Đại học Nghệ thuật đang 'chết lâm sàng' trên đất Huế

Đầu vào gặp khó đến mức phải dừng tuyển sinh một bộ môn, ngân sách cho việc dạy và học thiếu trước hụt sau, đời sống giảng viên vô cùng khó khăn… là thực trạng của Trường Đại học Nghệ thuật thuộc Đại học Huế. Nghệ thuật, trong trường hợp này là mỹ thuật nói chung, đang 'chết lâm sàng'.

Trường Đại học Nghệ thuật Huế đang gặp khó về tuyển sinh. Ảnh: H.V.M

Trường Đại học Nghệ thuật Huế, tiền thân là Trường QG Cao đẳng Mỹ thuật Huế, một trong những cái nôi của nghệ thuật Việt Nam sản sinh ra lớp những họa sĩ tài danh như Đinh Cường, Tôn Thất Văn, Phạm Đăng Trí, Tôn Thất Đào, Dương Đình San… và đương đại là những họa sĩ đã và đang khẳng định tên tuổi của mình như cố họa sĩ Võ Xuân Huy, họa sĩ Phan Hải Bằng, anh em song sinh Lê Thanh Hải…

Hiện trường có 5 khoa bộ môn với 9 chuyên ngành đào tạo gồm: Hội họa, Đồ họa, Điêu khắc, Sư phạm Mỹ thuật, Thiết kế đồ họa, Thiết kế nội thất, Thiết kế truyền thống, Thời trang, Mỹ thuật Đa phương tiện. Tuy nhiên, một thông tin buồn và sốc là đến thời điểm này, số khoa bộ môn và chuyên ngành đào tạo sắp từ 9 xuống 8 do bộ môn Đồ họa đã bị buộc dừng tuyển sinh do 3 năm liền không tuyển sinh được sinh viên mới. “Hiện bộ môn Đồ họa chỉ còn sinh viên năm 4 và 5, không có sinh viên các năm 1, 2, 3” - PGS-TS Phan Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường ĐH Nghệ thuật Huế - cho biết.

Bộ môn Đồ họa sẽ “chết thật” nếu như không có gì thay đổi. Và các khoa, bộ môn, ngành đào tạo khác cũng đang trong tình trạng “chết lâm sàng” do khó khăn về tuyển sinh.

Từ chỗ gần 250 - 300 thí sinh trước đây, nay trường chỉ tuyển được dưới 50% chỉ tiêu, có năm chỉ 60 - 65 thí sinh. Toàn trường hiện có dưới 500 sinh viên, giảm 1/3 so với trước đây và khả năng còn giảm mạnh vì năm học này 150 sinh viên sẽ tốt nghiệp. “3 năm trở lại đây, tuyển sinh vào trường giảm mạnh đến mức bất ngờ và gây sốc” - PGS-TS Phan Thanh Bình nói.

Tuyển sinh giảm, dẫn đến khó khăn về tài chính. PGS-TS Phan Thanh Bình bảo “trường chúng tôi có lẽ là trường duy nhất trong Đại học Huế không có chế độ phụ cấp cho bộ phận cán bộ hành chính. Các chế độ lương, hỗ trợ tết, công tác phí, nghiên cứu khoa học, hỗ trợ đào tạo, chi nghiên cứu khoa học sinh viên… đều bị ảnh hưởng nặng nề.

Mấy năm nay, cứ đến tháng 10, trường lại không còn tiền để trả lương. Có năm, hiệu trưởng và các hiệu phó phải cầm sổ đỏ cá nhân vay tiền ngân hàng để trả lương cho cán bộ vào dịp giáp tết”.

“Cuộc sống của chúng tôi đang khó khăn vô cùng. Ngoài lương trên dưới 3 triệu đồng/tháng, chúng tôi không còn khoản thu nào khác do việc sáng tác, trao đổi, triển lãm, các dự án trong nước, quốc tế... hầu như không còn. Các lò luyện thi của một số giáo viên mở ở ngoài cũng phải đóng cửa vì không còn ai luyện...” - một giảng viên giấu tên tâm sự.

Tuyển sinh gặp khó do đầu vào quá ít không phải là chuyện riêng của Trường ĐH Nghệ thuật Huế mà là chuyện chung của tất cả những trường nghệ thuật khắp cả nước, đặc biệt là mỹ thuật. Đó là chuyện bình thường. Nhưng ở đây có một câu chuyện không bình thường, khi bao nhiêu năm nay, chỉ vì Trường ĐH Nghệ thuật Huế trực thuộc Đại học Huế, trực thuộc Bộ GD&ĐT nên đã không được hưởng những cơ chế đặc thù của một trường nghệ thuật như bao trường khác đang trực thuộc Bộ VHTT&DL, dù lãnh đạo nhiều thế hệ của trường này liên tục “kêu gào”.

“Giải pháp, đồng thời mong muốn lớn nhất của nhà trường là được hưởng cơ chế đặc thù như các trường khác thuộc Bộ VHTT&DLđể không băn khoăn nhiều về chỉ tiêu mà tập trung đào tạo tài năng nghệ thuật”, PGS.TS Phan Thanh Bình nói.

Huế luôn tự hào là một trong 3 trung tâm văn hóa lớn của cả nước nhưng mỹ thuật thì lại đang “chết lâm sàng” ngay trên trung tâm của mình.

CÁT TƯỜNG

Nguồn Đấu Thầu: https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/dai-hoc-nghe-thuat-dang-chet-lam-sang-tren-dat-hue-598671.ldo