Đại học Đà Nẵng hướng đến chuẩn mực quốc tế

Kiểm định chất lượng (KĐCL), đặc biệt KĐCL khu vực và quốc tế là một trong những yêu cầu mang tính cấp bách đối với các trường ĐH Việt Nam hiện nay nhằm đảm bảo, nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế. Kết quả KĐCL giáo dục ĐH được sử dụng làm một trong các tiêu chí để phân tầng, xếp hạng cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) trong nước, khu vực và quốc tế. Liên quan đến công tác này, phóng viên Báo Công an Đà Nẵng (P.V) đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ- Giám đốc Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN).

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐHĐN- khen thưởng cho SV trường ĐH Ngoại ngữ.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐHĐN- khen thưởng cho SV trường ĐH Ngoại ngữ.

P.V: Thưa ông! Trong bối cảnh toàn cầu hóa, KĐCL, đặc biệt là KĐCL quốc tế là một trong những công tác quan trọng của các trường ĐH Việt Nam nói chung, ĐHĐN nói riêng nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, nâng cao thương hiệu của mỗi CSGDĐH, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như uy tín quốc tế. Thời gian qua, công tác này đã được ĐHĐN đã quan tâm, triển khai như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ: ĐHĐN luôn coi chất lượng là yếu tố "sống còn", là mục tiêu, động lực hướng đến chuẩn quốc tế. Đó cũng là cam kết "trách nhiệm xã hội" với người học, doanh nghiệp (DN) và cộng đồng. Trong chiến lược phát triển, ĐHĐN xác định đảm bảo chất lượng (ĐBCL) và kiểm định quốc tế (KĐQT) là nhiệm vụ trọng tâm vừa cấp bách, vừa lâu dài để nâng cao năng lực cạnh tranh và uy tín quốc tế. Trong chương trình hành động của mình, ĐHĐN đã huy động nguồn lực để triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp như thành lập Hội đồng ĐBCL cấp ĐH Vùng đến các trường, khoa, đơn vị trực thuộc, thành lập Trung tâm KĐCLGD ĐHĐN (CEA-UD)- đây là một trong ba trung tâm (từ năm 2016) được Bộ GD-ĐT giao KĐCL các CSGDĐH. Áp dụng quản trị ĐH tiên tiến, phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường thành viên. Thường xuyên tự đánh giá, đánh giá ngoài và kiểm định đạt chuẩn quốc gia, quốc tế. Đặc biệt, ĐHĐN cũng như các trường thành viên hết sức coi trọng ý kiến phản hồi của người học, DN, cộng đồng để liên tục cải tiến, nâng cao chất lượng CSGD và chương trình đào tạo (CTĐT). Song song đó, ĐHĐN cũng đặc biệt quan tâm nâng cao uy tín, chất lượng đạt chuẩn quốc tế, xem đây là chiến lược trọng tâm để không ngừng nỗ lực hướng đến. Cụ thể, ĐHĐN đã có nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả trong nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học (tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên của ĐHĐN đạt 32%); Tăng cường KĐCL các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế (năm 2018 có thêm 08 CTĐT kiểm định đạt chất lượng quốc tế theo Tiêu chuẩn AUN-QA); Tăng cường nghiên cứu khoa học, chuyển giao ứng dụng trong thực tiễn, công bố quốc tế và trích dẫn khoa học (năm qua có 650 bài báo quốc tế trong đó có 164 bài trong hệ thống danh mục uy tín nhất thế giới ISI, Scopus, tăng 50% so với năm trước); Tổ chức nhiều Hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế với nhiều dự án hợp tác nghiên cứu lớn; Gắn kết hợp tác sâu rộng với các DN và mạng lưới các trường ĐH và tổ chức quốc tế…

P.V: Và hồi đáp cho những nỗ lực đó là, lần thứ hai, ĐHĐN tiếp tục là một trong số rất ít ĐH Việt Nam có mặt trong top các trường ĐH tốt nhất Châu Á theo Bảng xếp hạng ĐH thế giới QS Asia 2018 - 2019- một trong những bảng xếp hạng ĐH thế giới có uy tín do Quacquarelli Symonds (Anh Quốc) công bố hàng năm?

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ: Ngoài 2 lần được tiếp tục nằm trong danh sách các trường ĐH Việt Nam lọt vào tốp các trường ĐH tốt nhất Châu Á nói trên, ĐHĐN còn đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, về CSGD, Trường ĐH Sư phạm- ĐHĐN là trường ĐH đầu tiên trong cả nước kiểm định đạt chuẩn quốc gia (tháng 3-2016). ĐHĐN cũng là ĐH Vùng đầu tiên có 100% trường ĐH thành viên kiểm định đạt chuẩn quốc gia (tháng 10-2016). Tháng 10-2017, Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN vinh dự là một trong bốn trường ĐH đầu tiên của Việt Nam KĐQT đạt chất lượng Châu Âu theo Tiêu chuẩn HCERES. Về CTĐT, ĐHĐN có 3 CTĐT chất lượng cao Việt- Pháp đạt tiêu chuẩn Châu Âu (CTI); 6 CTĐT tiên tiến Việt-Mỹ đạt tiêu chuẩn Đông Nam Á (AUN-QA), trong đó 2 CTTT Việt-Mỹ đạt điểm cao nhất Việt Nam và thứ hai trong số các CTĐT đã kiểm định theo AUN-QA. Hiện có 4 CTĐT đang KĐQT gồm: 3 CTĐT của Trường ĐH Bách khoa, 1 CTĐT của Trường ĐH Sư phạm và đến hết năm học 2018-2019 sẽ có thêm 2 CTĐT của Trường ĐH Kinh tế, 1 CTĐT của Trường ĐH Ngoại ngữ, nâng tổng số CTĐT được KĐQT lên 16 CTĐT. Đặc biệt, ĐHĐN luôn có thứ hạng cao trong Top ĐH hàng đầu Việt Nam như: Top 2 theo Bảng xếp hạng của Uni Rank (công bố 8-2018); Top 6 theo Bảng xếp hạng ĐH của Webometrics (công bố tháng 7-2018).

P.V: Thưa ông! Được biết, trong các tiêu chí đánh giá, KĐCL đào tạo, tiêu chí đào tạo gắn với việc làm cho SV sau khi ra trường là một trong những tiêu chí rất quan trọng, được người học và toàn xã hội đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, ĐHĐN cùng các trường ĐH thành viên đã có những giải pháp, chiến lược gì trong hợp tác với DN về vấn đề này?

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ: Đào tạo để SV ra trường có việc làm là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của bất kỳ trường ĐH nào. Do đó, mục tiêu đào tạo gắn kết với việc làm luôn được các trường đặc biệt quan tâm. Theo đó, những năm qua, ĐHĐN và các trường thành viên đã phối hợp với DN triển khai nhiều hoạt động cụ thể như: Mời DN tham gia vào việc xây dựng chương trình đào tạo để tăng tính thực tiễn trong đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng. Ý kiến góp ý của DN là tiêu chí bắt buộc được xem xét trong các hồ sơ thẩm định mở ngành đào tạo. DN hỗ trợ nhà trường trong hướng dẫn SV thực tập, nhất là các kỳ thực tập tốt nghiệp. Nhà trường mời nhiều DN tham gia hội đồng chấm luận văn tốt nghiệp cho SV. Nhiều thỏa thuận hợp tác lâu dài giữa trường ĐH và DN đã được ký kết, trong đó nhà trường tham gia nghiên cứu, giải quyết các vấn đề của DN. Ngược lại, DN ưu tiên địa điểm thực tập, hướng dẫn và tuyển dụng SV tốt nghiệp. Mặt khác, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ thay đổi liên tục, CTĐT cũng phải hết sức mềm dẻo để có thể thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ sản xuất. Khác với thế kỷ trước, nhà trường cần cung cấp kiến thức kỹ thuật chi tiết, CTĐT ngày nay tập trung cung cấp kiến thức nền tảng, những qui luật tự nhiên, xã hội nhưng phải huấn luyện cho SV kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng khởi nghiệp, kỹ năng thích nghi với môi trường lao động. Hiện nay các trường thành viên ĐHĐN đã đổi mới chương trình đào tạo để thích ứng với yêu cầu mới của thị trường lao động. Theo đó, CTĐT mới phải đáp ứng chuẩn đầu ra theo Khung năng lực quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2017... Tuy nhiên, cũng cần phải xác định rõ rằng, trường ĐH đào tạo nguồn nhân lực chung cho toàn xã hội nên không thể đáp ứng "ngay tức khắc" cho các yêu cầu riêng biệt của DN, đơn vị nào. Vì thế, chừng nào nhà trường- DN chưa thực sự có sự gắn kết chặt chẽ, chưa có phối hợp trong quá trình đào tạo thì SV tốt nghiệp, sản phẩm đầu ra của quá trình đào tạo và là nguồn lực đầu vào của DN vẫn phải tự thân tìm cho mình một "công việc phù hợp".

P.V: Xin cảm ơn ông vì cuộc phỏng vấn này!

P.THỦY (thực hiện)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_197369_dai-hoc-da-nang-huong-den-chuan-muc-quoc-te.aspx