Đại gia tuổi Hợi ngồi tù, QCGL mượn tiền lãnh đạo

Đại gia ngân hàng tuổi Hợi ngồi tù, thiếu gia, ái nữ tuổi Hợi kế nghiệp gia đình, Quốc Cường Gia Lai mượn tiền người thân lãnh đạo...

Đại gia tuổi Hợi ngồi tù

Hàng loạt những ông chủ ngành ngân hàng vướng vòng lao lý và đưa ra xét xử trong năm Mậu Tuất, trong đó có một số đại gia tuổi Hợi như Trầm Bê, Trần Phương Bình...

Liên quan đến những sai phạm của Phạm Công Danh, không thể không nhắc đến Trầm Bê, "ông trùm tuổi Hợi" trong ngành tài chính ngân hàng sinh năm 1959 tại Trà Vinh. Khi bị bắt, Trầm Bê đang giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng tín dụng, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank.

Đại gia ngân hàng Trầm Bê

Trong vụ án liên quan Phạm Công Danh giai đoạn II, ông Trầm Bê lĩnh án 4 năm tù về tội “cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” vào tháng 9/2018.

Mặc dù đang ở tù song những tháng cuối năm Mậu Tuất 2018, cơ quan CSĐT đã khởi tố bị can Trầm Bê để điều tra hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, liên quan tới "siêu lừa" Dương Thanh Cường.

Một trong những cựu lãnh đạo ngân hàng tuổi Hợi khác bị khởi tố và xét xử trong năm Mậu Tuất là ông Trần Phương Bình, Phó Chủ tịch HĐQT DongABank.

Theo đó, ông Bình đã gây thiệt hại lên tới 3.600 tỷ cho ngân hàng này.

Tháng 12/2018, bị cáo Trần Phương Bình bị tòa tuyên án chung thân cho hai tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

HĐXX đánh giá bị cáo Trần Phương Bình là người chủ mưu, chỉ đạo các nhân viên dưới quyền và các công ty sân sau thực hiện hàng loạt hành vi sai phạm nên phải chịu trách nhiệm hình sự lớn nhất đối với các hành vi này. Đồng thời, ông Bình cũng phải chịu trách nhiệm dân sự đối với những thiệt hại mà ông và các đồng phạm gây ra.

Sau đó đúng 1 tuần, ông Trần Phương Bình và 9 cựu cán bộ Ngân hàng Đông Á tiếp tục bị khởi tố tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, liên quan đến việc ngân hàng này chi lãi ngoài cho một số tổ chức gửi tiền tại ngân hàng Đông Á.

Thiếu gia, ái nữ tuổi Hợi kế nghiệp kinh doanh gia đình

Những cái tên có thể kể ra ở đây là Minh Nhựa, Louis Nguyễn, Nguyễn Ngọc Huyền My...

"Minh Nhựa” tên thật là Phạm Trần Nhật Minh, Phó Tổng giám đốc Nhựa Long Thành, được biết đến là một thiếu gia nổi tiếng tại TP. HCM với việc sở hữu nhiều siêu xe trị giá hàng chục tỷ đồng khiến cho giới chơi xe tại Việt Nam kiêng dè.

Doanh nhân này sở hữu một bộ sưu tập siêu xe thuộc hàng “khủng” nhất cả nước, có thể kể đến như Bugatti Veyron, Lamborghini Murcielago LP670-4 SV, Lamborghini Aventador SV, McLaren 650S Spider, Maserati Granturismo MC Stradale, Ferrari 488 GTB, Rolls-Royce Ghost và Rolls-Royce Phantom…

Góp mặt trong danh sách các thiếu gia, ái nữ tuổi Hợi còn có Louis Nguyễn, sinh năm 1983, có tên Việt Nam là Nguyễn Quốc Khánh. Cha của Louis là ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP), mẹ là bà Cristina Serrano, cháu họ của phu nhân cựu Tổng thống Philipines Imelda Marcos.

Louis Nguyễn biết nói 4 thứ tiếng: Anh, Tây Ban Nha, Philipines và Việt Nam, là một doanh nhân bản lĩnh và được chứng minh năng lực khi đảm nhận vai trò quản lý và điều hành nhiều công ty thành viên thuộc tập đoàn IPP.

Tài giỏi, giàu có, nhưng với tính cách trầm lặng, Louis Nguyễn chỉ thực sự được dư luận chú ý khi chính thức sánh đôi cùng “ngọc nữ” Tăng Thanh Hà.

Nguyễn Ngọc Huyền My, ái nữ của bà Nguyễn Thị Như Loan, dù không giữ chức vụ chủ chốt tại Quốc Cường Gia Lai, cũng không nổi đình nổi đám như anh trai mình là Nguyễn Quốc Cường, song cô được coi như “cánh tay phải”, cố vấn cho bà Như Loan trong những vấn đề lớn.

Huyền My cũng là cổ đông lớn thứ hai (sau bà Loan), nắm 39,4 triệu cổ phần, tương đương 14,3% vốn Quốc Cường Gia Lai, so với vỏn vẹn 0,2% của người anh trai.

Bản thân Huyền My hiện đứng tên một số doanh nghiệp quan trọng trong hệ sinh thái Quốc Cường Gia Lai, nổi bật là Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc Cường Land với vai trò phát triển và phân phối các dự án bất động sản cho Quốc Cường Gia Lai.

Ngoài những cái tên kể trên còn có Đỗ Minh Đức, sinh năm 1983, là một trong hai người con của ông Đỗ Minh Phú, ông chủ của Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, cũng là Chủ tịch HĐQT TPBank. Hiện anh là Ủy viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc phụ trách khối Kinh doanh, Marketing Tập đoàn DOJI.

Doãn Chí Thanh (sinh năm 1983) là con trai ông Doãn Tới, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt (ANV). Nam Việt có lĩnh vực kinh doanh chính là chế biến xuất khẩu cá tra, cá basa đông lạnh.

CEO SeABank Lê Thu Thủy sinh năm 1983, có thâm niên làm việc hơn 10 năm tại nhà băng này và nhiều năm kinh nghiệm làm việc ở các tổ chức tài chính ngân hàng quốc tế.

Quốc Cường Gia Lai mượn tiền người thân lãnh đạo

Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán: QCG) cho biết, nợ phải trả tại thời điểm cuối năm đã giảm hơn 350 tỷ đồng, còn chưa đến 6.900 tỷ đồng. Chiếm hơn 70% trong số này là các khoản phải trả ngắn hạn. Bên cạnh thực hiện các khoản vay ngân hàng nhằm mục đích bổ sung vốn lưu động, doanh nghiệp này còn mượn tiền của các cá nhân và tổ chức hơn 580 tỷ đồng.

Trong năm 2018, Quốc Cường Gia Lai đã tất toán nhiều khoản tiền mượn của Công ty Bất động sản Hiệp Phú, Nhà Hưng Thịnh, CVH Sparkle... nên danh mục giảm 1.140 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Dù chưa giải quyết hết tiền mượn của bà Nguyễn Ngọc Huyền My – con gái Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Như Loan, nhưng công ty cũng đã hoàn trả gần 130 tỷ đồng. Bù lại, số tiền mượn từ bà Loan lại tăng lên gần 310 tỷ đồng.

Minh Thái (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/dai-gia/dai-gia-tuoi-hoi-ngoi-tu-qcgl-muon-tien-lanh-dao-3374329/