Đại diện VASB: Nghị định 20 nếu tiếp tục áp dụng máy móc sẽ đi ngược chủ trương của Chính phủ

Đại diện VASB cho rằng: 'Nếu Nghị định 20 được áp dụng máy móc như thời gian vừa qua thì vô tình đi ngược lại với chủ trương của Chính phủ'.

Nghị định 20 quy định về quản lý thuế có hiệu lực từ 1/5/2017. Một trong những điểm đáng chú ý chính là quy định về trần chi phí lãi vay.

Cụ thể, tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế (EBITDA). Khi đó, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.

Khó khăn vì hoạt động ký quỹ bị “khống chế”, nhiều công ty chứng khoán mong Nghị định 20 có hướng dẫn cụ thể về việc quy định tính trần chi phí lãi vay. (Ảnh: minh họa)

Khó khăn vì hoạt động ký quỹ bị “khống chế”, nhiều công ty chứng khoán mong Nghị định 20 có hướng dẫn cụ thể về việc quy định tính trần chi phí lãi vay. (Ảnh: minh họa)

Trong suốt hơn 1,5 năm có hiệu lực, Nghị định 20 được đánh giá góp phần hạn chế được các chiêu thức chuyển giá, trốn thuế của một số doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, Nghị định 20 cũng gây không ít hoang mang trong cộng đồng doanh nghiệp nội. Nhiều công ty Nhà nước như Lilama hay các doanh nghiệp địa ốc – những đơn vị sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều đều “kêu cứu” vì Nghị định này sẽ tạo nên hiện tượng dù thua lỗ vẫn phải đóng thuế.

Công ty chứng khoán cũng không tránh khỏi được nghịch lý này. Cuối tháng 4/2019, Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) đã có văn bản kiến nghị gửi Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phản hồi về một số điều chỉnh của Nghị định 20/2017/NĐ-CP.

Trao đổi với phóng viên VTC News, bà Trần Thúy, đại diện VASB cho biết đây không phải lần đầu tiên cơ quan này “kêu cứu”. Trước đó, cách đây hơn 1 năm, cơ quan này cũng đã 3 lần đưa ra kiến nghị nhưng chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào liên quan đến vấn đề này.

Áp trần phí lãi vay không hợp lý

Đại diện VASB chia sẻ Nghị định này đã làm khó không ít lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực chứng khoán. Phân tích với phóng viên VTC News, đại diện này cho biết các công ty chứng khoán có một hoạt động quan trọng, đóng góp nhiều vào doanh thu và lợi nhuận. Đó là hoạt động ký quỹ.

Ký quỹ nghĩa là công ty cho khách hàng vay tiền mua cổ phiếu dựa trên lượng cổ phiếu khách hàng có sẵn trong tài khoản. Và để có thể cho khách vay tiền, công ty chứng khoán phải đi vay từ nhiều nguồn và phải trả tiền lãi.

Từ tháng 5/2017, khi Nghị định 20 có hiệu lực, chỉ tối đa 20% tiền lãi được ghi nhận vào chi phí. Phần còn lại ghi nhận vào doanh thu khiến công ty bị “đánh” thêm thuế nên hoạt động ký quỹ trở nên khó khăn hơn. Kết quả là doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Cần có hướng dẫn cụ thể về Nghị định 20.

“Đồng ý là phải hạn chế khoản vay từ các công ty liên kết, các cổ đông lớn để ngăn ngừa hoạt động chuyển giá nhưng các đơn vị của VASB đa phần đều không vay từ công ty con, từ lãnh đạo hay cổ đông lớn. Phần lớn số tiền họ vay đều từ ngân hàng hoặc trái phiếu. Số tiền này hoàn toàn minh bạch và không thể góp phần chuyển giá được. Vì vậy, áp trần chi phí vay cho cả những khoản vay này là không hợp lý”, đại diện VASB phân tích.

Điểm bất cập thứ hai mà đại diện VASB đưa ra chính là việc áp trần thực sự làm khó doanh nghiệp vì khi ban lãnh đạo lên kế hoạch đầu năm, không ai có thể xác định được chi phí lãi vay chính xác là bao nhiêu và lợi nhuận là bao nhiêu.

Ngoài ra, một công ty chứng khoán cho biết, chỉ vì Nghị định 20, trong năm 2018, doanh nghiệp đã thiệt hại vài chục tỷ đồng, nếu các cơ quan ban ngành tiếp tục không có hướng dẫn cụ thể, rất có thể thiệt hại cho doanh nghiệp sẽ tăng lên.

Áp dụng máy móc, cần có chỉnh sửa

Xác định Nghị định 20 là cần thiết và đúng đắn và ít nhiều chứng minh được sự cần thiết của mình trong hơn 1,5 năm qua nhưng đại diện VASB nhận định cần các cơ quan chức năng cần có hướng dẫn cụ thể hơn để đảm bảo công bằng cho công ty chứng khoán nói riêng và các công ty hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam nói chung.

Theo đại diện VASB, hiện tại, việc tính trần chi phí lãi vay là “vơ đũa cả nắm”. Nghĩa là mức trần đó được áp dụng cho tất cả tiền lãi phát sinh cho mọi khoản vay tại các công ty. Nhưng thực tế cho thấy, nhiều công ty chủ yếu đi vay ngân hàng hoặc trái phiếu. Có công ty có “vay liên kết” nhưng tỷ lệ thấp. Nếu áp trần hết thì rất bất công và không hợp lý.

“Tôi đánh giá Nghị định 20 hoàn toàn đúng đắn và cần thiết nhưng những người trực tiếp thu thuế lại không hiểu rõ vấn đề hoặc quá máy móc nên áp trần cho cả những khoản ‘vay không liên kết’. Vì vậy, VASB kiến nghị các cơ quan chức năng nên có hướng dẫn cụ thể và xác định rõ: Chỉ áp trần chi phí lãi vay cho các khoản ‘vay liên kết’. Còn các khoản vay ngân hàng và trái phiếu thì áp dụng như bình thường”, đại diện VASB bày tỏ mong muốn.

“Chính phủ luôn có chính sách hỗ trợ, tạo mọi cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Đây là chủ trương rất đúng đắn, đáng hoan nghênh của Chính phủ. Nhưng nếu Nghị định 20 được áp dụng máy móc như thời gian vừa qua thì đã vô tình đi ngược lại với chủ trương của Chính phủ”, vị đại diện này nói thêm.

Việt Vũ

Nguồn VTC: https://vtc.vn/dai-dien-vasb-nghi-dinh-20-neu-tiep-tuc-ap-dung-may-moc-se-di-nguoc-chu-truong-cua-chinh-phu-d476363.html