Đại hội của khát vọng và niềm tin

Trong các ngày từ 14 đến 16-10, tại TP.Biên Hòa đã diễn ra sự kiện chính trị quan trọng thu hút sự quan tâm của toàn Đảng toàn dân, toàn quân trong tỉnh: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Với 348 đại biểu đại diện cho hơn 82 ngàn đảng viên của toàn Đảng bộ tỉnh, thay mặt hơn 3 triệu nhân dân của tỉnh nhà, bằng trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm đã nghiêm túc nhận định, đánh giá một cách khách quan, công tâm về những thành tựu, kể cả những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm cả khách quan và chủ quan trong nhiệm kỳ vừa qua. Và, từ lý luận cũng như thực tiễn sinh động của công cuộc đổi mới, đại hội đề ra những quyết sách năng động, sáng tạo mang tính đột phá để đưa Đồng Nai tăng tốc một cách mạnh mẽ về phía trước bằng tư duy của thời đại công nghiệp 4.0. Các đại biểu, bằng tư duy sáng tạo, tầm nhìn chiến lược đưa ra những luận cứ, hoạch định mang tính chiến lược xứng tầm với vị trí của tỉnh Đồng Nai, để từ đó kịp thời nắm bắt thời cơ, chủ động vượt qua những thách thức mang tính dân tộc và thời đại mà chúng ta phải đối mặt trong thời gian sắp tới.

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ cùng các đại biểu dự đại hội. Ảnh: Huy Anh

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ cùng các đại biểu dự đại hội. Ảnh: Huy Anh

Đại hội lần này là đại hội của “khát vọng trở thành tỉnh phát triển trong nhóm đầu của cả nước”. Khát vọng này phải trở thành mục tiêu phấn đấu của toàn Đảng bộ và nhân dân Đồng Nai trong thời gian sắp tới. Từ khát vọng lớn này, chúng ta cùng nhớ lại một thời cũng bằng khát vọng mang tầm cao thời đại, những người cộng sản của một thời đi qua chiến tranh, bằng tư duy đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế, đã quyết liệt thực hiện khát vọng của mình:

(1) Năm 1986, năm đáng nhớ trong hành trình của Đảng Cộng sản và dân tộc Việt Nam: Năm mở đầu công cuộc đổi mới, để cả dân tộc lập trình tiến lên với khát vọng “dân giàu, nước mạnh”. Tư duy đổi mới bắt đầu từ bước ngoặt lịch sử này, nhưng trước đó ở Đồng Nai, tập đoàn sản xuất của ấp Hưng Long, xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất đã thực hiện “khoán chui” với năng suất, sản lượng cao và phân phối cho người lao động cao nhất tỉnh.

Trong công nghiệp, với thực thể gần 100 nhà máy, xí nghiệp trực thuộc trung ương và địa phương ở Khu công nghiệp Biên Hòa, sau “thời vàng son”, đều rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Thế nhưng từ sự năng động, sáng tạo, các doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Biên Hòa đã “xé rào”, “tự cứu mình” bằng liệu pháp cân đối “bốn nguồn khả năng”… Đảm bảo hài hòa ba lợi ích: Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động nên Khu công nghiệp Biên Hòa vẫn đứng vững và vượt qua cơ chế bao cấp một cách sáng tạo.

Nhưng những nỗ lực vượt qua cái ngưỡng cơ chế bao cấp của Đồng Nai vẫn không vượt qua nổi cái đói trầm kha lúc đó. Trong khi cả nước còn phải ăn độn bằng khoai mì, bo bo…, thì Đồng Nai phải ăn chuối xanh từ những rừng chuối của xã Hưng Lộc.

Tuy vậy nhưng khi tiến hành Đại hội lần thứ IV của Đảng bộ Đồng Nai vào năm 1986, những người cộng sản xứ Đồng Nai vẫn bình tĩnh, tự tin, quyết đoán tiến hành đại hội lần ấy, với khát vọng vươn tới để đưa ra quyết đoán “trăm năm có một”.

Đó là việc, gần 300 năm từ khi ông cha đi mở cõi cho đến thời điểm đó thì nông nghiệp vẫn là “mặt trận hàng đầu”. Nhưng Đại hội lần thứ IV đã quyết nghị chuyển cơ cấu kinh tế từ “nông lâm nghiệp - công nghiệp - dịch vụ” sang cơ cấu kinh tế “công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ”. Đây là một quyết nghị mang tính chiến lược, có ý nghĩa “trăm năm có một”.

Mười năm sau khi tiến hành đổi mới, trong các ngày từ 2 đến 4-5-1996, Đại hội lần thứ VI của Đảng bộ Đồng Nai đã thể hiện trách nhiệm, tư duy đổi mới, tầm nhìn xa, đã đưa ra quyết sách chuyển cơ cấu kinh tế tỉnh nhà từ: “công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ” sang cơ cấu kinh tế “công nghiệp - thương mại dịch vụ - nông nghiệp”.

***

(2) Trong Phủ Biên tạp lục, nhà bác học Lê Quý Đôn đưa ra nhận định về người Đồng Nai như sau: “…Người xứ Đồng Nai có lá gan lớn, dám nghĩ, dám làm…”. Nhân dân Đồng Nai tự hào là công dân của một địa phương nằm trong “tứ giác động lực” thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với dáng đứng “Đồng Nai công nghiệp hóa” đang tỏa sáng ở phương Nam và cả nước.

Tự hào nhưng với tinh thần khiêm tốn, cán bộ, đảng viên và nhân dân Đồng Nai luôn bình tĩnh, tìm kế sách “vượt lên chính mình” bằng sự nỗ lực, bền bỉ, sáng tạo không ngừng nghỉ mà Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ Đồng Nai lần này với sự tập hợp trí tuệ của bộ phận tinh hoa nhất của Đảng bộ, là dịp để những đảng viên mẫu mực phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, tư duy năng động, sáng tạo để đề ra những quyết sách đột phá trên cơ sở lý luận và thực tiễn, thành tựu quan trọng.

Vui mừng trước những thành quả đạt được nhưng chặng đường đi tới trọng trách đối với các cấp ủy, chính quyền Đồng Nai còn khá nặng nề.

Trước hết, từ việc Đồng Nai “mở cửa bầu trời” qua việc Trung ương đồng ý cho xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành có công suất 100 triệu hành khách/năm, là sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai. Với một dự án có tầm cỡ như vậy, Đồng Nai đâu chỉ lo chuyện giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa, tái định cư… theo lẽ thông thường, mà xa hơn là tính đến hiệu quả khi sân bay đi vào hoạt động. Đó còn là việc nâng cấp đưa Long Thành trở thành đô thị xứng tầm để tận dụng các ưu thế về dịch vụ phục vụ cho sân bay quốc tế. Đó là việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, là người Long Thành - Đồng Nai, để đáp ứng nhu cầu lao động cho sự phát triển của sân bay và làm cho người dân địa phương cảm nhận đầy đủ mình là một chủ thể có ý nghĩa với những gì họ đã cống hiến cho mảnh đất quê hương.

Và cả chuyện con sông Đồng Nai linh thiêng, đoạn chảy qua TP.Biên Hòa tuyệt đẹp đến là thế, nhưng vì sao bến bờ vẫn còn đó nhiều đoạn nhếch nhác, chúng ta phải làm gì cho con sông quê hương đẹp hơn, xứng tầm với tiềm năng vốn có của nó.

Còn các dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Dầu Giây - Lâm Đồng được triển khai thì định hướng đô thị hóa, công nghiệp hóa các địa phương phía đông, đông bắc phải tiến hành như thế nào... là những vấn đề cần quan tâm trong nhiệm kỳ mới.

Tất nhiên, trong hành trình về phía trước, còn nhiều vấn đề kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, dân sinh khác mà chúng ta phải luận bàn và đưa ra quyết sách đúng đắn. Tin rằng, với tinh thần trách nhiệm cao trước nhân dân và sự phát triển của xứ sở Đồng Nai, với tư duy sáng tạo, nhạy bén, đại hội sẽ đưa ra những quyết đoán có tính đột phá mang tầm chiến lược.

Đã từng là địa phương nằm trong tốp các tỉnh có tiềm lực kinh tế lớn của cả nước nhưng Đồng Nai chúng ta không thể chủ quan, tự bằng lòng với những gì hiện có. Mà bằng trách nhiệm cao cả trước hơn 3 triệu nhân dân Đồng Nai; trách nhiệm với cả nước theo tinh thần “vì cả nước, cùng cả nước”, toàn Đảng bộ và nhân dân Đồng Nai khát khao vươn tới những tầm cao mới. Chúng ta đặt trọn niềm tin từ kết quả thành công của đại hội Đảng bộ lần này.

Với tinh thần mới mang ý chí khát vọng, quyết tâm và biện pháp mới sẽ tạo ra nguồn năng lượng mới làm cho Đồng Nai có một diện mạo mới trong thập niên 30 của thế kỷ XXI - thế kỷ mở đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Mai Sông Bé

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202010/chao-mung-dai-hoi-dai-bieu-dang-bo-tinh-lan-thu-xi-nhiem-ky-2020-2025-dai-hoi-cua-khat-vong-va-niem-tin-3026421/