Đại gia Phú Yên vẫn chưa được 'giải cứu' khỏi cục nợ nghìn tỷ

Dù đã 4 lần điều chỉnh giá khởi điểm cho khoản nợ hơn 2.000 tỷ của 'bông hồng vàng' Phú Yên song BIDV và VAMC vẫn thất bại trong việc cố 'đẩy' nó sang cho nhà đầu tư khác.

Công ty Cổ phần Bán đấu giá Lam Sơn vừa thông báo tổ chức bán đấu giá lần thứ tư khoản nợ của công ty Cổ phần Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng cá nhân, trong đó có bà Võ Thị Thanh – Chủ tịch HĐQT Thuận Thảo.

Khoản nợ hiện là tài sản thuộc sở hữu của công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) – chi nhánh Phú Tài.

Tổng dư nợ của nhóm khách hàng trên là 2.378 tỷ đồng, trong đó tại VAMC là 1.905 tỷ đồng (gốc 939 tỷ đồng, lãi 966 tỷ đồng) và BIDV Phú Tài là 473 tỷ đồng (gốc 269 tỷ đồng, lãi 204 tỷ đồng).

Lô đất 100B Bùi Thị Xuân, quận 1 rộng 275,04 m2, diện tích xây dựng 131,08 m2, diện tích sàn 212,82 m2.

Tài sản đảm bảo cho khoản vay là trụ sở của công ty Thuận Thảo Nam Sài Gòn ở 100B Bùi Thị Xuân, quận 1, TP.HCM, hai mảnh đất rộng 22 ha ở thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh và 5,2 triệu cổ phiếu Thuận Thảo (GTT) mang tên bà Võ Thị Thanh - Giám đốc công ty.

Giá khởi điểm cho khoản nợ trong đợt đấu giá sắp diễn ra vào giữa tháng 11 xấp xỉ 844 tỷ đồng.

Để tham gia bỏ phiếu gián tiếp, tổ chức hoặc cá nhân phải nộp trước hơn 120 tỷ đồng.

Đây là lần thứ tư BIDV và VAMC rao bán khoản nợ này. Trước đó, hồi tháng 5/2018, khoản nợ này từng được mang ra rao bán một lần với giá khởi điểm là 845 tỷ đồng và ngày cuối nhận hồ sơ là 18/5.

Tuy nhiên đến ngày 18/5, BIDV quyết định gia hạn thời gian nhận hồ sơ đến ngày 29/5 và thay đổi giá khởi điểm là 1.208 tỷ đồng, tăng thêm 363 tỷ đồng so với quyết định trước đó. Nguyên nhân đưa ra là do đến hạn 18/5 nhưng có ít tổ chức đăng ký đấu giá và BIDV đã xác định lại giá của tài sản thu hồi từ công ty Thuận Thảo.

Lần thứ hai, buổi đấu giá được ấn định vào ngày 24/8/2018. Giá khởi điểm được lùi về 1.147 tỷ đồng, tương đương mức giảm 5% song vẫn thất bại do đã quá hạn đăng ký và nộp tiền đặt cọc (ngày 23/8) nhưng vẫn không có cá nhân, đơn vị nào đăng ký tham gia.

Lần thứ ba, phiên đấu giá được dự kiến diễn ra vào ngày 20/9 với mức giá khởi điểm 1.090 tỷ đồng song kết cục không khả quan hơn lần trước.

Lãnh đạo công ty Bán đấu giá Lam Sơn từng cho biết, trước ngày đấu giá, đơn vị này nhận được một số đề nghị cung cấp thông tin chi tiết về tài sản và cũng có 4-5 nhà đầu tư đến xem nhưng đánh giá mức khởi điểm không phù hợp.

Trước đó, như báo Người Đưa Tin đã phân tích, lô 5,2 triệu cổ phiếu GTT của bà Võ Thị Thanh vốn là một “miếng bánh khó nuốt” bởi vì nó có thị giá chỉ vài trăm đồng một cổ phiếu và gần như không có thanh khoản trong thời gian gần đây.

Khu đất 100B Bùi Thị Xuân rộng 275,04m2 từng nhiều lần được rao bán trên các trang mạng với giá trên dưới 100 tỷ đồng. Như vậy, so với khoản nợ hơn 2.000 tỷ thì cổ phiếu và khu đất trụ sở này không giá trị là bao.

Do đó, giá trị tài sản của Thuận Thảo chủ yếu còn dựa vào hai lô đất tại thị trấn Tân Túc, gồm lô thứ nhất tại khu phố 2 rộng 165.902,5 m2 và lô thứ hai rộng 54.142,5 m2 ở khu phố 4.

Tuy nhiên giá đất tại khu vực này gần đây đã sụt giảm nhiều và trên địa bàn gần như rất ít dự án bất động sản được triển khai. Một số chuyên gia nhận định, thị trường bất động sản ở Tân Túc rất khó sôi động trong ngắn hạn.

Do đó mà khối tài sản của doanh nhân từng được mệnh danh là “bông hồng vàng” Phú Yên này sau nhiều lần đem rao bán vẫn ế ẩm.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dai-gia-phu-yen-van-chua-duoc-giai-cuu-khoi-cuc-no-nghin-ty-a410487.html