Đại học chạy đua tiêu chuẩn 'ngoại', sinh viên được lợi gì?

Ráo riết chạy đua theo các tiêu chuẩn trong và ngoài nước, các trường đại học (ĐH) đề ra mục tiêu phấn đấu để đạt kiểm định chất lượng theo chuẩn AUN – QA (tổ chức kiểm định của Mạng lưới các trường đại học Đông - Nam Á) và nhiều tiêu chuẩn quốc tế khác.

Về mặt tích cực, điều này sẽ giúp các trường "soi" lại mình và xác định định hướng phát triển theo xu thế giáo dục chung của thế giới. Sinh viên sẽ được lợi gì trong các cuộc chạy đua này?

Sinh viên Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM trong một buổi huấn luyện ngoại khóa Ảnh: Trường cung cấp

Gần đây, việc hướng tới một chuẩn chất lượng đã được ngành giáo dục đặt ra như một vấn đề trọng tâm cần giải quyết. Chuẩn quốc gia chỉ được coi như “mốc cơ bản” đối với những trường ĐH muốn khẳng định chất lượng đào tạo. Trong khi các tiêu chuẩn quốc tế được để ý nhiều hơn.

Tốn kém nhưng thực sự cần thiết

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó trưởng phòng Đào tạo Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho rằng, thực ra công tác kiểm định có thể tốn kém nhưng nó thực sự cần thiết. Các trường muốn "chơi chung" với nhau trong một sân chơi thì cần có cùng một chuẩn với nhau, điều này trong dài hạn đem lại lợi ích rất lớn cho người học.

Đơn cử như việc người học được công nhận trong một cộng đồng sẽ giúp giảm chi phí khi chuyển sang các trường trong cùng nhóm được kiểm định với nhau.

Trong quá trình kiểm định các tiêu chí về việc làm, về trách nhiệm giải trình với xã hội rất được quan tâm, vậy nên các trường được kiểm định có thể an tâm về điều kiện tổ chức đào tạo.

Nói về vấn đề “lời - lỗ” trong công tác kiểm định, ông Sơn cho biết, nếu được tự quyết định chỉ tiêu đào tạo, thì chắc chắn là có "lời".

Cái lời thứ nhất đó là các trường có cơ hội chuẩn hóa lại hệ thống quản lý của mình theo chuẩn mực được đặt ra; thứ hai các trường có cơ hội "soi" lại mình để có định hướng tốt hơn cho sự phát triển trong tương lai, có được sự đối sánh với hệ thống chung để biết mình đang ở đâu; thứ ba đó chính là niềm tin của người học và doanh nghiệp về chất lượng đào tạo; thứ tư đó là cơ hội để hội nhập quốc tế và cuối cùng nhưng rất quan trọng đó chính là văn hóa của lãnh đạo, văn hóa của giảng viên, văn hóa của người học,…qua công tác kiểm định văn hóa chất lượng được hình thành trong tổ chức sẽ là động lực thúc đẩy tổ chức phát triển.

Thế nhưng, nói về việc làm cho sinh viên, ông Sơn lại cho rằng: “Do doanh nghiệp sử dụng lao động quyết định, do xã hội quyết định”.

Vậy vấn đề đặt ra ở đây là cơ chế riêng cho đối tượng sinh viên sau khi ra trường có thực sự khả thi, và có cần hay không cơ chế riêng? Hay chỉ cần chất lượng được đảm bảo thì thị trường lao động sẽ quyết định tất cả?

"Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, thực tế số sinh viên sau tốt nghiệp có việc làm đang có những dấu hiệu tích cực. Cụ thể như số liệu mới nhất do trường Đại học Công nghệ Thực phẩm TPHCM công bố năm 2017, tỷ lệ sinh viên có việc ngay sau tốt nghiệp đạt từ 83%-92,5% tùy ngành và tỷ lệ việc làm sau 6 tháng đạt trên 95%.

Mặc dù, tác động của kiểm định phải xét trong dài hạn thì mới thấy hiệu quả nhưng rõ ràng đây là con số khá sáng sủa.", ông Sơn phân tích thêm.

Xin tự chủ để tăng học phí?

“Đạt chuẩn rồi có tăng học phí không?” Nhận định về vấn đề này, PGS- TS Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa TPHCM cho biết, hiện trường vẫn đang trong quá trình xin được tự chủ cho nên khung tài chính vẫn theo Nhà nước, và chưa ảnh hưởng đến học phí của sinh viên.

Tuy nhiên, thực tế theo khảo sát riêng của TBKTSG Online các trường ĐH trên địa bàn TPHCM là không riêng ĐH Bách Khoa TPHCM, các trường đều có ý định sau khi đạt chuẩn kiểm định sẽ xin được tự chủ, để có thể… tăng học phí.

Theo ông Phúc, để đăng ký đánh giá chuẩn khu vực cho mỗi chương trình trường phải chi khoảng 500-800 triệu đồng. Sau đó, phải đóng phí thường niên duy trì. Mặc dù vậy, bù lại, ông Phúc cho biết, sinh viên được đào tạo từ những trường đạt được tiêu chuẩn như AUN-QA hay tiêu chuẩn ABET (Hoa Kỳ) đều làm hài lòng nhà tuyển dụng và được nhiều đơn vị chuyên tuyển dụng nhân sự cao cấp như CareerBuilder, Vietnamworks… đánh giá tốt, cũng như những hãng, tập đoàn lớn như Intel, Vinamilk, Boeing tuyển chọn ngay từ những năm chưa rời ghế.

Trên cùng chặng đua, các trường ĐH lớn đều đưa ra những mục tiêu khá rõ ràng và quyết liệt.

Cụ thể, trường ĐH Bách khoa đạt mục tiêu mỗi năm sẽ có từ 1-3 chương trình đạt chuẩn kiểm định ABET, AUN-QA, FIBBA, CTI…, đồng thời kiến nghị các chương trình đạt chuẩn kiểm định phải được tự chủ học phí, tăng học phí, tăng chỉ tiêu.

Trường ĐH Khoa học Tự nhiên xây dựng đề án đánh giá cấp trường theo chuẩn HCERRES, đánh giá chương trình Công nghệ sinh học và Kỹ thuật điện tử viễn thông.

Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn tiến tới kiểm định chương trình thạc sĩ lý luận và phương pháp dạy học tiếng Anh.

Trường ĐH Kinh tế - Luật đặt mục tiêu 3 chương trình đạt chuẩn khu vực và đánh giá trường theo chuẩn khu vực.

Trường ĐH Công nghệ Thông tin đến năm 2020 kiểm định 5 chương trình theo chuẩn AUN-QA.

Trường ĐH Sư phạm TPHCM cũng đã công bố triển khai dự án “Áp dụng tiến trình chất lượng, nâng cao quản trị ĐH”. Dự án có tổng kinh phí hơn 87.300 EUR (Tổ chức các trường đại học Pháp ngữ (AUF) tài trợ 20.000 EUR, còn lại là vốn đối ứng của trường), thực hiện từ nay đến tháng 4-2019.

Mục tiêu của dự án là nâng cao hiệu quả quản trị cho Trường ĐH Sư phạm TPHCM; rà soát tầm nhìn, chiến lược phát triển của trường; nâng cao hiệu quả quản lý và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.

Hiện cả nước có đến 112 chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định AUN-QA, trong khi cả khu vực Đông - Nam Á hiện có 361 chương trình. Cả nước có hai trường đạt chuẩn kiểm định của khu vực (toàn khu vực có sáu trường); năm trường đạt chuẩn HCERES (Pháp) là Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Xây dựng, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng; bốn chương trình đạt chuẩn kiểm định của ABET (Hiệp hội Kỹ thuật và Công nghệ Mỹ)…

Mỹ Dung

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/282870/dai-hoc-chay-dua-tieu-chuan-ngoai-sinh-vien-duoc-loi-gi.html