Đại gia SSG 'mắc cạn' 6 năm và số phận kỳ lạ của dự án Mỹ Đình Pearl

Sau 6 năm ấp ủ 'Bắc tiến', chỉ đến mới đây, đại gia địa ốc Sài Gòn là Tập đoàn SSG mới hiện thực hóa được giấc mơ đầu tư dự án tại thị trường Hà Nội. Thế nhưng, dự án Mỹ Đình Pearl của đại gia SSG đang gây ra nhiều tranh cãi tại thị trường Hà Nội.

Đại gia địa ốc SSG phải mất đến 6 năm trong hành trình "Bắc tiến" mới triển khai được dự án Mỹ Đình Pearl. Ảnh Thiều Quang.

6 năm "mắc cạn"

Trước năm 2010, khi thị trường bất động sản có sự tăng trưởng “bong bóng”, các doanh nghiệp ngành Dầu khí đều là những “đại gia” bất động sản, bởi sự tham gia đầu tư mạnh tay trong lĩnh vực “ngoài ngành” là địa ốc.

Tuy nhiên, sau khi bong bóng địa ốc “xì hơi”, doanh nghiệp ngành Dầu khí phải thoái vốn ngoài ngành, đã để lại nhiều hệ quả cho nhiều dự án.

Đầu năm 2010, liên doanh doanh Công ty Cổ phần BĐS Dầu khí Việt Nam - SSG (PV-SSG) được thành lập bởi 5 cổ đông sáng lập là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (6%), Tổng công ty xây lắp Dầu khí Việt Nam (25%), Tổng CTCP Bảo hiểm Dầu khí (10%), Ngân hàng TMCP Đại Dương (10%) và CTCP Tập đoàn SSG (49%) được thành lập với vốn điều lệ ban đầu là 6 tỷ đồng để đầu tư, xây dựng và kinh doanh dự án khách sạn, văn phòng và căn hộ tại khu đất rộng 3,8ha tại ô đất X3 thuộc xã Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm.

Việc SSG nắm giữ phần lớn cổ phần tại doanh nghiệp này cho thấy tham vọng mở rộng đầu tư tại thị trường Hà Nội của Tập đoàn SSG.

Thế nhưng, do không nắm được quyền chi phối nên khi thị trường rơi vào suy thoái, lãnh đạo cổ đông sáng lập tại Ngân hàng TMCP Đại Dương rơi vào vòng lao lý, dự án đã bị “đắp chiếu” và tham vọng “Bắc tiến” của SSG đã bị “mắc cạn”.

Năm 2015, trước đòi hỏi tái cấu trúc ngành Dầu khí, các doanh nghiệp “họ” Dầu khí rầm rộ thoái vốn khỏi bất động sản. Theo đó, các cổ đông sáng lập thuộc ngành Dầu khí tại PV – SSG cũng lần lượt công bố bán cổ phần và thoái vốn khỏi PV - SSG.

Theo tìm hiểu, đến cuối năm 2015, Tập đoàn SSG đã chiếm tỷ lệ cổ phần chi phối (81,2%), Ngân hàng TMCP Đại Dương (8%); Công ty CP hạ tầng Fecon (6%) và PVN (4,8%).

Sắp tới, cơ cấu cổ đông tại PV – SSG rất có thể sẽ tiếp tục thay đổi vì mới đây, PVN đã công bố tiếp tục thoái vốn khỏi PV – SSG, khi chào bán 2,4 triệu cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng/cp với giá khởi điểm 10.080 đồng/cp.

Mỹ Đình Pearl vừa xong phần móng, hiện là dự án có giá bán cao nhất trong số các dự án ngoài vành đai 3 tại Hà Nội . Ảnh Thiều Quang

Mỹ Đình Pearl vừa xong phần móng, hiện là dự án có giá bán cao nhất trong số các dự án ngoài vành đai 3 tại Hà Nội . Ảnh Thiều Quang

Nhiều tranh cãi giá bán

Trước khi chính thức triển khai dự án Mỹ Đình Pearl, Tập đoàn SSG đã là một tên tuổi lớn trong lĩnh vực bất động sản tại TP. Hồ Chí Minh.

Cụ thể, tại TP. Hồ Chí Minh, SSG đã xây dựng được thương hiệu bất động sản Pearl với một chuỗi dự án cao cấp, như: Sài Gòn Pearl, Thảo Điền Pearl, dự án Pearl Plaza… Các dự án do SSG đầu tư đều có mức giá bán rất cao.

Tại Hà Nội, dự án Mỹ Đình Pearl cũng được SSG triển khai theo mô típ các dự án thành công tại thị trường TP. Hồ Chí Minh. Dĩ nhiên, giá bán căn hộ tại dự án này cũng được định vị rất cao, hiện dao động từ 33 triệu – 38 triệu đồng/m2 căn hộ.

Với mức giá này, căn hộ Mỹ Đình Pearl là dự án căn hộ có vị trí ngoài vành đai 3 và không thuộc khu vực trung tâm, nhưng có giá bán cao hơn cả giá bán nhiều dự án căn hộ thuộc khu trung tâm như Thanh Xuân, Cầu Giấy.

Mức giá dự án Mỹ Đình Pearl vì thế, gây ra nhiều tranh cãi tại thị trường Hà Nội trong thời gian gần đây, khi nhiều người cho rằng, SSG đã bán quá cao thương hiệu Pearl tại dự án Mỹ Đình Pearl.

Trao đổi với BizLIVE, một đại diện marketing Tập đoàn SSG tại Hà Nội cho biết: Tại TP. Hồ Chí Minh, SSG là doanh nghiệp có danh tiếng trong lĩnh vực địa ốc.

Tại Hà Nội, Mỹ Đình Pearl là dự án “đầu tay” trong hành trình “Bắc tiến” của SSG. Vì thế, SSG đang làm mọi thứ để khẳng định thương hiệu, cũng như tên tuổi của mình tại dự án đầu tay này.

Theo tìm hiểu của BizLIVE, liên doanh PV – SSG được thành lập với mục đích phát triển dự án duy nhất có quy mô 3,8ha tại lô đất X3 Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm). Để triển khai được dự án này, Tập đoàn SSG phải mất đến 6 năm. Vì thế, rất có thể đây sẽ là dự án duy nhất trong hành trình “Bắc tiến” của SSG tại Hà Nội.

Chuyện đại gia địa ốc phía Nam tấn công thị trường Hà Nội

[Cổ phiếu nổi bật tuần] PHC - cổ phiếu “hạt tiêu” ngành xây dựng

Những dự án bất động sản sa lầy của PVC

THIỀU QUANG

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/dia-oc/dai-gia-ssg-mac-can-6-nam-va-so-phan-ky-la-cua-du-an-my-dinh-pearl-2495638.html