Đại học Việt Nam đang ở đâu bản đồ xếp hạng thế giới?

Giáo dục đại học Việt Nam bắt đầu xuất hiện trên bản đồ thế giới, nhưng hiện ở vị trí rất khiêm tốn, nhiều mục tiêu về thứ hạng chưa đạt được.

Xếp hạng đại học vẫn là câu chuyện dài đối với giáo dục đại học ở Việt Nam. Ảnh: ĐH Quốc gia Hà Nội

Xếp hạng đại học vẫn là câu chuyện dài đối với giáo dục đại học ở Việt Nam. Ảnh: ĐH Quốc gia Hà Nội

Một lãnh đạo của Bộ GD&ĐT cho biết, trong bảng xếp hạng ĐH thế giới 2019 của tổ chức giáo dục Anh Quacquarelli Symonds (QS World University Rankings) được công bố ngày 7/6/2018, lần đầu tiên Việt Nam có 2 đại diện nằm trong top 1.000 trường ĐH tốt nhất thế giới. Đó là ĐH Quốc gia TPHCM (701-750) và ĐH Quốc gia Hà Nội (801-1000). Hai đại diện này của Việt Nam tiếp tục có tên trong QS World University Rankings 2020 và QS World University Rankings 2021. Sau đó, tại các bảng xếp hạng khác của thế giới như ARWU (bảng xếp hạng của ĐH Giao thông Thượng Hải, một trong những bảng xếp hạng được đánh giá là khó nhất hiện nay) cũng đã xuất hiện tên của ĐH Việt Nam.

Vẫn xa mục tiêu

Tuy đã có tên trong bảng xếp hạng thế giới, nhưng chỉ là những cái tên rất quen thuộc như ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Duy Tân… Thỉnh thoảng, ở bảng xếp hạng các nhóm ngành học mới xuất hiện một vài cái tên mới như ĐH Y Hà Nội, ĐH Cần Thơ… Điều này cho thấy, trong bản đồ xếp hạng, giáo dục ĐH Việt Nam vẫn còn là một dấu chấm rất nhỏ và ở rất xa so với các nước khác trên thế giới, thậm chí khu vực châu Á.

Tại Hội nghị tổng kết năm học của ngành giáo dục vừa được Bộ GD&ĐT tổ chức, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, mấy năm vừa qua, Chính phủ đầu tư 1 tỷ USD cho các trường ĐH lớn. Theo một cán bộ của Bộ GD&ĐT, đây là chủ trương đầu tư “vun cao” cho các trường ĐH có tiềm lực, tiềm năng tốt của Việt Nam. Bà cho rằng, giáo dục ĐH Việt Nam có lịch sử phát triển non trẻ hơn rất nhiều so với khu vực và thế giới. Việc các cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam liên tiếp được ghi nhận trong các bảng xếp hạng uy tín của quốc tế trong vài năm trở lại đây thực sự là một thành tích vượt trội, là niềm tự hào của Việt Nam.

Tuy nhiên, giáo dục ĐH Việt Nam vẫn chưa đạt được mục tiêu đã đề ra. Năm 2007, tại quyết định phê duyệt mạng lưới trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006-2010, Chính phủ đặt mục tiêu Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 có một trường ĐH được xếp hạng trong số 200 trường ĐH hàng đầu thế giới. Đến nay, trong các bảng xếp hạng, vị trí của các trường vẫn chỉ loanh quanh ở top 701-1000+.

Được biết, Bộ GD&ĐT đang xây dựng kế hoạch để tổng kết việc thực hiện các mục tiêu đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2011-2020 và mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn 2021-2030, kế hoạch 5 năm 2021-2025 và giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Đề án nâng cao chất lượng giáo dục ĐH giai đoạn 2019-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 69/QĐ-TTg ngày 15/1/2019) đặt ra mục tiêu: có ít nhất 2 cơ sở giáo dục ĐH được xếp hạng trong số 100 trường ĐH tốt nhất châu Á, 10 cơ sở giáo dục ĐH được xếp hạng trong số 400 trường ĐH tốt nhất châu Á, 4 cơ sở giáo dục ĐH được xếp hạng trong số 1.000 trường ĐH hàng đầu thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín. Như vậy, mục tiêu đặt ra đã khiêm tốn hơn so với năm 2007.

Sau 2020, trường ÐH xuất sắc sẽ phát triển theo hướng nào?

Năm 2006, Bộ GD&ĐT đưa ra kế hoạch thành lập các trường ĐH quốc tế. Kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách từ lúc phôi thai (từ năm 2006) là Việt Nam sẽ có 4 trường ĐH đào tạo chất lượng cao (hay còn gọi là ĐH đẳng cấp quốc tế) ra đời tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng và Cần Thơ. Chính phủ muốn tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế, như Đức, Pháp, Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, có thể cả Anh, Mỹ, Nga.

Trong khuôn khổ này, công tác xây dựng 4 trường ĐH kiểu mẫu - ĐH xuất sắc đã được triển khai. Tới nay, đã có 3 trường được hình thành, gồm trường ĐH Việt Đức (2008), trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (hay còn gọi là ĐH Việt Pháp 2009) và trường ĐH Việt Nhật (2014). Trong đó, ĐH Việt Nhật trực thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội. Đây là những trường ĐH theo hình thức hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và nước ngoài.

Tại Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng đại học mô hình mới” vừa được Bộ GD&ĐT phối hợp với Trường ĐH Việt Đức tổ chức, có nhiều ý kiến bàn về hướng đi cho ĐH xuất sắc của Việt Nam. Theo TS. Hà Thúc Viên, Phó Hiệu trưởng ĐH Việt Đức, mục tiêu trong 5 năm tới của trường là sẽ phát triển chương trình đào tạo mới để đạt 23 chương trình (8 chương trình ĐH và 15 chương trình thạc sĩ) thuộc 6 khối ngành kỹ thuật vào năm 2022 và 28 chương trình đào tạo vào năm 2030. Bên cạnh đó, trường sẽ thúc đẩy, mở rộng tuyển sinh sinh viên quốc tế. Sinh viên, học viên quốc tế theo học tại trường thời gian qua đến từ 20 quốc gia, chiếm 4,6% tổng số người học.

Theo ông Viên, trường sẽ mở rộng lĩnh vực đào tạo tiến sĩ, xây dựng 7 nhóm nghiên cứu tập trung và tăng cường các hoạt động nghiên cứu, xuất bản quốc tế. Ông Ulrich Teicheler, cựu Giám đốc Viện Nghiên cứu giáo dục đại học thuộc ĐH Kassel (Đức), nhận định, sự phát triển về số lượng chương trình đào tạo và sinh viên theo học, tuyển dụng giảng viên giai đoạn 2015-2020 đang chậm lại. “Sau 15 năm theo đuổi mô hình mới, trong đó có 12 năm kể từ ngày thành lập trường, chúng tôi vẫn có sự lạc quan về mô hình ĐH liên quốc gia này”, ông Teicheker nói.

Năm 2008, Trường ĐH Việt Đức được thành lập trên sự hợp tác về giáo dục ĐH giữa Chính phủ Việt Nam, Chính phủ CHLB Đức và bang Hessen của Đức. Mục tiêu thời điểm đó là xây dựng để trở thành một trường ĐH, một trung tâm đào tạo, nghiên cứu hàng đầu ở Việt Nam, đạt trình độ khu vực và quốc tế…

Sứ mệnh của trường này được đưa ra trong năm 2009 là vào danh sách top 200 trường ĐH hàng đầu thế giới. Theo kế hoạch cụ thể được đưa ra năm 2010, trường hướng tới hơn 25 chương trình đào tạo với khoảng 5.000 người học vào năm 2020; hơn 50 chương trình đào tạo với khoảng 12.000 người học vào năm 2030. Tuy nhiên, sau 12 năm thành lập, có thể thấy mục tiêu lọt top trong bảng xếp hạng của trường ĐH Việt Đức vẫn còn ở rất xa.

Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025 đặt ra mục tiêu: có ít nhất 2 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 100 trường đại học tốt nhất châu Á, 10 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 400 trường đại học tốt nhất châu Á, 4 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/dai-hoc-viet-nam-dang-o-dau-ban-do-xep-hang-the-gioi-1743879.tpo