Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV: Đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa

Nhờ vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh nước ta một cách đúng đắn và sáng tạo, thực hiện chỉ dẫn sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta hoàn thành tốt nhiệm vụ lịch sử do Đại hội đại biểu lần thứ III của Đảng (năm 1960) đề ra. Đó là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước với Đại thắng mùa xuân năm 1975.

Trong bối cảnh lịch sử trong nước và thế giới có nhiều thuận lợi cùng thách thức đan xen, Đảng ta tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 14 đến 20-12-1976. Tham dự Đại hội có 1.008 đại biểu thay mặt cho hơn 1,55 triệu đảng viên cả nước.

Đại hội diễn ra trong bối cảnh đất nước bắt đầu một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của hòa bình, thống nhất, độc lập và đi lên chủ nghĩa xã hội. Quá trình thống nhất đất nước diễn ra khẩn trương, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhân dân cả nước đã tham gia Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội nước Việt Nam thống nhất. Quốc hội đã ra những quyết định lịch sử về Quốc hiệu, Quốc kỳ, Quốc ca, xác lập hệ thống bộ máy nhà nước.

Đại hội nghe diễn văn khai mạc của đồng chí Tôn Đức Thắng; Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương do đồng chí Lê Duẩn trình bày; Báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của Kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ hai (1976-1980) do đồng chí Phạm Văn Đồng trình bày; Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng do đồng chí Lê Đức Thọ trình bày. Đại hội cũng nghe tham luận của các đồng chí: Trường Chinh, Phạm Hùng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Duy Trinh, Văn Tiến Dũng, Trần Quốc Hoàn…; lời chào mừng của các đoàn đại biểu trong nước và quốc tế.

Đại hội quyết định đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam và thông qua Điều lệ mới của Đảng gồm 11 chương và 59 điều. Điều lệ đã rút gọn 10 nhiệm vụ của đảng viên thành 5 nhiệm vụ, đặt lại chức vụ Tổng Bí thư thay chức Bí thư Thứ nhất; quy định nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương là 5 năm. Đại hội đã quyết định đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa, theo đó xác định “đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền văn hóa mới, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa”; quyết định phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976-1980); quyết định đường lối xây dựng Đảng để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong giai đoạn mới…

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 101 ủy viên chính thức và 32 ủy viên dự khuyết. Bộ Chính trị có 14 ủy viên chính thức là các đồng chí: Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị, Trần Quốc Hoàn, Văn Tiến Dũng, Lê Văn Lương, Nguyễn Văn Cúc (Nguyễn Văn Linh), Võ Toàn (Võ Chí Công), Chu Huy Mân. Đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Phát biểu bế mạc Đại hội, Tổng Bí thư Lê Duẩn khẳng định: Đảng ta không có mục đích nào khác là phục vụ lợi ích của giai cấp công nhân, lợi ích của nhân dân lao động và của cả dân tộc. Toàn Đảng quyết mãi mãi ghi nhớ và thực hiện nghiêm chỉnh lời dạy của Bác Hồ, đó là “phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Đình Hiệp

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/988864/dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-iv-day-manh-cong-nghiep-hoa-xa-hoi-chu-nghia