Đại học phi lợi nhuận

Hệ thống giáo dục đại học trong nước sắp có thêm một trường ĐH phi lợi nhuận. Cụ thể, tại văn bản số 1694 do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký mới đây dựa trên đề nghị của Bộ trưởng Bộ GDĐT tại Tờ trình số 989 về việc phê duyệt chủ trương cho phép thành lập Trường ĐH Đại Việt Sài Gòn là trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, cũng như chủ trương cho phép thành lập Trường ĐH Đại Việt Sài Gòn tại TP HCM của UBND TP HCM.

Theo đó, trường sẽ được triển khai xây dựng theo 2 giai đoạn và dự kiến sẽ tuyển sinh từ năm học 2019-2020 với chỉ tiêu khoảng 1.000 sinh viên cho 4 khối ngành là Kỹ thuật công nghệ, Kinh tế, Ngoại ngữ, Chăm sóc sức khỏe.

Trước đó, một số trường ĐH hoạt động không vì lợi nhuận cũng đã được Chính phủ đồng ý chủ trương thành lập như ĐH VinUni, ĐH Du lịch Sài Gòn…

Cho dù Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi) vừa được thông qua đã phần nào giải quyết được những vướng mắc trong hành lang pháp lý, tháo được nút thắt trong các quy định pháp luật, tạo cơ chế thuận lợi cho các trường ĐH tư thục phát triển, song vẫn còn đó những băn khoăn về mô hình trường ĐH phi lợi nhuận.

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ- nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT: Để chuẩn nguyên tắc phi lợi nhuận thì cần phải nhiều yếu tố, mà trong đó yếu tố minh bạch trong tài chính là quan trọng nhất. Nếu không minh bạch, việc xảy ra tranh chấp là tất yếu. Phi lợi nhuận trong giáo dục ở các nước khác họ làm rất triệt để. Là bởi họ có rất nhiều tiền nên việc đầu tư vào giáo dục như việc người ta bỏ tiền ra để làm từ thiện mà không phải suy nghĩ.

Nhưng ở Việt Nam, việc phi lợi nhuận là hơi khó vì điều kiện không cho phép. Họ có tiền dành dụm bỏ vào ngân hàng kiếm chút lãi, nếu không bỏ vào ngân hàng thì họ bỏ vào trường học, họ cũng sẽ thu lại được tương tự như bỏ tiền vào ngân hàng hoặc cao hơn chút ít. Còn tiền dư ra, họ sẽ đầu tư vào trường, xây dựng cơ sở vật chất, mua trang thiết bị...

Nếu bây giờ yêu cầu không chia cổ tức, không rút vốn, phần lợi nhuận tích lũy hằng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển nhà trường thì chắc chắn sẽ có những người không đồng ý.

Đơn cử như lùm xùm quanh vụ chuyển đổi từ trường ĐH tư thục sang ĐH tư thục phi lợi nhuận của ĐH Hoa Sen thời gian vừa qua. Những sự chuyển đổi như thế này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của các cổ đông trong việc chia cổ tức và quyền quản trị.

Khuyến khích mô hình trường ĐH phi lợi nhuận ở Việt Nam là cần thiết, nhưng các chuyên gia cũng đề nghị cần có chơ chế giám sát rõ ràng; Bộ GDĐT phải yêu cầu các trường ngoài công lập thực hiện những cam kết phát triển trường như trong cam kết ban đầu, cũng như xây dựng chiến lược phát triển lâu dài để tạo dựng thương hiệu và uy tín đào tạo với xã hội.

Vi Cầm

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/dai-hoc-phi-loi-nhuan-tintuc424083