời sống nhân dân còn khó khăn, đất nước vẫn trong tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, công cuộc đổi mới được Đảng đề ra từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) bước đầu đạt thành tựu đáng kể, nhờ đó nước ta đã đứng vững và tiếp tục phát triển.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng diễn ra từ ngày 24 đến 27-6-1991 tại Thủ đô Hà Nội. Dự Đại hội có 1.176 đại biểu, thay mặt cho hơn 2 triệu đảng viên cả nước.

Đại hội đã nghe đồng chí Võ Chí Công đọc diễn văn khai mạc. Đồng chí Nguyễn Văn Linh đọc Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương về các văn kiện Đại hội VII. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương do đồng chí Nguyễn Văn Linh đọc tại Đại hội đã đánh giá việc thực hiện hơn 4 năm đổi mới trên các lĩnh vực đời sống xã hội, đề ra phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu trong 5 năm (1991-1995). Trong đó, Báo cáo chính trị xác định: “Mục tiêu tổng quát của 5 năm tới là vượt khó khăn, thử thách, ổn định và phát triển kinh tế, xã hội, tăng cường ổn định chính trị, đẩy lùi tiêu cực và bất công xã hội, đưa nước ta cơ bản thoát khỏi tình trạng khủng hoảng hiện nay”.

Đại hội đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong đó xác định đây là một quá trình lâu dài, trải qua nhiều chặng đường; Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000. Đại hội đã thông qua báo cáo xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng, khẳng định vai trò, trách nhiệm của Đảng, đánh giá thực trạng tình hình và xác định phương hướng, nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng trong thời kỳ mới.

Đại hội xác định vai trò của Đảng gắn liền với việc xây dựng và thực hiện thắng lợi cương lĩnh, chiến lược và công cuộc đổi mới; đồng thời gắn vai trò của Đảng với hệ thống chính trị. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống chính trị. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 146 ủy viên. Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chấp hành Trung ương đã bầu Bộ Chính trị gồm 13 ủy viên. Đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Các đồng chí: Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công là cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Trong diễn văn bế mạc Đại hội, Tổng Bí thư Đỗ Mười khẳng định: "Sự nhất trí cao của Đại hội về những quyết định chính trị trọng đại ở một thời điểm lịch sử không đơn giản như hiện nay, cho phép chúng ta khẳng định rằng Đại hội đánh dấu một bước trưởng thành mới của Đảng, một cột mốc mới trong tiến trình cách mạng nước ta; rằng Đại hội đã đáp ứng ý chí và nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, đáp ứng lòng mong đợi và sự tin cậy của bạn bè gần xa trên thế giới".

Đình Hiệp

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/989092/dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-vii-gan-phat-trien-kinh-te---xa-hoi-voi-on-dinh-chinh-tri