Đại diện Tổ chức Động vật Châu Á 'không kỳ thị những người ăn thịt chó'

Đại diện Tổ chức Động vật Châu Á tại Việt Nam khẳng định không kỳ thị những người ăn thịt chó.

PGS TS Tuấn Bendixsen - Trưởng đại diện Tổ chức Động vật Châu Á tại Việt Nam. Ảnh: PV

Trước những tranh luận liên quan tới việc có nên ăn hay không ăn thịt chó, PGS TS Tuấn Bendixsen - Trưởng đại diện Tổ chức Động vật Châu Á, thành viên của Liên minh bảo vệ chó Châu Á - khẳng định không kỳ thị những người ăn thịt chó.

Trước ý kiến cho rằng ăn thịt chó là một phần văn hóa của người Việt, việc ăn thịt chó đã có từ lâu và là thói quen khá phổ biến, PGS TS Tuấn Bendixsen cho rằng việc ăn thịt chó "không hẳn là vấn đề văn hóa" nên ông từ chối bình luận về việc nên hay không nên ăn thịt chó.

Ông Tuấn cũng đồng tình với ý kiến cho rằng việc sử dụng thịt chó ở Việt Nam đã có từ lâu và việc ăn thịt chó là lựa chọn của mỗi người.

Tuy nhiên, theo đại diện Tổ chức Đông vật Châu Á, tổ chức này nhấn mạnh tới sự tàn bạo trong các khâu của việc sử dụng thịt chó.

Đại diện Tổ chức Động vật Châu Á cũng đưa ra nhiều con số đáng lo ngại liên quan tới việc sử dụng thịt chó, mèo.

Theo đó, năm 2016-2017, Tổ chức ACPA phối hợp với Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương đã thực hiện Chương trình khảo sát bệnh dại trên chó. Chương trình này đã khảo sát 400 mẫu não chó từ 14 lò mổ trên địa bàn Hà Nội.

Kết quả đã phát hiện 1% số mẫu có kết quả dương tính với bệnh dại, nghĩa là cứ 100 cá thể chó được tiêu thụ thì có 1 con có virus bệnh dại.

Theo ông Tuấn, đây là kết quả dịch tễ đáng lo ngại trong công tác phòng chống bệnh dại.

Theo PGS TS Tuấn, hiện nay ở Việt Nam rất khó để nuôi chó trong các trang trại vì chó không phải là động vật nuôi trong trang trại để làm thực phẩm.

“Chó ở Việt Nam phần lớn vẫn được nuôi trong gia đình như con vật để giữ nhà ở nông thôn, hoặc làm thú cảnh ở các thành phố, không thể đánh đồng động vật trang trại như gà lợn bò với chó được”, đại diện Tổ chức Động vật Châu Á nói.

Cũng theo thống kê của Chi cục Thú y TP. Hà Nội, hiện thành phố có khoảng 493 nghìn con chó, mèo, trong đó, với mục đích nuôi để giữ nhà chiếm khoảng 87,5%, còn lại là nuôi với mục đích khác như: Làm cảnh, kinh doanh hoặc làm thực phẩm. Từ đầu năm 2018 đến nay, thành phố đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong vì bệnh dại.

Trước việc UBND TP. Hà Nội ra văn bản kêu gọi người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo vì lo ngại lây các bệnh truyền nhiễm, đại diện Tổ chức Động vật Châu Á tỏ ra vui mừng và ủng hộ hành động này của TP Hà Nội.

Vì theo đại diện Tổ chức Động vật Châu Á, từ bỏ thói quen ăn thịt chó là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, khi việc sử dụng thịt chó làm thực phẩm giảm thì việc giết thịt chó, mèo cũng sẽ giảm theo và nguy cơ lây nhiễm các bệnh nguy hiểm từ chó, mèo cũng bớt đi.

Thành Trung

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/dai-dien-to-chuc-dong-vat-chau-a-khong-ky-thi-nhung-nguoi-an-thit-cho-630635.ldo