Đại dương: Tầm quan trọng với khí hậu, thời tiết

Tổ chức Khí tượng thế giới (KTTG) chọn chủ đề của Ngày KTTG (23-3) năm nay là 'Đại dương-thời tiết và khí hậu của chúng ta', cho thấy tầm quan trọng của đại dương đối với sự thay đổi của thời tiết và khí hậu...

Nhân dịp này, Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) Trần Hồng Thái để làm rõ các vấn đề xung quanh chủ đề trên.

Phóng viên (PV):Thế kỷ 21 được cho là thế kỷ của đại dương, ông có thông điệp gì muốn gửi đến các cấp, các ngành và người dân để cùng chung tay với ngành KTTV hướng đến mục tiêu phát triển bền vững đại dương-nhân tố chính dẫn đến thay đổi về thời tiết và khí hậu trên thế giới?

Ông Trần Hồng Thái: Đại dương là nơi điều hòa khí hậu và cung cấp môi trường sống cho hàng nghìn sinh vật biển và các dịch vụ liên quan đến biển. Ngày nay, phát triển bền vững đại dương là một trong những mục tiêu quan trọng đối với toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

 Ông Trần Hồng Thái. Ảnh: THANH TÙNG

Ông Trần Hồng Thái. Ảnh: THANH TÙNG

Việt Nam, quốc gia có bờ biển dài 3.260km trải dài từ Bắc xuống Nam, là nơi duy trì và phát triển cho ngành nuôi trồng thủy hải sản. Nếu chúng ta không nhanh chóng từ bỏ những thói quen xấu đã gây tác hại tiêu cực tới môi trường, có lẽ đại dương trong tương lai sẽ “chết”. Sự biến mất từng phần hay toàn bộ đại dương sẽ kéo theo sự mất cân bằng sinh thái, khí hậu và ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống con người. Bởi vậy, mỗi người hãy chung tay xây dựng môi trường biển xanh không rác thải nhựa, tích cực trồng rừng và tái tạo môi trường sống xanh làm giảm nhẹ rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu (BĐKH).

PV: Trước tác động qua lại, ảnh hưởng của khí hậu lên đại dương và ngược lại, để có được những dự báo chính xác về vấn đề này, ứng phó thiên tai và BĐKH, Việt Nam đã và đang thực hiện những công việc gì và đạt kết quả như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Hồng Thái: Để tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, trong thời gian qua, ngành KTTV đã triển khai nhiều nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ liên quan đến hệ thống quan trắc, thông tin dữ liệu, năng lực tính toán, công nghệ dự báo, nguồn nhân lực và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Như với hệ thống quan trắc, ngành KTTV đã triển khai nhiều dự án nhằm tăng cường năng lực quan trắc và truyền tin KTTV, xây dựng trạm ra đa thời tiết hiện đại mới tại Phù Liễn (Hải Phòng), Vinh (Nghệ An), Pha Đin (Lai Châu). Toàn bộ hệ thống ra đa thời tiết trong vài năm tới sẽ hoàn thành việc nâng cấp, bổ sung, có thể phủ sóng toàn bộ đất liền và các vùng biển ven bờ, khu vực biển quần đảo Trường Sa và Phú Quốc cho phép giám sát hoạt động của bão, cảnh báo sớm mưa lớn và phát hiện sớm dông sét.

Với công tác thông tin dữ liệu, chúng ta từng bước nâng cấp mạng thông tin khí tượng toàn cầu, đồng thời triển khai các kênh trao đổi quốc tế về thông tin KTTV. Những thông tin dự báo KTTV được cung cấp đến các cơ quan chỉ đạo phòng, chống thiên tai ở Trung ương và địa phương một cách nhanh chóng bằng hệ thống truyền tin đa phương tiện, hoàn chỉnh. Trong thời gian tới, tổng cục sẽ hoàn thiện trang thiết bị hạ tầng công nghệ thông tin cho Trung tâm Dữ liệu Data Center (DC) tại Hà Nội và đầu tư xây dựng DC mới tại TP Hồ Chí Minh...

Bên cạnh đó, chúng tôi từng bước nâng cao công nghệ dự báo với các giải pháp như nghiên cứu ứng dụng nhiều mô hình số trị hiện đại trong dự báo KTTV và hải văn (dự báo thời tiết, lũ và ngập lụt cho các lưu vực sông khác nhau; mặn xâm nhập; dòng chảy, thủy triều, sóng và nước dâng trong bão), khai thác các nguồn số liệu từ vệ tinh, từ các trung tâm dự báo uy tín trên thế giới như của châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.

Những năm qua, ngành KTTV đã chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực quan trắc, dự báo và thông tin KTTV với nhiều khóa đào tạo dài và ngắn hạn ở trong nước cũng như tại nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Phần Lan, Na Uy... Nhiều cán bộ, viên chức của ngành đã theo học các khóa đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại nước ngoài...

PV:Trân trọng cảm ơn ông!

“Mục tiêu của ngành KTTV đến năm 2030 sẽ phát triển đồng bộ mạng lưới trạm tự động quan trắc về KTTV, hải văn theo hướng tăng dầy mật độ các trạm tự động lên 70% so với số lượng hiện có; ưu tiên phát triển tại các khu vực thường xuyên có nguy cơ xảy ra các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán và mặn xâm nhập”-Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái.

HOÀI LINH (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/dai-duong-tam-quan-trong-voi-khi-hau-thoi-tiet-654765