Đại học Nghệ thuật Huế: Hàng chục giảng viên, người lao động bất ngờ bị cho thôi việc

Hàng chục cán bộ, nhân viên Trường Đại học (ĐH) Nghệ thuật, ĐH Huế vừa bị nhà trường thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) khiến nhiều người bức xúc.

Hàng chục cán bộ, nhân viên Trường Đại học (ĐH) Nghệ thuật, ĐH Huế vừa bị nhà trường thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) khiến nhiều người bức xúc.

Trường ĐH Nghệ thuật và danh sách 21 giảng viên, người lao động bị cho thôi việc.

Trường ĐH Nghệ thuật và danh sách 21 giảng viên, người lao động bị cho thôi việc.

Cắm sổ đỏ vay tiền trả lương

Ngày 10-10, Trường ĐH Nghệ thuật có thông báo về việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ không xác định thời hạn (do ông Đỗ Xuân Phú, Phó hiệu trưởng nhà trường ký). Danh sách HĐLĐ không xác định thời hạn gồm 21 cán bộ, nhân viên của trường. Cụ thể, có 15 cán bộ, giảng viên bị chấm dứt HĐLĐ vào tháng 11-2019; riêng những người còn lại sẽ bị chấm dứt hợp đồng vào tháng 3 và tháng 6-2020.

Lý do nhà trường thông báo đơn phương chấm dứt HĐLĐ vì khó khăn về tài chính. Trước thông báo này, một số cán bộ, giảng viên, nhân viên tỏ ra bức xúc. Một giảng viên khoa hội họa bày tỏ, để lấy được tấm bằng thạc sĩ nghệ thuật ở Thái Lan, phải chạy vạy khắp nơi. Tốt nghiệp xong trở về trường chưa trả nợ xong lại bị chấm dứt HĐLĐ nên không biết làm gì. Ngoài ra, sẽ có nhiều khó khăn cho các cán bộ, giảng viên, nhân viên bị chấm dứt HĐLĐ, nhất là khi trong danh sách trên có trường hợp sắp đến tuổi nghỉ hưu, có người đang phải nuôi con nhỏ. Trước thông tin vụ việc, TS Đỗ Xuân Phú, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Nghệ thuật thừa nhận, khó khăn tài chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đáng tiếc này. Tuy nhiên, nhà trường đã tìm mọi phương cách trước khi đưa ra thông báo chấm dứt HĐLĐ. "Thời điểm tôi mới làm phó hiệu trưởng, phải dùng sổ đỏ gia đình để vay ngân hàng giải quyết khó khăn trước mắt của trường"- ông Phú nói.

TS Đỗ Xuân Phú phân tích, trường có 101 cán bộ, giảng viên, nhân viên, trong đó có 23 cán bộ HĐ, còn lại là cán bộ thuộc biên chế. Đối với cán bộ HĐ, nhà trường phải lo chi trả lương, còn cán bộ thuộc biên chế, ngân sách nhà nước chi trả 70% lương, 30% còn lại trường phải cân đối các nguồn thu chi để đáp ứng. Trong khi đó, việc tuyển sinh của nhà trường giảm sút theo từng năm, dẫn đến không có nguồn thu và ngân sách cạn kiệt. Ông Phú dẫn chứng, trong năm học 2019-2020, nhà trường chỉ tuyển được 47 sinh viên. Hiện trường đang đào tạo cho gần 250 sinh viên theo học tại 4 khoa. Trong đó, toàn khoa Hội họa chỉ có 9 sinh viên/13 giảng viên; khoa Điêu khắc có 3 sinh viên/5 giảng viên; khoa Sư phạm mỹ thuật có 16 sinh viên/13 giảng viên; riêng khoa Mỹ thuật ứng dụng có số lượng sinh viên nhiều nhất với 218 em/20 giảng viên. Bình quân mỗi năm, trường được cấp khoảng 6,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước, số tiền này chỉ vừa đủ trả tiền lương và bảo hiểm cho đội ngũ biên chế. Riêng cán bộ, giảng viên, nhân viên hợp đồng mỗi tháng được trường chi trả lương và bảo hiểm khoảng 100 triệu đồng; mỗi năm hơn 1,2 tỷ đồng. Vì thế, trường buộc phải vận dụng các nguồn thu khác để trả lương cho lao động hợp đồng nhưng mỗi năm trường vẫn bị âm hàng trăm triệu đồng"- TS Phú nói.

Phải có cơ chế đặc thù

PGS.TS Nguyễn Quang Linh, Giám đốc ĐH Huế cho biết, năm 2017, ĐH Huế thông qua Hội đồng ĐH, Đảng ủy, các trường để vận dụng quỹ chung, hỗ trợ xóa nợ 2,5 tỷ đồng cho Trường ĐH Nghệ thuật mượn, ứng trước để trả lương cho cán bộ trước đó vì trường quá khó khăn. Năm 2018, ĐH Huế tiếp tục hỗ trợ cho trường giải quyết 2 tháng lương cho cán bộ, nhân viên và chế độ Tết, tức là đã làm hết sức trên mọi phương diện, nhất là tài chính.

Tình hình tuyển sinh các trường khó khăn, ĐH Huế giao Trường ĐH Nghệ thuật tự cân đối. ĐH Huế cũng giao trường tái cấu trúc nguồn thu cùng nhiều biện pháp khác nhưng không làm được, vì thế trường phải quyết định chấm dứt HĐLĐ với cán bộ, nhân viên. Theo TS Trương Quý Tùng, Phó Giám đốc ĐH Huế thông tin thêm: "ĐH Huế từng nhiều lần đề nghị bộ, ban, ngành liên quan về cơ chế đặc thù của ngành nghệ thuật nhưng chưa có cơ chế. Thực ra, để đưa ra quyết định đó, nhà trường rất khó khăn vì bất khả kháng. Nhà trường giải quyết vấn đề trên đúng quy định pháp luật và cũng đã trăn trở, vì nếu tiếp tục giữ họ ở lại, sẽ ảnh hưởng quyền lợi của họ do khó trả lương, trong khi nhiều cán bộ trẻ còn có thể tìm cơ hội khác". Việc chấm dứt HĐLĐ với các cán bộ dù đúng quy trình cũng để lại rất nhiều vấn đề đáng nói. Khó khăn đã lâu và không giải quyết được khiến dư luận đặt vấn đề về việc quản lý.

Trên thực tế, không phải chấm dứt HĐLĐ là có thể giải quyết được khó khăn, mà tình trạng không tuyển sinh được sẽ tiếp tục nảy sinh những khó khăn. Chạy theo giải pháp giải quyết tạm thời là chưa đủ. Vì tuyển sinh vài năm không được, câu chuyện giải thể khoa, trường là khó tránh khỏi. Dù TS Đỗ Xuân Phú đề xuất 2 giải pháp là sẽ đẩy mạnh liên kết các trường để đào tạo vừa làm vừa học hay thành lập mô hình trung tâm thực hành mỹ thuật để nỗ lực tìm nguồn thu, nhưng tất cả chỉ là ý tưởng. Theo TS. Trương Quý Tùng, phải có cơ chế đặc thù và cơ chế đặt hàng nguồn tuyển năng khiếu, nếu không tương lai sẽ ảnh hưởng đến đội ngũ người làm nghệ thuật. Nhưng điều này vẫn cần bộ, ngành trung ương xem xét. Trước tiên, ĐH Huế và nhà trường cần nghiên cứu giải pháp khả thi hơn.

H.LAN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_214481_dai-hoc-nghe-thuat-hue-hang-chuc-giang-vien-nguo.aspx