Đại gia để dự án nghìn tỷ Hà Nội Westgate bỏ hoang 10 năm là ai?

Dự án Khu đô thị Hà Nội Westgate (Quốc Oai, Hà Nội) được giao cho một công ty chi nhánh của Gami Group làm chủ đầu tư từ năm 2008, nhưng đến năm 2013, dự án này lại được cấp Giấy chứng nhận đầu tư mới có sự 'góp mặt' của doanh nghiệp nước ngoài… nhưng tới nay dự án vẫn là bãi đất hoang.

Dự án nghìn tỷ trên giấy

Năm 2008, dự án Khu đô thị Hà Nội Westgate (tên cũ là khu đô thị và dịch vụ phía Tây Quốc Oai) có quy mô diện tích khoảng 44,4ha thuộc thị trấn Quốc Oai và xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai được UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) giao Công ty CP tài chính và phát triển doanh nghiệp (chi nhánh của tập Gami Group) làm chủ đầu tư; UBND tỉnh Hà Tây đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, cho phép đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị và có quyết định về việc giao đất chính thức cho công ty trên.

Tháng 12.2011, UBND TP Hà Nội chấp thuận cho Công ty CP tài chính và phát triển doanh nghiệp tiếp tục triển khai đầu tư dự án. Tuy nhiên chủ đầu tư này không tự đầu tư được dẫn đến dự án bỏ hoang nhiều năm.

Sau 10 năm giao đất, dự án Khu đô thị Hà Nội Westgate nghìn tỷ vẫn là những bãi đất bỏ hoang. (Ảnh: T.Kháng)

Sau 10 năm giao đất, dự án Khu đô thị Hà Nội Westgate nghìn tỷ vẫn là những bãi đất bỏ hoang. (Ảnh: T.Kháng)

Đến tháng 10.2013, UBND TP Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH liên doanh Hà Nội Westgate (liên doanh giữa Công ty CP tài chính và phát triển doanh nghiệp và Công ty Keppel Land Ivestment Hà Nội Pte.Lte) đầu tư dự án Khu đô thị Hà Nội Westgate. Tiến độ thực hiện dự án là 5 năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Tưởng chừng dự án được “cứu sống” từ doanh nghiệp nước ngoài, nhưng Hà Nội Westgate hết thời gian thực hiện vẫn không được triển khai và chỉ là những bãi đất trống được quây hàng rào sơ sài… suốt nhiều năm qua.

Tháng 10.2018 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có văn bản Thông báo Kết luận của tập thể lãnh đạo UBND TP về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Hà Nội Westgate. Trong đó, thống nhất điều chỉnh 4 nội dung trong chủ trương đầu tư; điều chỉnh nhà đầu tư; diện tích thực hiện dự án là 45,2ha (tăng hơn so với ban đầu: 44,4ha); tăng tổng vốn đầu tư từ 2.970 tỷ đồng lên 2.995 tỷ đồng (trong đó chủ đầu tư góp vốn 742 tỷ đồng, vốn huy động/ vốn vay tăng từ 2.228 tỷ đồng lên 2.256 tỷ đồng); thời gian thực hiện là quý 4.2018 cà đưa công trình vào sử dụng từ quý 4.2023.

Ghi nhận của PV Dân Việt, đầu quý 1.2019 này, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống, không có công nhân thi công.

Lãnh đạo UBND xã Ngọc Mỹ cũng cho biết, dự án vẫn chưa hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng. Riêng trên địa bàn xã này vẫn còn khoảng 4 hộ dân chưa đồng ý nhận đền bù, bàn giao đất.

Thay cả tên, đổi cả chủ… vẫn “nằm im”?

Thực tế, bất động sản 2013 có nhiều biến động trong chiến lược đầu tư của các đại gia địa ốc. Sau nhiều năm trong cơn suy thoái, tình hình tài chính kiệt quệ, dự án đình trệ,…dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải bán bớt dự án, hoặc liên doanh hợp tác đầu tư để cơ cấu lại dòng tiền, “thay máu” dự án bất động sản vì thế đã trở nên khá sôi động trong thời gian gần đây.

Kỳ vọng lớn khi có thêm doanh nghiệp nước ngoài tham gia nhưng dự án tới nay vẫn bỏ hoang. (ảnh T.Kháng)

Chiếu vào dự án Hanoi Westgate, sau nhiều năm không thể thực hiện dự án, năm 2012, công ty TNHH liên doanh Hanoi Westgate (liên doanh giữa Công ty CP tài chính và phát triển doanh nghiệp với phía nước ngoài là Công ty Keppel land Investment (Hanoi) Pte. Ltd, Sigapore) được thành lập với mục tiêu để đầu tư xây dựng Khu đô thị Hanoi Westgate tại huyện Quốc Oai để kinh doanh bán và cho thuê. Trong đó, bên phía Việt Nam góp 40% vốn điều lệ bằng chi phí bỏ trước (kinh phí giải tỏa, đền bù, tái định cư) liên quan đến khu đất dự án, doanh nghiệp nước ngoài góp 60% vốn điều lệ bằng tiền mặt.

Nói về lý do thành lập công ty liên doanh, trong công văn số 81/BXD-HĐXS của Bộ Xây dựng gửi Sở kế hoạch và Đầu tư Hà Nội tháng 1.2012 nêu: “Ngày 14.12.2011, UBND TP Hà Nội chấp thuận cho Công ty CP tài chính và phát triển doanh nghiệp tiếp tục triển khai đầu tư dự án theo văn bản số 10881/UBND-GT, tuy nhiên đến nay chủ đầu tư này không tự đầu tư mà liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài là Công ty Keppel land Investment (Hanoi) Pte. Ltd, Singapore thực hiện dự án vì vậy phải được UBND TP Hà Nội chấp thuận”.

Tuy nhiên, dù đã thay tên, đổi chủ các dự án Hanoi Westgate vẫn để dự án “nằm trên giấy”, gây bức xúc trong dư luận và lãng phí tài nguyên đất… Điều đáng nói, dự án không bị thu hồi mà còn được điều chỉnh chủ trương đầu tư, tăng diện tích khiến dư luận xôn xao về doanh nghiệp chủ đầu tư.

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, Công ty CP tài chính và phát triển doanh nghiệp là một chi nhánh là chi nhánh của Gami Group do ông Nguyễn Tiến Dũng làm chủ. Bên cạnh tên tuổi là nhà phân phối xe hơi của nhiều thương hiệu lớn tại Việt Nam, Gami Group còn có tiếng vang trong lĩnh vực ngân hàng và bất động sản.

Đơn cử như, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Gami Group từng đảm nhận vai trò Tổng giám đốc Ngân hàng VPBank (năm 2001-2002). Đồng thời, tập đoàn cũng có cổ phần lớn tại Ngân hàng NaViBank trước khi ngân hàng này đổi tên thành Ngân hàng Quốc Dân (NCB).

Đến năm 2014, vai trò Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Quốc Dân NCB liên tục được chuyển giao lần lượt cho ông Vũ Hồng Nam, một lãnh đạo của Gami Group và bà Trần Hải Anh (vợ ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Gami) đảm nhận. Từ năm 2017 đến nay, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Gami Group, đã được bầu làm Chủ tịch NCB thay vợ mình.

Tuy nhiên, NCB sau nhiều năm được điều hành bởi nhân sự cao cấp của Gami Group, nhưng tình hình kinh doanh không mấy sáng sủa.

Ở lĩnh vực bất động sản, với danh mục dự án bất động sản trải dài từ Việt Trì, Hà Nội, Phú Yên, Gia Lai, đến Phú Quốc… Gami Group được đánh giá là một “đại gia” bất động sản.

Ngoài dự án Hà Nội Westgate, Gami được biết đến với các dự án như: khu đô thị Ecoriver Park Đà Nẵng, với quy mô gần 60ha, tổng vốn đầu tư 250 triệu USD; Dự án Resort Phú Quốc, với quy mô 34,9ha ta tại Bãi Trường; Dự án khu phố mới Hoa Lư, TP. Pleiku, Gia Lai với quy mô 15,6ha; Dự án đô thị mới Hùng Vương, TP Tuy Hòa, Phú Yên với quy mô 10,4ha; Dự án Tuần Châu (Quảng Ninh)…

Mặc dù sở hữu hàng chục dự án bất động sản, với tổng đầu tư lên đến hàng tỷ USD. Tuy nhiên, ở lĩnh vực bất động sản, cái tên Gami Group vẫn không được mấy người biết đến. Theo tìm hiểu, hầu hết các dự án lớn của Gami làm chủ đầu tư đến nay vẫn chưa được triển khai và không có nhiều thông tin được công bố về các dự án này.

Trần Kháng

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/dai-gia-de-du-an-nghin-ty-ha-noi-westgate-bo-hoang-10-nam-la-ai-947854.html