Đại học Anh, Mỹ và Australia lao đao vì 'nghiện' sinh viên Trung Quốc

Tại Anh, Mỹ và Australia, dịch Covid-19 giáng cú đòn nặng vào các trường đại học 'nghiện một nguồn thu nhập duy nhất'. Đó là học phí từ sinh viên Trung Quốc.

Theo New York Times, khi dịch virus corona chủng mới bùng lên từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) và lan sang các nước châu Á, sinh viên Trung Quốc tại các trường đại học ở Anh đối mặt với sự kỳ thị, ghẻ lạnh. Nhưng giờ dịch Covid-19 đang tấn công dữ dội nước Anh, các sinh viên Trung Quốc lại băn khoăn vì một điều khác.

"Mọi người ở đây không nhận thấy dịch bệnh nghiêm trọng cỡ nào. Trung Quốc thực hiện rất nhiều biện pháp chống dịch, nhưng ở đây thì không", New York Times dẫn lời sinh viên Jiani Zhou ở Đại học Bath thuộc miền tây nam nước Anh bức xúc.

Giới chuyên gia nhận định sự bức xúc với cách các trường đại học Anh đối phó với dịch Covid-19 có thể dẫn tới những hậu quả tài chính lớn. Trong những năm qua, các trường đại học ở Anh, Mỹ và Australia ngày càng phụ thuộc vào học phí từ sinh viên Trung Quốc.

Và mô hình kinh doanh này hoàn toàn có thể bị virus có nguồn gốc từ Vũ Hán đập tan.

 Cảnh vắng vẻ ở London (Anh) khi dịch Covid-019 lan rộng. Nhiều sinh viên Trung Quốc bức xúc vì các trường đại học Anh không mở lớp học trực tuyến và hủy bỏ các sự kiện lớn để đối phó với dịch bệnh. Ảnh: New York Times.

Cảnh vắng vẻ ở London (Anh) khi dịch Covid-019 lan rộng. Nhiều sinh viên Trung Quốc bức xúc vì các trường đại học Anh không mở lớp học trực tuyến và hủy bỏ các sự kiện lớn để đối phó với dịch bệnh. Ảnh: New York Times.

Phụ thuộc vào sinh viên Trung Quốc

Hiện các trường đại học đã hoãn thi cử, chính quyền Anh, Mỹ và Australia áp dụng lệnh cấm di chuyển trên diện rộng, tâm lý bức xúc của sinh viên và phụ huynh Trung Quốc với thái độ thờ ơ của phương Tây trước dịch Covid-19 ngày càng leo thang.

Giới phân tích cảnh báo điều đó có thể khiến tỷ lệ tuyển sinh viên Trung Quốc giảm mạnh trong những năm tới, khiến các trường đại học thiệt hại hàng tỷ USD. Họ cho rằng có thể chính quyền các nước sẽ phải giải cứu nhiều trường đại học nếu sinh viên Trung Quốc tiếp tục ở nhà, nguồn tiền học phí khổng lồ bị cắt đứt.

"Chỉ trong một thời gian ngắn, chúng ta trở nên quá phụ thuộc đến mức nghiện một nguồn thu nhập duy nhất. Nếu trường hợp xấu nhất xảy ra và học sinh Trung Quốc không quay lại, sự thay đổi sẽ là rất khủng khiếp", New York Times dẫn lời giáo sư Kerry Brown tại Đại học King's College nhận định.

Ở Anh, nhiều số sinh viên Trung Quốc phẫn nộ vì các trường đại học không hành động quyết liệt như tổ chức lớp học trực tuyến hay hủy bỏ những sự kiện lớn. Hơn nữa, khi dịch chưa lan rộng ở Anh, các sinh viên Trung Quốc ngần ngại không dám đeo khẩu trang vì sợ bị phân biệt chủng tộc.

Giờ có vẻ như chính quyền Trung Quốc đã kiểm soát được dịch bệnh, hàng loạt sinh viên cho biết họ sẵn sàng mua vé máy bay với giá cắt cổ để trở về nhà.

Sinh viên Trung Quốc tại Anh và Mỹ gặp nhiều khó khăn khi các trường đóng cửa và không hỗ trợ họ. Ảnh: New York Times.

Tại Australia, lệnh cấm nhập cảnh đối với những người từng ở Trung Quốc khiến hàng chục nghìn sinh viên Trung Quốc không thể quay lại trường. Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng phát ở Australia, giới phân tích lo ngại rằng chính quyền Trung Quốc sẽ áp đặt lệnh cấm đi lại với nước này.

Tại Mỹ, lệnh phong tỏa gấp rút khiến giới sinh viên quốc tế lao đao, không có được bất kỳ sự giúp đỡ nào, phải chật vật tìm mua vé máy bay giá rẻ để về nước. Các nhà phân tích nhận định tình trạng này khiến các trường đại học phương Tây mất điểm nghiêm trọng trong con mắt sinh viên và phụ huynh Trung Quốc.

Trước đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và những hạn chế thị thực đối với sinh viên Trung Quốc đã khiến các trường đại học Mỹ thiệt hại đáng kể. Các trường đại học Anh cũng gặp vấn đề về ngân sách nghiên cứu và các chương trình trao đổi sinh viên của Liên minh châu Âu sau Brexit.

Không có kế hoạch đối phó

Ban lãnh đạo các trường đại học cũng lo ngại rằng các bậc cha mẹ Trung Quốc sẽ cảnh giác hơn với những rủi ro sức khỏe và nghĩ rằng việc bỏ hàng chục nghìn USD để lấy một tấm bằng nước ngoài là không đáng.

"Cuộc khủng hoảng này sẽ củng cố thêm suy nghĩ rằng Mỹ và Anh không còn là điểm đến tuyệt vời nhất đối với sinh viên quốc tế, đặc biệt là sinh viên Trung Quốc. Số lượng đăng ký học sẽ lao dốc, và rất ít trường đại học ở Anh có sự chuẩn bị để đối phó với tình trạng đó", giáo sư Craig Calhoun tại Đại học Arizona (Mỹ) bình luận.

Năm ngoái, hơn 120.000 sinh viên Trung Quốc đăng ký học tại các trường đại học Anh. Ở một số trường, sinh viên Trung Quốc chiếm 20% tổng số sinh viên. Ước tính sinh viên Trung Quốc đóng tổng cộng 1,5 tỷ bảng (1,75 tỷ USD) học phí. "Nếu tỷ lệ tuyển sinh giảm 25%, các trường sẽ thiệt hại nặng nề. Một số trường sẽ đối mặt nguy cơ phá sản", giáo sư Brown nói.

Tại Mỹ, năm ngoái gần 400.000 sinh viên Trung Quốc học tại các trường đại học. Australia cũng phụ thuộc lớn vào học sinh Trung Quốc. Quốc gia này thiệt hại 4-5 tỷ USD vì lệnh cấm đi lại khiến 200.000 sinh viên Trung Quốc không thể tham dự kỳ học đầu tiên.

"Tại Australia và New Zealand, sinh viên quốc tế là gà đẻ trứng vàng", giáo sư Salvatore Babones thuộc Đại học Sydney nhận định.

Australia thiệt hại 4-5 tỷ USD vì lệnh cấm đi lại khiến hàng trăm nghìn sinh viên Trung Quốc không thể nhập học theo đúng kế hoạch. Ảnh: New York Times.

Trong những năm qua, Trung Quốc nỗ lực cải thiện chất lượng của hệ thống giáo dục nhằm thu hút sinh viên vào học tại các trường đại học trong nước. Lãnh đạo các trường đại học Anh giờ lo ngại những thay đổi đó - cộng với việc dịch Covid-19 được kiềm chế tại Trung Quốc - sẽ khiến nhiều sinh viên Trung Quốc không còn động lực sang Anh học.

Zhexuan Lu, sinh viên tại Đại học Bath, cho biết anh rất ngạc nhiên khi chính phủ Anh không mấy bận tâm đến virus corona chủng mới khi dịch lan rộng tại Trung Quốc hồi tháng 1. Chính quyền nước này thậm chí không muốn đóng cửa nhà hàng và quán rượu.

Là chủ tịch Hiệp hội Sinh viên Trung Quốc tại Đại học Bath, Lu gửi thư cho hiệu phó, đề nghị trường tổ chức các lớp học trực tuyến. Tuy nhiên, ban quản lý Đại học Bath chần chừ không hành động cho đến khi có một trường hợp nhiễm virus được xác nhận trong khuôn viên trường.

"Chẳng ai lo lắng ngoại trừ sinh viên Trung Quốc"

"Ở đây, chẳng ai lo lắng ngoại trừ các sinh viên Trung Quốc, vì người Trung Quốc hiểu rõ điều gì đã xảy ra ở đất nước mình", sinh viên Lu nhấn mạnh. Dù vậy, Lu vẫn cho rằng dịch sẽ sớm trôi qua và sinh viên Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục đăng ký học tại các trường đại học Anh.

Tuy nhiên, giáo sư Babones cảnh báo nếu dịch Covid-19 kéo dài tại Anh, Mỹ và các nước phương Tây khác, có khả năng chính quyền Trung Quốc sẽ đáp trả lệnh cấm đi lại bằng cách yêu cầu sinh viên không ra nước ngoài học vì sợ họ mang virus trở lại.

"Đây sẽ là một bàn thắng trên phương diện hình ảnh của chính quyền Trung Quốc", giáo sư Babones nhấn mạnh. Một số trường đại học ở Anh đang xem xét tổ chức các khóa học tiếng Anh trực tuyến và cho phép sinh viên Trung Quốc hoãn nhập học đến tháng 1 năm sau.

Một số trường cũng cố gắng thu hút sinh viên từ các nước khác, tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng nguồn thu này khó bù đắp được những tổn thất kinh tế khi thiếu sinh viên Trung Quốc.

Việc Anh rời EU cũng gây sức ép lớn lên các trường đại học nước này. Mới đây, chính quyền London tuyên bố sẽ gia hạn thị thực cho sinh viên quốc tế để thuyết phục họ ở lại học tập.

Nhiều sinh viên Trung Quốc bức xúc vì thái độ dửng dưng của các trường đại học phương Tây. Ảnh: Reuters.

Giới chuyên gia cho rằng phản ứng của các trường đại học Anh cũng chẳng khác gì sự thụ động của chính phủ nước này khi đối mặt với dịch Covid-19. Trong một lá thư gửi đến các sinh viên, ban lãnh đạo Đại học Cambridge tuyên bố trường không thay đổi lịch thi và mỗi phòng thi sẽ có 40 người.

Ban giám hiệu khẳng định "đã làm hết khả năng để giúp các sinh viên và đội ngũ giáo viên đối phó với những trường hợp không lường trước được". Tuy nhiên, lá thư này khiến rất nhiều sinh viên hoang mang và bức xúc, đặc biệt khi chính quyền nhiều quốc gia khuyến cáo không tụ tập đông người để ngăn chặn virus corona chủng mới lây lan.

Đối với Zhou, sinh viên Đại học Bath, ở Anh trong thời điểm đại dịch lan rộng đồng nghĩa với việc cô thường xuyên nhận được những cuộc điện thoại đầy lo lắng từ mẹ. Đồng thời, cô vẫn phải tìm cách thích ứng với tâm lý thoải mái và chủ quan của người dân địa phương.

Phương Thảo

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/dai-hoc-anh-my-va-australia-lao-dao-vi-nghien-sinh-vien-trung-quoc-post1063204.html