Đại gia Nguyễn Xuân Đông chi nghìn tỷ 'thâu tóm' Vinaconex đang tích cực vay ngân hàng?

Hôm nay là hạn cuối An Quý Hưng của ông Nguyễn Xuân Đông phải nộp đủ 7.400 tỷ cho SCIC, nếu không kết quả phiên đấu giá cổ phần Vinaconex mà doanh nghiệp này là đơn vị trúng giá sẽ bị hủy bỏ. Tuy nhiên, với vay nợ 634 tỷ và vốn điều lệ 500 tỷ, An Quý Hưng sẽ rất khó vay vốn ngân hàng 6.800 tỷ để nộp cọc.

SCIC và Viettel - hai cổ đông lớn của của Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam – Vinaconex (Mã CK: VCG) đã thoái toàn bộ sở hữu thông qua hai phiên đấu giá trên sở HNX vào cuối tháng 11. Phiên đấu giá 57,7% vốn của Vinaconex do SCIC sở hữu đã tổ chức thành công khi xác định một nhà đầu tư bỏ ra gần 7.400 tỷ đồng, cao hơn 1.900 tỷ đồng so với quy mô tính theo giá khởi điểm. Danh tính nhà đầu tư này là Công ty TNHH An Quý Hưng của ông Nguyễn Xuân Đông, một doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản có đăng ký kinh doanh tại Chương Mỹ, Hà Nội.

Tuy nhiên, cũng như những nhà đầu tư khác tham gia hai phiên đấu giá, quy mô tài sản An Quý Hưng của ông Nguyễn Xuân Đông thấp hơn rất nhiều so với quy mô đợt chào bán cổ phần của SCIC và cũng kém xa số tiền mà chính nhà đầu tư này đưa ra để thâu tóm Vinaconex. Bên cạnh đó, kể từ đầu tháng 11 đến nay, doanh nghiệp này đã liên tục vay nợ ngân hàng với quy mô hàng trăm tỷ đồng.

Ông Nguyễn Xuân Đông, đại gia chi nghìn tỷ "thâu tóm" Vinaconex

Cụ thể, trong hơn 20 ngày từ 1.11 đến 22.11, trước thời điểm phiên đấu giá cổ phần Vinaconex diễn ra, An Quý Hưng của ông Nguyễn Xuân Đông đã vay thêm ngân hàng gần 200 tỷ đồng, bằng một nửa số dư nợ đã phát sinh trước đó. Dư nợ của doanh nghiệp này tính đến ngày 22.11 đạt hơn 634 tỷ đồng, cao hơn so với mức hơn 460 tỷ tại thời điểm cuối tháng 10.

Trong các hợp đồng tín dụng đã ký, ngân hàng cho An Quý Hưng vay nhiều nhất là Indovina chi nhánh Thiên Long với dư nợ tính đến 22.11 là hơn 330 tỷ đồng, VPBank cũng cho doanh nghiệp này vay gần 146 tỷ đồng, còn lại là khoản vay từ ba ngân hàng khác với giá trị từ 32 tỷ đồng đến 60 tỷ đồng.

Một tuần trước phiên đấu giá cổ phần Vinaconex, doanh nghiệp này cũng tăng vốn thêm 140 tỷ đồng, từ 360 tỷ lên 500 tỷ đồng, với cơ cấu cổ đông giữ nguyên là ông Nguyễn Xuân Đông và vợ là bà Đỗ Thị Thanh.

Theo giới thiệu tại website công ty, An Quý Hưng là một doanh nghiệp đặt trụ sở tại Chương Mỹ, Hà Nội, hoạt động chỉnh trong lĩnh vực bất động sản. Doanh nghiệp này đã có kinh nghiệm thi công gần 60 dự án lớn, nhỏ cho các đối tác trong và ngoài nước, trong đó có tới gần 50 nhà máy có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Dù hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nhưng những năm gần đây, An Quý Hưng của ông Nguyễn Xuân Đông đã đẩy mạnh tham gia vào các đợt thoái vốn Nhà nước. Trong năm 2015, An Quý Hưng đã cạnh tranh với Thaigroup của bầu Thụy trong phiên đấu giá cổ phần khách sạn Kim Liên cũng do SCIC là đơn vị chào bán. Tuy nhiên công ty này đã thất bại khi Thaigroup đã "bạo tay" chi hơn 1.000 tỷ đồng.

Trên lĩnh vực bất động sản, An Quý Hưng của ông Nguyễn Xuân Đông đã từng tham gia hợp tác đầu tư vào dự án tòa nhà hỗn hợp Văn Phú Complex tại Hà Nội cùng với Văn Phú Invest (VPI). Tuy vậy, An Quý Hưng đã rút khỏi dự án này chỉ sau một thời gian ngắn tham gia. Ngoài ra, An Quý Hưng còn thành lập ra công ty bất động sản An Quý Hưng Land chuyên phân phối các sản phẩm bất động sản.

Người đứng đầu doanh nghiệp này là ông Nguyễn Xuân Đông. Sinh năm 1966, ông Đông không chỉ là ông chủ của An Quý Hưng mà còn từng nắm giữ khá nhiều vị trí quan trọng của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán.

Trong giai đoạn từ tháng 4.2014 đến tháng 4.2017, ông Nguyễn Xuân Đông là thành viên HĐQT của CTCP Vimeco (Mã CK: VMC), doanh nghiệp này cũng là thành viên của Vinaconex và nằm trong danh sách thoái vốn. Vimeco cũng là chủ đầu tư dự án chung cư CT4 Vimeco tại Cầu Giấy, Hà Nội.

Ngoài ra, từ tháng 4.2018 đến nay, ông Nguyễn Xuân Đông là thành viên HĐQT của một doanh nghiệp bất động sản khác là CTCP Đầu tư Hải Phát (Mã CK: HPX).

Dù đã liên tục vay và tăng vốn thêm cả trăm tỷ đồng trước phiên đấu giá cổ phần của Vinaconex, tuy nhiên, số tiền này cũng chỉ tương đương với khoản đặt cọc tham gia phiên đấu giá mới đây, hơn 540 tỷ đồng, bằng 10% giá trị lô cổ phiếu tính theo giá khởi điểm.

Doanh nghiệp này cần phải thu xếp thêm ít nhất 6.800 tỷ đồng để hoàn tất việc thâu tóm Vinaconex, dù vậy theo các quy định cho vay từ các tổ chức tín dụng, với quy mô vốn điều lệ 500 tỷ và tổng tài sản hơn nghìn tỷ đồng, An Quý Hưng của ông Nguyễn Xuân Đông sẽ khó có thể thu xếp được số vốn này nếu chỉ sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng. Một số chuyên gia cho rằng, có thể doanh nghiệp sẽ cần huy động từ những nguồn bên ngoài khác, có thể là vay từ cá nhân hoặc tổ chức.

Ngọc Lan

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/dai-gia-nguyen-xuan-dong-chi-nghin-ty-thau-tom-vinaconex-dang-tich-cuc-vay-ngan-hang-935970.html