Đại học tinh hoa tại Việt Nam, liệu có khả thi?

'Cả thế giới đang khát nhân tài. Theo nghiên cứu mức độ khát nhân tài trên thế giới, ta có thể thấy màu đỏ đang tràn ngập. Ở Ấn Độ là 89%, United Kingdom 87% .. Câu hỏi đặt ra là nhân tài có cần không trong bối cảnh robot đang thay thế dần cho con người? Đó là những nội dung cơ bản được chia sẻ trong buổi Coffee chat cùng VinUni với chủ đề 'Vì sao các quốc gia muốn phát triển cần có ĐH tinh hoa' diễn ra ngày 4/11, tại Hà Nội.

Người tài sẽ được chọn như thế nào để đào tạo? Ảnh: Nghiêm Huê

Người tài sẽ được chọn như thế nào để đào tạo? Ảnh: Nghiêm Huê

Bà Lê Mai Lan, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho biết đã đi nhiều nước trên thế giới, tìm hiểu kinh nghiệm của nhiều trường ĐH về xây dựng ĐH tinh hoa. Theo bà Mai Lan, để có nhân tài cần có các ĐH tinh hoa. Những ĐH này sẽ thu hút người tài trên toàn thế giới. Đó là vòng tròn: nhân tài - ĐH tinh hoa - vận mệnh quốc gia và cũng là lý do các nước phát triển đều đầu tư rất lớn cho ĐH tinh hoa.

Bà Mai Lan cho biết: “Một nghiên cứu cho thấy các quốc gia phát triển như Ấn Độ, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản... đang rất thiếu người tài và đều tìm cách để “săn” nhân tài. Trường ĐH không phải đào tạo nhân tài có sẵn, mà phải phát hiện ra những tố chất có thể đào tạo thành nhân tài”.

Một vấn đề được bà Lê Mai Lan đặt ra là đào tạo nhân tài rất đắt. Nhiều ĐH có mức học phí khoảng 50.000 USD /năm, chưa kể chi phí khác. Học phí chỉ chiếm khoảng 60% chi phí cho sinh viên, tức là với các ĐH tinh hoa, chi phí đào tạo khoảng 70.000 -75.000 USD/năm.

Rào cản từ tư duy giáo dục

GS Rohit Verma, từng làm việc tại ĐH Cornell (Mỹ) - một trường ĐH tinh hoa cho biết, đào tạo nhân tài không phải là mời sinh viên vào lớp nghe kiến thức mà phải chuyển tải và đưa kiến thức đó ra ngoài cuộc sống.

GS. Rohit Verma cho rằng, điểm số cũng là điểm khởi đầu nhưng không phải là tất cả. Bên cạnh đó là tính cách, khả năng lãnh đạo của các em, niềm tự hào quốc gia, có khả năng phản biện tốt, có ý tưởng khởi nghiệp, có năng khiếu nổi bật. Do vậy, phải nhìn sinh viên một cách toàn diện. Việc lựa chọn sinh viên sẽ khó, cần toàn diện ở nhiều mặt, không chấp nhận một loạt sinh viên giống nhau”.

Ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho hay, việc lựa chọn con đường phát triển ĐH tinh hoa là rất mạnh dạn dù sẽ có khó khăn vì tìm được là một chuyện, nhưng đào tạo không đơn giản.

Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Truyền thông Lê băn khoăn, tham vọng có được trường ĐH tinh hoa như Vingroup đang tính đến liệu có khả thi với hệ thống giáo dục hiện nay.

Ông Vinh cho rằng: “Thực tế, giáo dục Việt Nam có nhiều biểu hiện triệt tiêu cá tính của học sinh, học sinh có ý tưởng phản biện bị coi là học sinh cá biệt, không được tạo cơ hội để phát triển khả năng của mình. Chỉ có thể làm tốt nếu thay đổi được tư duy giáo dục hiện nay, để những tài năng của học sinh Việt Nam không bị thui chột từ lúc ngồi ghế trường phổ thông, trước khi lên tới ĐH mới được phát hiện, đào tạo thành nhân tài”.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/dai-hoc-tinh-hoa-tai-viet-nam-lieu-co-kha-thi-1482982.tpo