Đại gia Việt phóng tay, tỷ phú Thái bộn tiền nhờ Vinamilk

Đại gia Hà Nội chi 5 tỷ mua lan đột biến gene, tỷ phú Thái sắp nhận 530 tỷ đồng tiền mặt từ Vinamilk... là tin tức nổi bật trong tuần.

Đại gia bỏ 5 tỷ mua giỏ lan đột biến gene

Mới đây, cuộc chuyển nhượng giỏ lan đột biến - 5 cánh trắng vọng xưa - có giá trị lên đến 5 tỷ đồng giữa nhà vườn Tấn Phong (Hà Đông) cho anh Nguyễn Huy Tuyến (Hà Đông, Hà Nội) đã khiến giới chơi lan xôn xao.

Theo chủ nhà vườn lan Tấn Phong, đây là giỏ lan đột biến mới được tìm ra, mặt bông rất đẹp, hội tụ đầy đủ yếu tố của một bông hoa lan đột biến nên nó có giá rất đắt.

Chủ nhân của cây lan quý thông tin, để có một cây lan đột biến như thế này rất khó, người chơi có khi phải mua cả 10 tấn lan rừng chưa chắc đã xổ được một bông đẹp.

Giỏ lan đột biến đã được bán với giá 5 tỷ đồng. Ảnh: Dân trí

Giỏ lan đột biến đã được bán với giá 5 tỷ đồng. Ảnh: Dân trí

Ông Vương Xuân Nguyên, Chánh Văn phòng Hội Sinh Vật Cảnh TP Hà Nội, có mặt tại buổi giao dịch xác nhận đây là giao dịch thật chứ không ảo như mọi người nghĩ vì tìm ra một giỏ lan đột biến đã khó, mặt bông đẹp lại càng khó hơn nên chúng có giá trị rất đắt.

Trước đó, ngày 10/6, trên một diễn đàn dành cho người chơi phong lan với gần 150.000 thành viên, nhiều người không khỏi sửng sốt trước một sự kiện giao dịch 5 giò lan đột biến gene có tên Hoa lan Bình Phước với trị giá lên đến hàng chục tỉ đồng.

Theo những hình ảnh được công bố tại cuộc giao dịch này, 3 cây lan 5 cánh trắng Bảo Duy có giá lần lượt là gần 4,9 tỷ đồng, 9,9 tỷ đồng và 12 tỷ đồng. Hai giò còn lại có tên Xuân Phúc và Da Vàng cũng có giá 10 tỷ đồng.

Ông Trịnh Văn Quyết bán ồ ạt cổ phiếu FLC Faros

Ngày 10/6, ông Trịnh Văn Quyết thông báo bán ra 11 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros. Sau giao dịch trên, tỷ lệ sở hữu của ông Quyết tại FLC Faros từ 6,1% giảm còn 4,2%. Doanh nhân này không còn là cổ đông lớn tại công ty mình từng làm chủ tịch.

Tạm tính theo thị giá 3.470 đồng/cổ phiếu FLC Faros chốt phiên giao dịch ngày 10/6, số tiền ông Quyết huy động được từ việc bán số cổ phiếu trên khoảng 38 tỷ đồng.

Chỉ hai ngày trước, chủ tịch Tập đoàn FLC thông báo vừa thông báo đã bán tổng cộng 169,5 triệu cổ phiếu của FLC Faros để giảm tỷ lệ sở hữu từ 36% xuống 6,1%. Nếu tính theo giá cổ phiếu tại thời điểm hoàn tất giao dịch, số tiền ông Quyết thu về ước tính khoảng 578 tỷ đồng.

Từ tháng 4 đến nay, ông Trịnh Văn Quyết liên tục thoái vốn sau khi từ chức chủ tịch HĐQT FLC Faros. Ngày 10/4, ông Quyết bán ra 53,8 triệu cổ phiếu công ty. Trong tháng 5, chủ tịch FLC tiếp tục thực hiện 2 giao dịch chuyển nhượng tổng cộng 33,2 triệu cổ phiếu FLC Faros.

Từ tỷ lệ sở hữu 51% hồi đầu năm, đến nay ông Quyết chỉ còn giữ 6% cổ phần của công ty xây dựng này. Trước đó, trong 3 tháng cuối năm 2019, doanh nhân này cũng đã sang tay 91 triệu cổ phiếu FLC Faros.

Lý do ông Trịnh Văn Quyết liên tục bán cổ phiếu được đại diện FLC Faros giải thích đây là các quyết định của cá nhân ông Quyết theo nhu cầu tài chính, công ty không thể quyết định thay.

Ông Lê Phước Vũ đăng ký mua 20 triệu cổ phiếu

CTCP Tập đoàn Hoa Sen thông báo giao dịch của Chủ tịch HĐQT Lê Phước Vũ đăng ký mua vào 20 triệu cổ phiếu HSG. Giao dịch được thực hiện từ ngày 16/6-15/7. Đây cũng là thời điểm công ty riêng của ông Vũ là Công ty TNHH Tập đoàn đầu tư Hoa Sen đăng ký bán đúng 20 triệu cổ phiếu HSG.

Nếu giao dịch thành công, ông Vũ sẽ tăng tỷ lệ sở hữu tại Hoa Sen từ 12,22% (tương đương 54,34 triệu cổ phiếu) lên 16,82% (tương đương 74,34 triệu cổ phiếu). Trong khi đó, CTCP TNHH Tập đoàn đầu tư Hoa Sen giảm tỷ lệ nắm giữ từ 20,95% xuống 16,45% HSG (tương đương 73,14 triệu cổ phiếu). Đây là lần thứ 2 trong năm 2020 ông Vũ mua vào cổ phiếu HSG mặc dù theo như ông nói, ông "tiếp tục ở trên núi".

Tỷ phú Thái sắp nhận 530 tỷ đồng tiền mặt từ Vinamilk

Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) vừa công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 với nhiều nội dung quan trọng.

HĐQT Vinamilk sẽ trình Đại hội cổ đông thông qua việc thanh toán cổ tức tiền mặt còn lại của năm 2019 với mức chi 1.500 đồng/cổ phiếu. Ngày chốt danh sách cổ đông là 30/6 và việc thanh toán diễn ra ngày 15/7.

Tổng số tiền Vinamilk bỏ ra để chia cổ tức lần này là 2.612 tỷ đồng. Đây là đợt chia cổ tức thứ 3 của Vinamilk trong năm tài chính 2019. Cộng với hai đợt tạm ứng cổ tức trước đó, tổng số tiền cổ tức doanh nghiệp đã chi cho cổ đông là 7.836 tỷ, tương đương 74% lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty mẹ.

Trong cơ cấu sở hữu hiện tại của Vinamilk, cổ đông lớn nhất là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) với 36% cổ phần. Nhóm F&N của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, ông chủ ThaiBev và Sabeco, sở hữu 20,4% vốn Vinamilk. Cổ đông lớn còn lại là quỹ Platinum Victory với 10,6% cổ phần.

Như vậy, trong đợt chia cổ tức tới đây, SCIC sẽ nhận về 940 tỷ đồng, nhóm cổ đông của tỷ phú Thái thu 530 tỷ đồng còn quỹ Platinum hưởng 280 tỷ đồng.

Minh Thái

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/dai-gia/dai-gia-viet-phong-tay-ty-phu-thai-bon-tien-nho-vinamilk-3405751/