'Đại gia' trên giấy

Một thời gian sau khi xảy ra câu chuyện 'siêu doanh nghiệp' đăng ký kinh doanh với số vốn 144 ngàn tỷ đồng, tại TP HCM, lại tiếp tục xuất hiện một 'siêu doanh nghiệp' khác với số vốn đăng ký khủng hơn: 500 ngàn tỷ đồng, tương đương 28 tỷ USD.

Theo dữ liệu từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (DN), một người đàn ông 35 tuổi đăng ký thành lập một loạt Cty trong tháng 5/2021, trong đó có một Cty có cụm từ “Tập đoàn Đầu tư Toàn cầu”, vốn điều lệ 500 ngàn tỷ đồng.

Bố cáo của Cty này cho thấy, có 3 cổ đông sáng lập, hai người kia mỗi người góp 1 tỷ; còn lại “đại gia” này góp 499.999 tỷ đồng.

Câu chuyện thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, vị “đại gia” này là ai mà có tới gần 500 ngàn tỷ đồng, vượt xa những tập đoàn lớn của Nhà nước và tư nhân như EVN, Vingroup, Vinamilk, Vietcombank…

Báo chí đã tìm đến Cty trên tìm hiểu. Tại “siêu Cty” chỉ là căn nhà cấp 4 tại vùng ven trung tâm Sài Gòn, vị “đại gia” tự tin cho rằng mình “sẽ góp vốn đủ 499.999 tỷ đồng trong 90 ngày theo quy định”.

Người này cũng cho rằng đang xây dựng một “hệ sinh thái” để phát triển vươn ra toàn cầu, dù các Cty chỉ mới thành lập từ cuối tháng 5 đến nay. Về việc huy động, ông chủ “siêu DN” này cho rằng mình có thể có tới 14 triệu khách hàng trên toàn cầu, có rất nhiều cách như bán các sản phẩm của DN đang có ra thị trường; huy động từ nhà đầu tư trong và ngoài nước hoặc bán cổ phần của Cty…

Trong vụ doanh nghiệp 144 ngàn tỷ tại Hà Nội, sự thật cho thấy sau này Cty đã đổ lỗi là “ghi nhầm”. Còn sự thật trong vụ 500 ngàn tỷ này thế nào, ít ngày sau sẽ rõ. Tuy nhiên, tất cả các chuyên gia tài chính, pháp lý đều có cùng nhận định: Chỉ có 0,00000001% khả năng “đại gia” trên có được 500 ngàn tỷ đồng, nghĩa là tương đương khả năng “trời sập”, khó ngàn lần hơn bị sét đánh hay trúng số…

Nếu không có cổ phiếu trên sàn chứng khoán, tiền gửi tiết kiệm ngân hàng, bất động sản… thì huy động vốn từ nhà đầu tư trong nước mà không có tên tuổi, danh tiếng, thương hiệu thì vài ngàn đồng mua cái kẹo mút cũng không dễ; còn huy động từ nhà đầu tư nước ngoài cũng không thể từ số 0, chưa kể thủ tục đăng ký đầu tư nước ngoài, dòng ngoại hối ra vào cũng không đơn giản. Vốn vay ngân hàng thì sao? Không ngân hàng nào dễ dàng giải ngân cho vay với những DN mới thành lập, chưa chứng minh được hiệu quả kinh doanh. Việc góp vốn đầu tư lại càng không.

Cứ “nổ banh xác” để làm gì? Có ý kiến cho rằng đây là một chiêu trò để nổi tiếng. Vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây là cơ quan quản lý cần nghiên cứu bỏ quy định DN phải ghi rõ số vốn điều lệ vào hồ sơ đăng ký thành lập.

Bởi con số đăng ký chỉ là ảo, phần vốn góp vào thực tế bao nhiêu mới đúng bản chất. Giờ nếu DN đăng ký vốn điều lệ cả triệu tỷ đồng nhưng sau 90 ngày không góp đủ vốn đã đăng ký thì mức phạt cao nhất cũng chỉ 20 triệu đồng, tốn công cơ quan chức năng phải giám sát.

Theo nhiều chuyên gia, nhiều nước trên thế giới khi đăng ký thành lập DN cũng chỉ cần ghi tên Cty, mã số thuế và trụ sở. Vốn điều lệ là yếu tố không cần thiết. Một số lĩnh vực có điều kiện cụ thể như ngân hàng, bảo hiểm thì mới cần đòi hỏi nguồn lực thật “tiền tươi thóc thật” ở thời điểm thành lập, là vốn pháp định và mới cần phải ghi rõ trong hồ sơ đăng ký.

Minh Khang

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/dai-gia-tren-giay-d157502.html