Đại dự án Vành đai và Con đường: Đường càng rộng, càng nhiều người tham gia?

Vai trò mới của Italy trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) có thể là lời cảnh tỉnh đối với các đồng minh G7 về ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo một chuyên gia kinh tế của Bloomberg dự báo, về lâu dài, vai trò của Trung Quốc trong Sáng kiến này sẽ giảm dần.

Thêm “người chơi”

Hiện tại, nguồn vốn “bơm” cho các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc tài trợ tại nhiều quốc gia chủ yếu đến từ các ngân hàng chính sách như Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc. Quỹ Con đường Tơ lụa (Silk Road Fund) 40 tỷ USD và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) cũng đóng góp, nhưng ở mức độ nhỏ hơn.

Đây chính là cơ hội cho nhiều ngân hàng, quỹ đầu tư trên toàn cầu muốn tham gia vào cuộc cạnh tranh này. Vừa qua, Ngân hàng Standard Chartered của Anh cho biết, họ đang có kế hoạch phân bổ 20 tỷ USD trong những năm tới cho các dự án trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Sự tham gia của các ngân hàng quốc tế với vai trò ngày càng gia tăng trong các dự án cơ sở hạ tầng thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc là không có gì bất ngờ. (Nguồn: Bloomberg)

Trên thực tế, nguồn vốn này chỉ là một “giọt nhỏ trong thùng nước” khi so sánh với số tiền 1.000 tỷ USD của Trung Quốc với tham vọng kết nối nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới bằng đường bộ và đường biển đến những thành phố xa xôi như Nairobi hay Rotterdam mà Chủ tịch Tập Cận Bình từng ấp ủ. Nhưng trong tương lai gần, những khoản đầu tư như của Standard Chartered có thể nhiều hơn.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, các ngân hàng Trung Quốc có thể cần đến sự giúp sức từ phía các ngân hàng nước ngoài. Giao dịch tiền tệ trong ngành xây dựng toàn cầu chủ yếu vẫn bằng đồng USD, mà Bắc Kinh lại không phải là nguồn cung vô tận, đặc biệt khi Trung Quốc đang rơi vào tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai, dòng tiền cũng không thể chảy dễ dàng như trước đây.

“Sự tham gia của các ngân hàng quốc tế với vai trò ngày càng gia tăng trong các dự án cơ sở hạ tầng thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường là không thể tránh khỏi. Các ngân hàng Trung Quốc rồi sẽ đến lúc cạn nguồn tiền”, Martin David, người đứng đầu khu vực châu Á Thái Bình Dương của nhóm dự án Baker McKenzie dự báo.

Đầu tư của Trung Quốc giảm dần

Theo Bloomberg, sau 4 năm gia tăng chóng mặt, từ năm 2017, các hợp đồng mới và đầu tư trực tiếp do Trung Quốc dẫn đầu vào các quốc gia trong Sáng kiến Vành đai và Con đường đang giảm dần.

Và không riêng gì các ngân hàng Trung Quốc phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt. Khi mạng lưới tài trợ mở rộng và các ngân hàng toàn cầu quan tâm tới dự án, các công ty xây dựng Trung Quốc sẽ mất dần lợi thế.

Nếu như trước kia, các công ty này vẫn được quyền miễn trừ hạn ngạch công nhân nước ngoài, cho phép nhập khẩu lao động từ quê hương đến các các quốc gia có dự án thì từ nay, điều này sẽ trở nên khó khăn hơn.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Jean-Claude Juncker từng cho rằng ông không phản đối các dự án của Trung Quốc tại châu Âu nếu bắt gặp cả những công nhân châu Âu trên các công trường xây dựng, ngoài công nhân Trung Quốc.

Bên cạnh đó, theo Citigroup, các ngân hàng quốc tế thường tuân theo các quy tắc quản lý khá nghiêm ngặt và thường nghiêm cấm việc “ưu ái” cho các nhà thầu ưa thích. Ngay cả AIIB có trụ sở tại Bắc Kinh cũng phải tuân thủ quy tắc này.

Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) đang tham gia đóng góp vào nhiều dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tại nước ngoài. (Nguồn: Foreign Policy)

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước giảm tốc, thị trường nội địa chậm lại, đây sẽ là thách thức đối với các công ty xây dựng của Trung Quốc – khi phần nhiều trong số đó là thuộc sở hữu Nhà nước và doanh thu từ thị trường nước ngoài chiếm khá lớn. Theo Công ty Đầu tư Trung Quốc (CICC), riêng trong năm 2017, doanh thu từ thị trường nước ngoài chiếm khoảng 81% tổng doanh thu của Công ty Sinoma International Engineering Co.

Đối với các quốc gia tham gia vào dự án Vành đai và Con đường, nguồn cho vay vì thế sẽ trở nên đa dạng hơn. Hiện lãi suất trung bình của khoản tài trợ đến từ Trung Quốc cho các quốc gia này thường dao động từ 3,5% đến 5%. Chi phí vay có thể lên tới 6% tại các quốc gia như Sri Lanka hay Pakistan.

Theo tổ chức Baker McKenzie, các thống kê của chính phủ Trung Quốc cho thấy, 50 công ty Nhà nước đã đầu tư hoặc tham gia vào gần 1.700 dự án ở các quốc gia dọc theo Vành đai và Con đường trong 3 năm qua. Tương lai, sân chơi này chắc chắn sẽ có thêm sự góp mặt từ phía các nhà đầu tư quốc tế. “Đường càng rộng thì sẽ càng nhiều người tham gia”, một chuyên gia của tổ chức này nhận định.

An Thu

(theo Bloomberg)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-du-an-vanh-dai-va-con-duong-duong-cang-rong-cang-nghieu-nguoi-tham-gia-91448.html