Đại gia Việt lọt top 3 thế giới, kiếm nghìn tỷ từ Âu, Mỹ

Doanh nghiệp của đại gia 'Năng Do Thái' tiếp tục ghi nhận lợi nhuận kỷ lục mới trong năm khó khăn đại dịch và giữ vững vị trí top 3 thế giới, với dòng tiền chính từ Mỹ và Âu.

Công ty Cổ phần Vicostone (VCS) của ông Hồ Xuân Năng (Năng Do Thái) vừa tổ chức đại hội cổ đông với báo cáo cho thấy doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2021 đều đạt kỷ lục mới, đều tăng khoảng 25% so với năm trước lên tương ứng 7.070 và 2.097 tỷ đồng.

Doanh nghiệp sản xuất đá nhân tạo Vicostone ghi nhận mức lợi nhuận cao nhất lịch sử hoạt động trong bối cảnh năm 2021 đơn vị này gặp nhiều thách thức do việc giãn cách nghiêm ngặt, vận tải hàng hóa toàn cầu.

Vicostone tiếp tục tập trung vào các các thị trường trọng điểm bao gồm Bắc Mỹ và châu Âu thông qua việc phát triển thành công hệ thống bán hàng gián tiếp thông qua các đối tác phân phối lớn và gần đây là xây dựng hệ thống phân phối trực tiếp.

Vicostone là một trong số các doanh nghiệp niêm yết trên sàn tập trung chủ yếu vào mảng hoạt động kinh doanh lõi. Hiện doanh nghiệp này nằm trong top 3 nhà sản xuất đá thạch anh toàn cầu.

Đại hội cổ đông Vicostone thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2021 với tỷ lệ trả cổ tức 40%. Đây là năm thứ 7 liên tiếp Vicostone chi trả cổ tức trên 40% hàng năm bằng tiền mặt và cổ phiếu quỹ.

Trong năm 2022, Vicostone đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 15% lên hơn 2,4 nghìn tỷ đồng.

Ông Hồ Xuân Năng, chủ tịch Vicostone.

Vicostone cũng được biết đến là doanh nghiệp hiếm có trên thế giới chủ động được nguyên liệu đầu vào, là thạch anh và hóa chất kết dính. Đây là nguyên nhân giúp doanh nghiệp cắt điều tiết và cắt giảm được chi phí, không bị ảnh hưởng nhiều bởi biến động giá cả trên thế giới như giá dầu thời gian qua.

Nhiều doanh nghiệp tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2021 khó khăn vừa qua.

Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC) của ông Đặng Thành Tâm ghi nhận lợi nhuận 2021 đạt 955 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ cho dù KBC bị ảnh hượng nặng bởi việc đại dịch Covid-19 bùng phát tại các địa bàn như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, TP.HCM…,

KBC cũng đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất năm 2022 dự kiến đạt 9.800 tỷ đồng và tổng lợi nhuận hợp nhất sau thuế đạt 4.500 tỷ đồng, lần lượt gấp 2,3 lần và gấp 5 lần so với kết quả ước đạt trong năm 2021.

Vận tải biển Hải An (HAH) ghi nhận lợi nhuận sau thuế công ty mẹ là 446 tỷ, tăng 223% so với năm 2020.

Trong quý I, nhiều doanh nghiệp và ngân hàng tiếp tục báo lãi lớn. Có ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng gấp 3 lần. Theo SSI Research, có 12/13 ngân hàng được dự báo kết quả lợi nhuận tăng trưởng dương. VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế khoảng 11 nghìn tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường bớt tiêu cực

Theo BSC, diễn biến hồi phục ngắn hạn chưa giúp VN-Index quay lại xu hướng tăng điểm nhưng đã giải tỏa tâm lý và mở ra kỳ vọng chỉ số có thể quay lại ngưỡng cân bằng quanh 1.420 điểm sau kỳ nghỉ Lễ.

Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng, sau chuỗi giảm mạnh 8 phiên liên tiếp, VN-Index đã có nhịp hồi phục liên tiếp 4 phiên, giúp xu hướng ngắn hạn giảm bớt tiêu cực. Tuy nhiên đợt hồi phục hiện tại đang thiếu sự ủng hộ của thanh khoản, thể hiện ở khối lượng khớp lệnh bình quân trong 4 phiên hồi phục dưới 15 tỷ đồng/phiên. Kháng cự ngắn hạn của VN-Index là vùng 1.390-1.400 trong khi hỗ trợ ngắn hạn là vùng 1.260-1.280. VN-Index đang có mức P/E là 15,2, gần với mức trung bình 10 năm là 15,03 lần. Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn đang ở mức 0 (trung tính).

Trong khi đó, theo VDSC, thị trường có phiên hồi phục thứ 4 với sự cải thiện về mức độ tăng điểm và dòng tiền tham gia. Mặc dù vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên, thanh khoản trên cả 3 sàn đều tăng lên khá tốt so với 2 phiên trước, cho thấy lòng tin của nhà đầu tư vào chiều tăng của thị trường chung đang được nâng lên. Với diễn biến tiếp nối nhịp hồi phục, dự kiến VN-Index sẽ tiếp tục hướng đến và kiểm tra vùng cản 1.390 +/- 10 điểm trong thời gian tới. Do vậy, nhà đầu tư có thể tiếp tục kỳ vọng nhịp hồi phục được nới rộng sau dịp lễ. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là cơ hội để cơ cấu lại danh mục theo hướng giảm thiếu rủi ro, nhà đầu tư nên hạn chế mua đuổi cổ phiếu và chủ động cơ cấu trong những nhịp tăng mạnh của thị trường.

Chốt phiên 29/4, chỉ số VN-Index tăng 15,81 điểm lên 1.366,8 điểm. HNX-Index tăng 5,62 điểm lên 365,83 điểm. Upcom-Index tăng 1,61 điểm lên 104,31 điểm. Thanh khoản đạt 21,1 nghìn tỷ đồng, trong đó có 18,8 nghìn tỷ đồng trên sàn HOSE.

V. Hà

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chung-khoan-4-5-dai-gia-viet-lot-top-3-the-gioi-kiem-nghin-ty-tu-au-my-2015529.html