Đại gia thanh toán Trung Quốc quyết phủ bóng thị trường Hồng Kông

Nếu Alipay của Ant Financial và WeChatPay của Tencent có thể mở rộng vào Hồng Kông và giành được nhiều khách hàng mới, khả năng họ cũng làm được điều đó ở châu Âu hay Mỹ.

Ảnh: Bloomberg

Logo của Alipay bắt đầu xuất hiện 2 năm trước đây tại sân bay Hồng Kông để chào đón những người du khách đến từ Trung Quốc thích sử dụng ứng dụng thanh toán rất quen thuộc với họ ở quê nhà.

Những tháng gần đây, taxi ở Hồng Kông bắt đầu có logo Alipay, giờ đây đến cả nhiều cửa hàng kinh doanh khác.

Tất cả những gì được nói đến ở trên là dấu hiệu về một cuộc chiến ở Hồng Kông, nó sẽ được coi như thử nghiệm rằng liệu các công cụ thanh toán của hệ thống tài chính phương Tây dựa trên ngân hàng, thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ có chiến thắng những ứng dụng đã thống trị cách chi tiêu của người dân khắp Trung Quốc hay không.

Nếu Alipay của Ant Financial và WeChatPay của Tencent có thể mở rộng vào Hồng Kông và giành được nhiều khách hàng mới, khả năng họ cũng làm được điều đó ở châu Âu hay Mỹ.

Chuyên gia nghiên cứu về công nghệ tài chính tại công ty kiểm toán E&Y, ông James Lloyd, nói: “Chắc chắn nơi đây sẽ trở thành một chiến trường. Trong vòng từ 12 đến 24 tháng tới, chúng ta sẽ phải chứng kiến mảng thanh toán của người tiêu dùng và thị trường ngân hàng bán lẻ thay đổi”.

Hai ứng dựng thanh toán trên trở nên phổ biến tại Trung Quốc đại lục bởi nó mang đến lựa chọn thay thế cho hàng triệu người không được các ngân hàng phục vụ, họ có thêm một cách mới để cất giữ và tiêu tiền thông qua điện thoại di động.

Tính đến cuối quý 4/2018, các ứng dụng thanh toán đã xử lý giao dịch giá trị khoảng 37,7 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng 5,9 nghìn tỷ USD tại Trung Quốc, con số này tăng 28% so với 3 tháng trước đó, theo công ty nghiên cứu Analysys International.

Trong đó, Alipay chiếm 54% thị phần còn Tencent chiếm 38% thị phần.

Khác với Trung Quốc đại lục, Hồng Kông có hệ thống ngân hàng theo kiểu châu Âu rất phát triển, cũng như cả thẻ Octopus dùng thay thế. Những tấm thẻ sặc sỡ này được sử dụng cho phương tiện giao thông công cộng hoặc trong các cửa hàng tiện lợi. Giờ đây, ứng dụng thanh toán từ Trung Quốc đang đe dọa thay đổi thị trường này.

Tại Hồng Kông, dù muốn dù không, các nhà kinh doanh chịu nhiều áp lực phải chấp nhận ứng dụng này. Khách du lịch đến từ Trung Quốc đại lục chiếm khoảng 72% chi tiêu của những khách lưu trú qua đêm tại thành phố trong năm 2017, tức tương đương khoảng 16,5 tỷ USD.

Khách đại lục đua nhau mua mỹ phẩm, hàng xa xỉ và nhiều mặt hàng khác. AlipayHK giờ đang có khoảng 1 triệu người sử dụng. Liên doanh công ty thanh toán tại Hồng Kông được thiết lập giữa Alipay và tập đoàn CK Hutchison Holdings của ông Lý Gia Thành, người được mệnh danh giàu có nhất Hồng Kông.

Một ví dụ khác cho thấy sự thâm nhập của hai "ông lớn" mảng thanh toán đến từ đại lục là taxi. Bao lâu nay, taxi ở Hồng Kông chỉ chấp nhận tiền mặt, thế nhưng cũng có một số bắt đầu chấp nhận thanh toán thông qua ứng dụng chia sẻ taxi. Alipay và WeChatPay đã thu hút các tài xế taxi bằng nhiều chương trình hỗ trợ, chính vì vậy, nhanh chóng, logo của hai công ty trên xuất hiện trên taxi Hồng Kông.

Cách xa Hồng Kông hàng ngàn dặm, các ngân hàng Mỹ đang cố gắng củng cố vị thế để đón đầu sự gia nhập của các ứng dụng thanh toán. Trong năm ngoái, nhiều ngân hàng Mỹ bao gồm JP Morgan Chase và Bank of America cùng liên kết xây dựng ứng dụng thanh toán có tên Zelle.

Các công ty thẻ tín dụng trong khi đó cố gắng chiều khách hàng hơn, khiến cho họ băn khoăn khi muốn dùng ứng dụng thanh toán.

Còn Alipay vẫn đang tiếp tục tìm đường vào Mỹ, ban đầu để giúp cho khách du lịch Trung Quốc. Cuối năm ngoái, logo của Alipay bắt đầu xuất hiện trên taxi ở New York.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/the-gioi/dai-gia-thanh-toan-trung-quoc-quyet-phu-bong-thi-truong-hong-kong-3451521.html