Đại học Nghệ thuật Huế chấm dứt hợp đồng với 21 giảng viên, nhân viên

Trường này đưa ra lý do chấm dứt hợp đồng là việc tuyển sinh giảm sút theo từng năm, ngân sách không đủ để chi trả lương và các chế độ khác.

21 giảng viên, nhân viên trường Đại học Nghệ thuật – Đại học Huế vừa bị đơn phương dù họ đã có thời gian gắn bó và công tác tại trường nhiều năm nay. Trường này đưa ra lý do chấm dứt hợp đồng là việc tuyển sinh giảm sút theo từng năm, ngân sách không đủ để chi trả lương và các chế độ khác.

Thầy Đỗ Xuân Phú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nghệ thuật Huế.

Thầy Đỗ Xuân Phú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nghệ thuật Huế.

21 người này bị chấm dứt hợp đồng từ ngày 01/11/2019 cho đến ngày 30/6/2020. Đa số trong số đó là cán bộ các phòng ban như: Phòng Tổ chức Hành chính, Phòng Đào tạo - Công tác sinh viên, Phòng Cơ sở vật chất, Phòng Khoa học công nghệ - Hợp tác quốc tế… và Khoa Hội họa, Khoa Mỹ thuật ứng dụng.

Trường Đại học Nghệ thuật Huế.

Ông Hồ Triều, bảo vệ nhà trường lo lắng khi từng làm việc hai mươi mấy năm nay, giờ trường thông báo cho nghỉ, không biết làm gì.

“Tôi vào đây là năm 1995, đến hiện giờ là đúng 24 năm, tôi nghe thông báo nghỉ nên rất bức xúc. Quy định của nhà nước 45 tuổi là họ không nhận nữa, hiện giờ tôi 52 tuổi”- ông Triều chia sẻ.

Nhiều năm gần đây, trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế tuyển sinh đầu vào thấp, không đủ chỉ tiêu. Với cơ chế tự chủ thu chi, nhà trường đã có những thời điểm phải nợ tiền lương giảng viên, cán bộ.

Sinh viên Khoa Hội họa Trường Đại học Nghệ thuật Huế.

Tiến sĩ Đỗ Xuân Phú, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế cho biết: Nhà trường có 101 cán bộ, nhân viên cả biên chế và hợp đồng, trong khi chỉ đào tạo hơn 240 sinh viên. Mỗi năm nhà trường được cấp 6,5 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước, cộng thêm hơn 2 tỉ đồng từ nguồn thu của sinh viên. Trong khi đó, khoản chi cho tiền lương và bảo hiểm của đội ngũ cán bộ biên chế và hợp đồng đã gần bằng số tiền này. Vì vậy, việc tiếp tục trả lương cho nhân viên hợp đồng như hiện nay là điều bất khả thi.

“Việc tinh giản biên chế và cắt giảm hợp đồng vì nhà trường không có kinh tế. Chúng tôi đã họp với người lao động để lấy ý kiến và sự thỏa thuận với nhau và qua các cuộc họp của nhà trường và qua hội đồng nhà trường, cuối cùng đến kết luận là chúng tôi phải cắt giảm hợp đồng lao động”- Tiến sĩ Đỗ Xuân Phú cho biết./.

Lê Hiếu/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/dai-hoc-nghe-thuat-hue-cham-dut-hop-dong-voi-21-giang-vien-nhan-vien-967831.vov