Đại học ngoài công lập: Muốn bình đẳng cần tăng cường bảo đảm chất lượng

Hệ thống các trường đại học ngoài công lập (ĐH NCL) có những đóng góp tích cực đối với giáo dục đại học của Việt Nam, tuy thế, vẫn đang phải đối mặt với nhiều bất cập. Cải thiện những chính sách còn bất cập là một trong những giải pháp giúp các trường ĐH NCL ngày càng có thể khẳng định vai trò, vị trí và vị thế của mình, nhưng đồng thời, các trường vẫn phải nỗ lực tự thân để cải thiện chất lượng đào tạo – một trong những điểm yếu của các trường theo mô hình này.

Tại Hội nghị các trường đại học ngoài công lập

Tại Hội nghị các trường đại học ngoài công lập

Những đóng góp không nhỏ
Các trường ĐH NCL hiện chiếm 25,5% số trường ĐH cả nước với số lượng là 60 trường, quy mô đào tạo hơn 232 nghìn sinh viên (chiếm 13,16% sinh viên ĐH trên cả nước). Theo số liệu công bố tại Hội nghị các trường đại học ngoài công lập, ngày 14-4, tại TP Hồ Chí Minh từ nghiên cứu của PGS, TS Phạm Thị Huyền và nhóm cộng sự nghiên cứu của Bộ GD-ĐT, sau hơn 20 năm ra đời, hệ thống các trường ĐH NCL đã đóng góp cho nguồn ngân sách nhà nước khoảng hơn 1.000 tỷ đồng; trong đó riêng năm 2016 thống kê từ 43 trường đã nộp ngân sách nhà nước hơn 111 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, quan trọng là các trường ĐH NCL được đánh giá đã có những đóng góp nâng cao năng lực cho hệ thống giáo dục đại học. Thống kê năm 2016 các trường ĐH NCL có 20.500 giảng viên, trong đó 5% có học hàm GS, PGS; 70% giảng viên cơ hữu có trình độ sau đại học. Nhiều trường xây dựng được cơ sở vật chất khang trang, hiện đại; trong đó có trường như Trường ĐH Nam Cần Thơ được đầu tư xây dựng theo chuẩn tiêu chuẩn quốc tế với đủ khu hành chính, khu giảng đường, thư viện, phòng thí nghiệm thực hành, ký túc xá…
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhận định: Các trường ĐH NCL đã có đóng góp tích cực đối với giáo dục đại học Việt Nam.
Tuy nhiên, trên thực tế, quy mô đào tạo của các trường hiện nay chỉ đạt 13,16%, trong khi mục tiêu của Chính phủ đến năm 2020 có 40% sinh viên học tập trong các trường ĐH NCL.
Nhiều khó khăn trong cơ chế chính sách
Một trong những vấn đề các trường ĐH NCL phải đối mặt có thể kể đến là: môi trường hoạt động, kinh nghiệm quản trị, quản lý của các trường còn hạn chế; tâm lý xã hội, người học còn chưa đánh giá cao về hệ thống giáo dục NCL; việc tuyển sinh khó khăn trong khi nguồn thu quan trọng nhất là học phí… chưa kể đến sự cạnh tranh từ chính các trường NCL với nhau do sự phát triển nhanh về số lượng.
Nhưng theo nhiều ý kiến của những người trong cuộc, là đại diện, lãnh đạo của các trường ĐH NCL, khó khăn hàng đầu các trường ĐH NCL đang gặp phải chính là do cơ chế chính sách hiện nay đang tạo cạnh tranh “không cân sức”, giữa một bên là các trường ĐH NCL có tuổi đời còn non trẻ, nguồn lực hạn chế với một bên là các trường ĐH công lập có bề dày lịch sử, đã và đang được Nhà nước hỗ trợ nhiều nguồn lực về đất đai, tài chính, trang thiết bị và con người...

Các đại biểu phát biểu tại hội nghị

Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai, Phạm Ngọc Sơn cho rằng: Việc tự lo về tài chính khó khăn nhưng các trường vẫn ý thức đóng góp ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, cho nên Nhà nước cần có cơ chế đầu tư tài chính ngược lại cho các trường ĐH NCL.
Ông Lê Hồng Minh, Trường ĐH Kinh tế kỹ thuật Bình Dương cũng cho rằng sự không bình đẳng nằm ở chỗ ĐH NCL vừa phải tự lo về tài chính, phải nộp thuế, không được đầu tư từ ngân sách, chính sách đất đai bất cập nhưng lại phải cạnh tranh với trường ĐH công lập sẵn có cơ sở vật chất, được đầu tư từ ngân sách...
Trong những khó khăn cần tháo gỡ về chính sách, TS Nguyễn Tiến Luận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Nguyễn Trãi, cho biết thêm: Đầu tư cho giáo dục khi vay vốn vẫn phải chịu lãi suất như bình thường; việc tiếp cận nguồn vốn ODA vẫn còn khó khăn... Trường ĐH NCL bỏ tiền ra để thuê, mua đất nhằm đầu tư cơ sở vật chất, tuy nhiên, để có được diện tích mặt bằng sạch thường mất thời gian khá lâu trong khi quy định quá hai năm không thực hiện được Nhà nước sẽ thu hồi dự án, dẫn đến các trường gặp nhiều khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Anh Đào, Chủ tịch hội đồng quản trị Trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng) kiến nghị: Chính phủ cần đưa ra cơ chế hỗ trợ các trường ĐH NCL từ nguồn ngân sách các trường đóng góp để phục vụ các hoạt động đầu tư chính đáng, có lợi cho người học như: xây dựng ký túc xá, thư viện; hoặc tạo cơ chế vay không tính lãi suất cho đầu tư trong giáo dục…
Có cơ chế trong việc tiếp cận nguồn vốn ODA và các nguồn vốn khác; rà soát, bổ sung và hoàn thiện chính sách tài chính đối với các trường ĐH NCL, đặc biệt là chính sách thuế...được các đại diện trường ĐH NCL nêu lên như giải pháp quan trọng góp phần tạo các điều kiện thuận lợi, bình đẳng cho trường ĐH NCL.
Theo GS, VS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đánh giá: Thực tế hiện nay, trường công lập lợi thế hơn do có cơ sở vật chất, đội ngũ tốt lại được nhà nước hỗ trợ, học phí thấp.
Nhìn từ đây thì rất khó để trường ĐH NCL thu hút người học. Ông cho rằng cần xem xét để giảm thuế nhiều hơn nữa với giáo dục ĐH NCL. Đối với các khoản thuế do các trường ĐH NCL nộp có thể chuyển thành quỹ đầu tư để hỗ trợ các trường trong đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo…
GS, VS Đào Trọng Thi đặt vấn đề xóa bỏ sự bất hợp lý giữa trường ĐH NCL và trường ĐH công lập trong hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước. Ví dụ như triển khai cơ chế đặt hàng, đấu thầu để giao nhiệm vụ dịch vụ công cho các trường đại học thực hiện để không còn phân biệt trường công hay trường tư. Đồng thời cần sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để xác định rõ vai trò, vị trí và vị thế các trường ĐH NCL, xác định rõ và đề ra chính sách khuyến khích, ưu tiên phù hợp với từng loại trường như: Trường phi lợi nhuận phải được ưu tiên hỗ trợ nhất, trường không vì lợi nhuận hay trường lợi nhuận ở mức hợp lý…
Tăng cường giám sát chất lượng đối với ĐH NCL
Ngoài những giải pháp chính sách, để cải thiện vị thế, các trường ĐH NCL cũng ý thức cần nỗ lực tự thân để cải thiện chất lượng đào tạo, nỗ lực tham gia kiểm định chất lượng và minh bạch trong đánh giá. Ông Phạm Ngọc Sơn cho rằng: "Cần chỉ rõ trường nào làm tốt, trường nào không làm tốt để bảo đảm công bằng cho các trường".
Theo PGS, TS Phạm Thị Huyền, việc đánh giá chất lượng đào tạo và chất lượng đầu ra cần được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ, nghiêm túc, công khai, minh bạch và chuẩn hóa.
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đưa ra yêu cầu các trường phải kiểm định chất lượng, khuyến khích các trường kiểm định chất lượng theo chuẩn khu vực Đông - Nam Á (AUN).

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng các đại biểu tham dự hội nghị

Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cam kết trong điều chỉnh cơ chế chính sách sẽ tạo bình đẳng, cơ hội cho cả trường công lập và ngoài công lập được tiếp cận các nguồn lực đất đai, thuế, học bổng sinh viên, giảng viên, tài chính…, sớm thay đổi phương thức đầu tư như hiện nay sang tính theo số lượng sinh viên được đào tạo, không phân biệt trường công, trường tư, tạo môi trường bình đẳng trong giáo dục đại học. "Cơ chế chính sách tạo động lực nhưng cũng tăng cường giám sát chất lượng đối với ĐH NCL" - Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định. Bộ trưởng GD và ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, từ khi ra đời đến nay, còn nhiều vấn đề đặt ra đối với giáo dục ĐH NCL. Bộ trưởng chỉ ra yếu điểm của các trường ĐH NCL là còn hoạt động nhỏ về quy mô, chưa bảo đảm cam kết hoạt động; chất lượng sinh viên đầu vào và đầu ra chưa cao. Bên cạnh đó, hoạt động của các nhà trường còn chủ yếu tập trung vào đào tạo, trong khi đào tạo lại tập trung vào ngành ít phải đầu tư. Các điều kiện bảo đảm chất lượng của nhiều trường chưa đáp ứng yêu cầu, vẫn còn nhiều vấn đề về đội ngũ giảng viên (giảng viên trình độ TS chưa cao trong khi số giảng viên trình độ ĐH còn nhiều; tỷ lệ giảng viên thỉnh giảng còn cao). Về tài chính, các trường vẫn dựa vào đầu tư ban đầu của các nhà đầu tư, hợp tác quốc tế, kết nối doanh nghiệp chưa nhiều..."Bộ GD-ĐT sẽ rà soát các quy định và căn cứ vào thực tế cũng như xu hướng tự chủ ĐH để có những kiến nghị sửa đổi Luật giáo dục cũng như Luật giáo dục đại học, tạo hành lang pháp lý vững chắc, làm rõ mô hình trường ĐH lợi nhuận và phi lợi nhuận"- Bộ trưởng nói - Bên cạnh đó, các trường ĐH NCL phải rà soát, thực hiện đúng cam kết khi thành lập trường. Các trường rà soát lại cơ cấu đào tạo các ngành nghề, từ tuyển sinh đến đào tạo. "Về tài chính, các trường còn nhiều khó khăn, kể cả NCL lẫn công lập. Vì vậy, bên cạnh nỗ lực đầu tư ban đầu, cần phải tính hoạt động hiệu quả của trường. Bộ GD-ĐT đề xuất Chính phủ xem xét ban hành chính sách về tiếp cận nguồn tài chính, thuế của trường NCL như đối với trường công lập".Các trường cũng cần phải xác định đúng giáo dục đại học phải là đào tạo và nghiên cứu khoa học. Về điều kiện bảo đảm chất lượng, các trường cần quan tâm đến cơ sở vật chất thiết bị. Nếu không bảo đảm điều kiện chất lượng có thể phải tính đến phương án sáp nhập, giải thể. Đội ngũ giáo viên phải gắn với chương trình đào tạo. "Không vì quy mô, số lượng tuyển cho đủ mà phải tính đến chất lượng. Có những giai đoạn chấp nhận quy mô ít để củng cố chất lượng" – Bộ trưởng nhấn mạnh.

MẠNH XUÂN - T.X

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/item/32609902-dai-hoc-ngoai-cong-lap-muon-binh-dang-can-tang-cuong-bao-dam-chat-luong.html