Đại gia thủy sản Tòng 'Thiên Mã' chiếm đoạt hơn 147 tỷ đồng hầu tòa

Tòng 'Thiên Mã' thừa nhận đã báo cáo khống tài chính nhưng ngân hàng cần phải phân định khoản vay nào là chăn nuôi, khoản vay nào là xuất khẩu. Đồng thời, bị cáo Tòng nhấn mạnh rằng mình vay tiền là để nuôi cá chứ không phải để mua cá.

Bị cáo Tòng tại tòa ngày 10/9.

Ngày 10/9, TAND TP Cần Thơ tiếp tục xét xử vụ đại gia thủy sản Tòng “Thiên Mã’ chiếm đoạt của ngân hàng trên 147 tỷ đồng.

Các bị cáo bao gồm: Phan Bá Tòng (44 tuổi, nguyên Giám đốc Cty TNHH Xuất nhập khẩu thủy sản Thiên Mã); Trần Thị Diễm (48 tuổi, nguyên Kế toán trưởng) bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Nguyễn Thị Mai (Trưởng Phòng Tín dụng xuất khẩu VDB Chi nhánh Cần Thơ), Lâm Chí Công (Phó Phòng tín dụng xuất khẩu VDB Cần Thơ) và Huỳnh Thanh Trúc (Cán bộ tín dụng VDB Cần Thơ) bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo hồ sơ vụ án, Cty Thiên Mã có quan hệ tín dụng với Ngân hàng Phát triển Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (tạm gọi là Ngân hàng VDB Cần Thơ) từ năm 2008. Trong đó gồm có tín dụng đầu tư (TDĐT) và tín dụng xuất khẩu (TDXK). Cty vay TDĐT 120 tỷ để xây dựng nhà máy chế biến thủy sản Thiên Mã 3

Đối với khoản vay TDXK, từ năm 2008, giữa VDB và Thiên Mã đã ký 17 hợp đồng. Các hợp đồng chủ yếu được đảm bảo bằng tài sản hình thành từ vốn vay thông qua các hợp đồng mua bán cá xuất khẩu, tiền gửi cầm cố và các tài sản bất động sản.

Qua điều tra, xác định, trong việc vay và sử dụng các khoản tiền vay TDXK, từ hợp đồng ngày 2/1/2019, Phan Bá Tòng cùng Trần Thị Diễm đã có những hành vi gian dối để vay tiền, sử dụng tiền vay không đúng mục đích nhằm chiếm đoạt tiền của ngân hàng.

Cụ thể, Tòng đã sử dụng tiền vay ở 13 Khế ước nhận nợ để mua hàng và xuất khẩu nhưng khi thu được tiền từ bán hàng thì Tòng không trả nợ cho ngân hàng như ký kết mà lại trả nợ cho ngân hàng Việt Á và ngân hàng Indovina. Đến hạn tất toán, do không có tiền trả, Tòng đã chỉ đạo Diễm tạo các hợp đồng, chứng từ mua bán cá nguyên liệu khống để lập hồ sơ vay, chứng minh mục đích sử dụng vốn và dùng làm tài sản đảm bảo để tiếp tục vay tiền. Đồng thời, lập giả kết quả báo cáo kinh doanh từ thua lỗ thành có lãi.

Với thủ đoạn trên, bị cáo Tòng đã chiếm đoạt hơn 147 tỷ đồng của ngân hàng VDB Cần Thơ. Hành vi đó đã cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm a, khoản 4 Điều 139 BLHS năm 1999.

Tại phiên tòa, bị cáo cho rằng cáo trạng nêu chưa đúng bản chất của sự việc, đồng thời xác định mình chỉ nợ ngân hàng tiền vay nuôi cá, không phải nợ tiền xuất khẩu.

“Tôi đang nợ là nợ xuất khẩu nuôi trồng chứ không phải xuất khẩu chế biến. Ngân hàng đã thu nợ sai mục đích. Từ ngày 8/3/2010 – 7/3/2011 ngân hàng giải ngân 330 tỷ, tôi đã trả cho ngân hàng là 353 tỷ, ngân hàng không dùng số tiền tôi trả vào phần tín dụng mua cá xuất khẩu chế biến. Ngân hàng lấy tiền đó thu vào hợp đồng 2009 là tiền nợ mua cá, cho nên tài sản và các chứng từ mua cá trở thành khống”, bị cáo nói và thừa nhận đã báo cáo khống tài chính nhưng ngân hàng cần phải phân định khoản vay nào là chăn nuôi, khoản vay nào là xuất khẩu.Theo đó, bị cáo khẳng định, mình vay tiền để nuôi cá chứ không phải để mua cá.

Về phần bị cáo Diễm cho rằng, do Tòng không nói cụ thể là lãi bao nhiêu, nên Diễm đã tự cân đối, quyết toán cho ra con số lãi hơn 6 tỷ đồng. Trong khi đó thực tế doanh nghiệp này lỗ hơn 107 tỷ (2009). Sau đó, Diễm tiếp tục làm theo chỉ đạo của Tòng để thực hiện các thủ đoạn gian dối báo cáo tài chính cho đến năm 2011. Đồng thời, bị cáo Diễm cho rằng, mình chỉ là người làm công ăn lương, làm theo chỉ đạo của Tòng chứ không hưởng lợi ích từ việc chiếm đoạt này.

Ngoài ra, các bị cáo Mai, Công, Trúc là những người có trách nhiệm thẩm định, xét duyệt, đề xuất cho Cty Thiên Mã vay theo 2 Khế ước nhưng các bị cáo đã không làm đúng quy định.

Bị cáo Trúc biện bạch, “Tôi là cán bộ tín dụng, nhiệm vụ của tôi là làm theo chỉ thị của lãnh đạo. Tôi chỉ được giao xem xét hồ sơ, không được chỉ đạo thực hiện việc tổ chức thu thập thông tin. Đối với hành vi không kiểm tra đầy đủ các điều kiện giải ngân đối với doanh nghiệp này, trong quá trình ngưng cho vay, khi kiểm tra thì thấy doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường, vẫn có doanh thu nhưng không giải quyết trả nợ cho ngân hàng. Cho nên, cấp trên đã có chủ trương giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, để doanh nghiệp có điều kiện trả nợ cho ngân hàng”.

Bị cáo Mai nói mình chỉ làm theo quy định, trong quá trình lập hồ sơ cho vay, bà đã tin tưởng vào bộ phận điều tra rà soát.

Theo kết luận điều tra bổ sung, CQĐT xác định thiệt hại của VDB Cần Thơ đã tính trừ số tiền có thể được khắc phục từ giá trị công trình xây dựng trên đất và máy móc thiết bị dây chuyền sản xuất của Cty Thiên Mã 3 dùng thế chấp một phần cho các hợp đồngTDXK, trị giá 26,28 tỷ đồng cùng với giá trị 2 Quyền sử dụng đất thế chấp là 909 triệu.

Kết luận điều tra và cáo trạng thống nhất, xác định số tiền Tòng chiếm đoạt là hơn 147 tỷ. Tính trừ đi các tài sản thế chấp còn lại mà VDB đang quản lí thì số tiền ngân hàng còn bị Tòng chiếm đoạt là trên 120 tỷ.

Phiên tòa dự kiến diễn ra trong nhiều ngày. Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này!

Diễm Kiều

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/xet-xu/dai-gia-thuy-san-tong-thien-ma-chiem-doat-hon-147-ty-dong-hau-toa-411735.html