Đại hội cổ đông Vinaconex: Quan ngại về sự chia rẽ

Quy chế tài chính mới của Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) được HĐQT thông qua cho phép Chủ tịch HĐQT có quyền quyết các khoản đầu tư lên tới 1.000 tỷ đồng. Nhưng liệu như thế có làm gia tăng rủi ro cho Tổng công ty?

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Câu chuyện trao quyền tự quyết quá lớn cho cá nhân Chủ tịch và Tổng giám đốc tiềm ẩn nguy cơ gây chia rẽ nội bộ cổ đông doanh nghiệp này.

Dễ gây rủi ro và xung đột lợi ích?

Một trong những lý do gây ra “cơm chưa lành, canh chưa ngọt” suốt thời gian dài vừa qua giữa các ông chủ mới của Vinaconex gồm: Công ty TNHH An Quý Hưng (57,71%), Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ (21,3%) và Công ty TNHH Đầu tư Star Invest (7,57%) xuất phát từ quy chế hoạt động hậu thoái vốn của Vinaconex, đặc biệt là quy chế tài chính.

Theo quy chế mới, HĐQT ủy quyền quyết định đầu tư vốn ra ngoài Tổng công ty cho Chủ tịch HĐQT với giá trị từ lớn hơn 5% đến 10% và cho Tổng giám đốc với giá trị bằng hoặc nhỏ hơn 5% tổng giá trị tài sản được ghi trên báo cáo tài chính của Tổng công ty (đã được kiểm toán tại thời điểm gần nhất với thời điểm ra quyết định đầu tư).

Chiếu theo điều khoản trên và dựa vào báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất của Vinaconex, Chủ tịch HĐQT Vinaconex sẽ có quyền quyết định mọi giao dịch có giá trị từ 500 đến 1.000 tỷ đồng (con số đã làm tròn). Còn Tổng giám đốc sẽ quyết định các giao dịch trị giá từ 500 tỷ đồng trở xuống.

Lo ngại về những rủi ro và xung đột lợi ích từ quy chế mới trên gia tăng khi nhóm cổ đông lớn An Quý Hưng nắm giữ gần như toàn bộ các vị trí chủ chốt trong Vinaconex, và chỉ định người đứng đầu ở hầu hết các đơn vị thành viên của Tổng công ty.

Ngay tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), Chủ tịch HĐQT Vinaconex Đào Ngọc Thanh cho biết, ông đã cùng với Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Đông và một số anh em khác chung vốn vào An Quý Hưng để bỏ ra 7.400 tỷ đồng mua 57,71% cổ phần Vinaconex.

Cần quy chế tốt, hợp lý

Giới chuyên môn vẫn cho rằng, hoạt động quản trị công ty tốt cần phải tạo được sự hài hòa về mặt lợi ích, có cơ chế để nhà đầu tư, cổ đông có thể kiểm soát việc điều hành công ty nhằm đem lại hiệu quả cao nhất. Quy chế tốt sẽ tạo ra sự ổn định, an toàn lâu dài cho công ty và đặc biệt là các cổ đông.

Ngay tại ĐHĐCĐ thường niên, một cổ đông trung tuổi cũng kêu gọi các cổ đông lớn ngồi lại với nhau để bàn về tính hợp lý của quy chế hoạt động, tổ chức hoạt động của HĐQT, quy chế tài chính mới và sẽ đi đến biểu quyết để đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ.

Vị cổ đông này cho biết không chỉ lo lắng vì tính bất cập của quy chế hoạt động, tổ chức hoạt động của HĐQT và quy chế tài chính mới, mà cũng rất quan ngại về sự thiếu đoàn kết của các ông chủ lớn của Vinaconex có thể kéo dài.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu bên lề ĐHĐCĐ, một cổ đông của Vinaconex cho biết, dù quy chế hoạt động, tổ chức hoạt động của HĐQT và quy chế tài chính mới đã được thông qua, nhưng trong quá trình thực hiện phát sinh những vấn đề có nguy cơ dẫn đến xung đột lợi ích và rủi ro.

Không bàn về quy trình để có quy chế mới này có đúng pháp luật hay không, nhưng quy định, quy chế mới cần phải được lập để ngăn ngừa rủi ro và xung đột lợi ích cho Tổng công ty, chứ không phải chờ để hậu quả xảy ra rồi mới sửa như Chủ tịch Đào Ngọc Thanh đã phát biểu trong ĐHĐCĐ. Nếu để xảy ra sai phạm, người đưa ra quyết định sẽ bị pháp luật trừng trị, nhưng lợi ích của cổ đông ai chịu trách nhiệm, làm sao để thu hồi được tiền từ quyết định sai lầm đó?

Thế Anh

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/doanh-nghiep/dai-hoi-co-dong-vinaconex-quan-ngai-ve-su-chia-re-102072.html