Đại gia kín tiếng của Gateway, chủ Thaco xuống tay nghìn tỷ

Chủ tịch trường Gateway là đại gia 8X kín tiếng, ông chủ của Thaco chi nghìn tỷ để mua cổ phiếu công ty bầu Đức... là tin tức nổi bật trong tuần.

Đại gia kín tiếng làm Chủ tịch Gateway

Giữa vụ việc trường quốc tế Gateway có học sinh lớp 1 tử vong do bị để quên trên xe ô tô, thông tin về người chủ của ngôi trường này dần được hé lộ.

Theo Cổng thông tin Quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp, hiện có 2 doanh nghiệp cùng mang thương hiệu Edufit là: Công ty Cổ phần Giáo dục Edufit và Công ty Cổ phần Tập đoàn Giáo dục Quốc tế Edufit.

Đây là 2 thực thể hoàn toàn khác nhau (thành lập 2017) nhưng đều có người đại diện pháp luật mang tên: Trần Thị Hồng Hạnh.

Trong khi đó, Trường Phổ thông liên cấp Quốc tế Gateway (Gateway International School) là một thương hiệu thuộc sở hữu của Tập đoàn Giáo dục Edufit do bà Trần Thị Hồng Hạnh (1982) làm đại diện pháp luật. Bà Hạnh cũng là Chủ tịch Hội đồng Nhà trường Gateway International School.

Bên cạnh đó, chi nhánh Thái Bình của Công ty Cổ phần Giáo dục Edufit có địa chỉ trùng hoàn toàn với trụ sở của Công ty Cổ phần Tập đoàn Giáo dục quốc tế Edufit: Lô 06/100, tổ 34, Phường Trần Lãm, Thành phố Thái Bình, Tỉnh Thái Bình, Việt Nam.

Cả 2 doanh nghiệp đều đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là giáo dục mầm non, cùng một số ngành kinh doanh giáo dục khác.

Bà Trần Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch trường Gateway

Bà Trần Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch trường Gateway

Edufit có một số cổ đông chính là Công ty Cổ phần Phát triển Giáo dục Icorp, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Nam Triều và Công ty Cổ phần Lữ hành Quốc tế Fuyou. Cả 3 cổ đông này đều liên quan đến bà Trần Thị Hồng Hạnh.

Edufit của bà Hạnh còn sở hữu hệ thống Trường mầm non quốc tế Sakura Montessori (SMIS), với 9 trường đã mở trên phạm vi toàn quốc. Hệ thống có trụ sở chính tại KĐT mới Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội. Bên cạnh đó là các trường ở Lương Yên, Thụy Khuê, Hà Đông (Hà Nội); Ngô Quyền và Dương Kinh (Hải Phòng); 1 ở Quảng Ninh và 1 ở Quận 2, TP.HCM.

Cũng trên cổng thông tin doanh nghiệp, bà Trần Thị Hồng Hạnh còn là đại diện một loạt các doanh nghiệp: Công ty Cổ phần Hợp tác Giáo dục Việt Nam, Công ty Cổ phần Zusso Việt Nam, Công ty Cổ phần Giáo dục nguồn sáng...

Tỷ phú USD Trần Bá Dương chi nghìn tỷ mua cổ phiếu công ty bầu Đức

Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đã có thông báo về việc hoàn tất bán ra 60 triệu cổ phiếu HNG của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico.

Lượng cổ phiếu trên đã được bán hết thông qua phương thức thỏa thuận. Như vậy, tỷ lệ sở hữu của HAGL tại HAGL Agrico đã giảm về 51,04%, tương đương nắm giữ gần 452,7 triệu cổ phiếu.

Trong khi đó, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải - Thaco cũng đã công bố mua vào thành công 50 triệu cổ phiếu HNG, nâng tỷ lệ sở hữu cá nhân tại đây từ 3,38% lên 9,02%.

Hiện ông Dương đã chính thức trở thành cổ đông cá nhân lớn nhất tại HAGL Agrico. Đồng thời, ông là cổ đông lớn thứ 3 tại công ty nông nghiệp này sau HAGL (51,04%) và Công ty CP Hưng Thắng Lợi Gia Lai (10,49%).

Ngoài cá nhân ông Dương sở hữu 80 triệu cổ phiếu HNG, các công ty có liên quan vị tỷ phú này như Thaco, Trân Oanh cũng đang sở hữu lượng lớn cổ phần tại đây.

Tổng cộng, ông Trần Bá Dương và nhóm công ty liên quan đang sở hữu hơn 166 triệu cổ phiếu HNG, tương đương 18,76% vốn doanh nghiệp.

Đại gia Mai Hữu Tín quyết "giết chết" thương hiệu Gỗ Trường Thành

Lãnh đạo TTF - ông Mai Hữu Tín mới đây trong phát biểu tại diễn đàn M&A 2019 cho biết, khi mua lại Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành, ông và cộng sự buộc phải tính toán để “giết chết” thương hiệu đó vì có nhiều vấn đề, nhiều lỗi, không thể giữ lại; nếu giữ lại sẽ ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp hậu M&A cũng như quyền lợi cổ đông.

Để có thể giữ mã chứng khoán TTF, U&I Group (đơn vị bỏ vốn ra để mua lại cổ phần TTF, nơi ông Mai Hữu Tín là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc) đã quyết định đổi tên tiếng Anh của TTF là ToTal Furniture Corporation.

Với thương vụ M&A giữa TTF với Sứ Thiên Thanh vừa qua, ông Tín đặt mục tiêu đưa TTF thành “thương hiệu nội thất số 1 Đông Nam Á”, dù khép lại nửa đầu năm 2019, TTF đang ghi nhận lỗ ròng 290,5 tỷ đồng, lỗ thuộc về công ty mẹ 285,4 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến 30/6 lên mức 2.408 tỷ đồng.

Đại gia Đặng Thành Tâm vui trở lại

Sau một thời gian dài chìm sâu, đại gia giàu nhất một thời Đặng Thành Tâm dồn dập đón tin vui.

Theo đó, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) của ông Đặng Thành Tâm đã công bố kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý II/2019 với mức lãi khủng gần 410 tỷ đồng, tăng gấp 6,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu thuần quý II cũng tăng khoảng 3 lần lên 1,07 ngàn tỷ đồng, trong đó có khoản tăng thêm 460 tỷ đồng từ cho thuê đất và chuyển nhượng bất động sản nhờ tình hình kinh doanh khu công nghiệp thuận lợi.

Công ty cũng đã có kế hoạch chia cổ tức sau nhiều lần trì hoãn.

Chỉ tính riêng trong vòng 1 năm qua, cổ phiếu KBC đã tăng 45%, vốn hóa của KBC tăng thêm 2,4 ngàn tỷ đồng. Túi tiền của ông Đặng Thành Tâm theo đó cũng tăng lên thêm khoảng 400 tỷ đồng.

Không chỉ KBC, cổ phiếu Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) của chị gái ông Đặng Thành Tâm - bà Đặng Thị Hoàng Yến - cũng bất ngờ tăng trần lên mức cao nhất trong vòng 1 năm qua.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/dai-gia/dai-gia-kin-tieng-cua-gateway-chu-thaco-xuong-tay-nghin-ty-3385419/