'Đại gia công nghệ' Facebook lại chuẩn bị… hầu tòa

Ngay những ngày đầu năm 2022, 'Big Tech' Facebook đã dính vào nhiều rắc rối pháp lý, trong đó nổi bật nhất là đang phải đối mặt với vụ kiện tập thể trị giá 3,2 tỷ USD với cáo buộc lạm dụng vị thế thống trị thị trường của mình để áp đặt các điều khoản và điều kiện không công bằng đối với những người dùng tại Anh.

Đối mặt với vụ kiện tập thể 3,2 tỷ USD tại Vương quốc Anh

“Gã khổng lồ” Facebook, hiện được gọi là Meta Platforms, đang phải đối mặt với vụ kiện tập thể lên tới 2,3 tỷ bảng (3,2 tỷ USD) ở Vương quốc Anh, với cáo buộc lạm dụng vị trí thống trị thị trường bằng cách khai thác dữ liệu cá nhân của 44 triệu người dùng nước này.

Bà Liza Lovdahl Gormsen, cố vấn cấp cao của Cơ quan Quản lý Hành vi Tài chính Anh (FCA) và là một học giả về luật cạnh tranh, cho biết bà sẽ thay mặt những người dân Anh sử dụng Facebook từ năm 2015-2019 để khởi kiện.

Công ty luật đại diện cho bà Lovdahl Gormsen, Quinn Emanuel Urquhart & Sullivan đã thông báo cho Facebook về khiếu nại của thân chủ. Vụ kiện sẽ do Tòa án về cạnh tranh của London, Anh xét xử.

Theo bà Lovdahl Gornsen, trong 17 năm kể từ khi xuất hiện, Facebook đã trở thành mạng xã hội duy nhất ở Vương quốc Anh - nơi người dùng có thể chắc chắn kết nối với bạn bè và gia đình từ mọi địa điểm.

Tuy nhiên, Facebook đã lạm dụng vị thế thống trị thị trường của mình để áp đặt các điều khoản và điều kiện không công bằng đối với những người dùng tại Anh, cho phép mạng xã hội này khai thác dữ liệu cá nhân của họ.

Bà Lovdahl Gormsen cáo buộc Facebook đã thu thập dữ liệu trong nền tảng của mình và thông qua các cơ chế như Facebook Pixel - cho phép người dùng xây dựng “bức tranh toàn cảnh” về việc sử dụng Internet và tạo hồ sơ dữ liệu sâu, có giá trị cao của họ. Qua những cách thức thu thập thông tin cá nhân như vậy, Facebook bị cáo buộc kiếm lời hàng tỷ bảng Anh.

Theo quy định, hình thức khởi kiện tập thể “lựa chọn không tham gia” như bà Lovdahl Gormsen khởi xướng, tự động ràng buộc một nhóm đối tượng đã xác định vào một vụ kiệntrừ khi các cá nhân lựa chọn không tham gia.

Phía Meta cho biết mọi người dùng sử dụng dịch vụ của họ vì nó mang lại giá trị cho họ. Công ty có “quyền kiểm soát những thông tin họ chia sẻ trên nền tảng của Meta và chia sẻ với ai” trên nền tảng Facebook của Meta.

Vụ việc được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Facebook thất bại trong nỗ lực lật lại vụ kiện chống độc quyền của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC). Đây là một trong những thách thức pháp lý lớn nhất do Chính phủ Mỹ thực hiện đối với một công ty công nghệ trong nhiều thập kỷ qua. Tất cả đặt trong bối cảnh nước này cố gắng kiềm chế tình trạng bành trướng thị trường của Big Tech - bao gồm 4 “đại gia công nghệ lớn”: Google, Amazon, Facebook và Apple.

Bị kiện, bị phạt “như cơm bữa”

Chuyện Facebook bị kiện, dính phạt nặng đến nay đã gần như trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”, nhưng điều đó chả khiến đại gia này mảy may run sợ vì theo nhiều chuyên gia, số tiền phạt chả nhằm nhò gì so với số tiền Công ty này kiếm được đều đặn hàng năm.

Chẳng hạn, cũng tại Anh, Facebook đã từng bị phạt tổng số tiền lên đến 50,5 triệu bảng vì không cung cấp các thông tin được Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường (CMA) của Vương quốc Anh yêu cầu liên quan đến việc mua lại Giphy hồi tháng 10/2021.

Theo Neowin, Facebook và Giphy lẽ ra phải tiếp tục hoạt động như thể họ chưa hợp nhất cho đến khi CMA hoàn tất cuộc điều tra sáp nhập. Để chứng minh cả hai hoạt động như vậy, Facebook buộc phải cung cấp báo cáo cho CMA. Tuy nhiên, Facebook đã giới hạn phạm vi cập nhật này bất chấp cảnh báo từ CMA và do đó họ phải chịu phạt số tiền hơn 50 triệu bảng.

Ngoài ra, Facebook bị phạt thêm 500.000 bảng vì đã thay đổi giám sát trưởng (CCO) hai lần mà không thông qua sự đồng ý từ CMA. Bằng cách hoán đổi CCO, cuộc điều tra của CMA có thể đã bị chậm lại, vì vậy họ tiếp tục phạt Facebook.

Đại diện CMA cho biết: “Lệnh thực thi cưỡng chế ban đầu là một phần quan trọng trong cơ chế kiểm soát sáp nhập tự nguyện của Vương quốc Anh. Các công ty không bắt buộc phải xin CMA phê duyệt trước khi họ hoàn tất việc mua lại, nhưng nếu họ quyết định tiến hành sáp nhập, chúng tôi có thể ngăn lại nếu biết rằng người tiêu dùng có thể bị ảnh hưởng và cần phải điều tra”.

Còn trong những ngày đầu năm 2022 – ngày 6/1, Ủy ban Quốc gia về Tin học và Tự do của Pháp (CNIL) đã quyết định phạt Facebook số tiền 60 triệu euro (68 triệu USD) vì vi phạm quyền riêng tư. Pháp cũng phạt Google số tiền kỷ lục 150 triệu euro, tương đương 169 triệu USD vì lý do tương tự.

Phản ứng trước hình phạt này, người phát ngôn của Facebook cho biết, Công ty này đang đánh giá quyết định của Cơ quan quản lý dữ liệu của Pháp và vẫn cam kết hợp tác với các cơ quan có liên quan. Google và Facebook cũng phải đối mặt với hình phạt 100.000 euro mỗi ngày nếu họ không điều chỉnh các hoạt động của mình trong vòng ba tháng kể từ khi CNIL ban hành quyết định.

Xa hơn một chút, Cơ quan Liên bang về Giám sát Truyền thông, Công nghệ thông tin và Truyền thông đại chúng Nga (Roskomnadzor) ngày 5/10/2021 cho biết, mạng xã hội Facebook đã tuân thủ yêu cầu của Nga gỡ bỏ một số nội dung được cho là “bất hợp pháp”. Song, nhiều khả năng nền tảng xã hội này vẫn phải đối mặt với một khoản tiền phạt lớn do không đáp ứng yêu cầu ngay lần đầu tiên.

Chính quyền Nga trước đó đã cảnh báo phạt Facebook khoản tiền lên tới 10% doanh thu hàng năm tại Nga, nếu trang mạng xã hội này không đáp ứng yêu cầu xóa các nội dung bị cấm bao gồm: tài liệu khiêu dâm, tài liệu có nội dung cực đoan, khuyến khích sử dụng ma túy và tự sát. Theo Cơ quan Roskomnadzor, ước tính doanh thu hàng năm của Facebook tại Nga khoảng từ 12 đến 39 tỷ rúp (tương đương 165 - 538 triệu USD).

Đến ngày 24/12/2021, một tòa án ở Moscow (Nga) đã phạt Meta Platforms 2 tỷ Rub (hơn 27 triệu USD) vì đã không gỡ bỏ những nội dung vi phạm pháp luật của Nga(Công ty công nghệ Google cũng phạt số tiền lên đến 7,2 tỷ Rub, tương đương 98 triệu USD vì lý do tương tự). Đây là lần đầu tiên biện pháp phạt theo doanh thu được áp dụng ở Nga.

Hiện nay, Nga đang siết chặt các quy định đối với nhiều tập đoàn công nghệ và mạng xã hội. Tháng 7/2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký thông qua luật mới, yêu cầu các công ty công nghệ thông tin nước ngoài có lượng truy cập hàng ngày hơn 500 nghìn người phải mở văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại Nga. Nếu vi phạm, sẽ bị chặn một phần hoặc toàn bộ hoạt động. Quy định này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Nhớ lại hồi năm 2019, vào tháng 7, FTC đã thông qua án phạt gần 5 tỷ USD đối với Facebook trong vụ bê bối bảo mật Cambridge Analytica vỡ lở hồi năm 2018. Đây là khoản phạt lớn nhất mà FTC từng áp lên một công ty công nghệ. Số tiền phạt nói trên tương đương khoảng 9% doanh thu năm 2018 của Facebook.

Dù đây là một khoản phạt lớn, bản án dành cho Facebook của FTC vẫn vấp phải sự chỉ trích của nhiều nghị sỹ Quốc hội Mỹ. Chẳng hạn, Hạ nghị sỹ David Cicilline của Đảng Cộng hòa thì gọi mức phạt mà FTC dành cho Facebook là quá “nhẹ tay”. “Khoản phạt này chỉ bằng một phần nhỏ doanh thu hàng năm của Facebook. Khoản phạt sẽ chẳng thể khiến Facebook suy nghĩ lại về trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ dữ liệu người dùng”, ông Cicilline nói trong một tuyên bố.

Lam Hạnh - Hoàng Thư

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/dai-gia-cong-nghe-facebook-lai-chuan-bi-hau-toa-d175377.html