Đại diện nhóm đào Pi ở Việt Nam lên truyền hình để tranh luận

Hôm 5/3, buổi thảo luận xoay quanh chủ đề tiền điện tử Pi Network được tổ chức bởi VTV với sự tham gia của Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn và ông Bùi Tài, đại diện cộng đồng chơi Pi.

Tuy mới bắt đầu bước vào giai đoạn chạy thử nghiệm từ đầu năm 2019, đến nay, Pi Network đã trở thành đồng tiền điện tử thu hút sự quan tâm của đông đảo người dùng trên thế giới. Hiện dự án này tuyên bố đang hoạt động với hơn 13 triệu thành viên toàn cầu và bắt đầu chạy thử nghiệm thêm những tính năng mới.

Pi coin không được đào trên điện thoại

Mở đầu buổi thảo luận hôm 5/3, Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công nghệ Blockchain, đồng thời là Trưởng Lab Blockchain thuộc Học viện Bưu chính Viễn thông, một lần nữa khẳng định các ý kiến của ông liên quan đến Pi đều khách quan và dựa trên góc độ nghiên cứu. TS. Tuấn cho biết bản thân chưa từng khẳng định Pi Network là dự án lừa đảo.

Thời gian trước đó, việc một số người chơi Pi hiểu nhầm quan điểm của TS. Tuấn đã khiến ông hứng chịu nhiều chỉ trích cá nhân.

 Thông tin ứng dụng trên điện thoại đào được Pi coin là chưa chính xác. Ảnh: Minh Khánh.

Thông tin ứng dụng trên điện thoại đào được Pi coin là chưa chính xác. Ảnh: Minh Khánh.

“Tại thời điểm hiện nay, không có chuyện ứng dụng Pi Network có thể xác thực giao dịch trên điện thoại như trên quảng cáo. Bên cạnh đó, hầu hết dự án tiền điện tử đều mở mã nguồn, minh bạch dữ liệu, tuy nhiên tôi không thấy điều đấy ở dự án này”, TS. Tuấn tiếp tục giữ quan điểm về dự án Pi.

Trong trường hợp dự án không minh bạch mã nguồn, nhà đầu tư không thể xác định được các giao dịch diễn ra trong quá trình dự án hoạt động. Từ đó, không ai có thể biết liệu những người sáng lập Pi Network có tự phân phối riêng cho bản thân hàng triệu, thậm chí hàng tỷ đơn vị Pi hay không.

“Giá trị của một đồng tiền điện tử được được bản vị theo niềm tin hoặc vật chất cụ thể. Nếu muốn tạo được niềm tin, đồng tiền đó cần sự minh bạch”, TS. Tuấn nói.

Đại diện cho cộng đồng ủng hộ Pi, ông Bùi Tài thừa nhận khái niệm “đào” Pi trên điện thoại chưa chính xác. Thực chất, việc người dùng truy cập ứng dụng Pi Network trên smartphone là để điểm danh.

“Quá trình điểm danh trên Pi tương tự việc chấm công. Sau 24 tiếng, chúng ta phải điểm danh một lần. Chúng ta điểm danh để nhận được số công ứng với số công chúng ta đóng góp”, ông Bùi Tài chia sẻ.

Pi Network chưa công bố tổng cung

Theo nội dung trong sách trắng Pi Network, nhóm phát triển dự án sẽ nhận được 25% đơn vị Pi/tổng cung khi đồng tiền điện tử này lên sàn.

Trả lời câu hỏi về sự minh bạch, ông Bùi Tài tin rằng những thành viên sáng lập dự án có thể tự do cho mình từ 30-40% đơn vị Pi/tổng cung. Nhưng, rốt cuộc họ chỉ nhận về con số 25%, bởi lẽ nhóm phát triển đã có công thức tính rồi. Tuy vậy, công thức này là gì không được công bố.

Việc nhóm phát triển Pi Network mặc định nhận được 25% đơn vị Pi/tổng cung sau khi lên sàn là điều không hợp lý. Ảnh: Facebook.

“Pi Network chưa công khai tổng cung. Việc nhóm nghiên cứu tự cho bản thân 25% đơn vị Pi/tổng cung sau khoảng 10 năm nghiên cứu thực chất là một loại phần thưởng. Họ không bỏ túi số lượng Pi này, chúng sẽ được dùng để đầu tư và phát triển hệ thống này”, ông Bùi Tài nói.

Tuy nhiên, khác Bitcoin, TS. Tuấn cho rằng cha đẻ của đồng tiền điện tử giá trị nhất thế giới – Satoshi Nakamoto – nhận được Bitcoin thông qua quá trình đào và mọi giao dịch Nakamoto nhận được đều là minh bạch. Chính vì vậy, việc nhóm sáng lập Pi mặc định nhận lại 25% đơn vị Pi/tổng cung sau khi đồng tiền này lên sàn là không hợp lý.

“25% là con số cực kỳ lớn, khi nắm một lượng tiền như thế, nhóm sáng lập có thể làm khuynh đảo thị trường thế giới”, TS. Tuấn đáp lại.

Pi vẫn chỉ là dự án dựa trên niềm tin

“Không ai biết được liệu phần mềm có hoạt động theo những gì tác giả của Pi đề cập trong sách trắng hay không”, theo TS Tuấn, nhiều nội dung trong sách trắng Pi Network mới chỉ mang ý nghĩa quảng cáo và vẫn còn tồn tại một số điểm bất thường.

Quan điểm này được phản ánh rõ nhất thông qua thuật ngữ đào Pi trên điện thoại, vốn được đề cập trong sách trắng của dự án. Đào là một hành vi xác thực giao dịch, chứ không đơn thuần là hoạt động điểm danh. Ông Tuấn cho biết hành vi truy cập ứng dụng điểm danh hiện không đem lại bất cứ ý nghĩa gì cho hệ thống.

TS. Tuấn cho rằng các quan điểm của ông Bùi Tài chưa có bằng chứng thuyết phục. Ảnh: 24H Công nghệ.

Về câu hỏi liệu Pi Network có chạy trên blockchain hay không, TS. Tuấn công nhận vào thời điểm hiện tại, một số phần thử nghiệm của Pi Network đã liên kết đến công nghệ blockchain dựa trên thuật toán Stellar.

Tuy nhiên, các hoạt động xác thực giao dịch của Pi mới chỉ xuất hiện trên hệ thống Pi Node chứ chưa có bất kỳ liên kết nào với smartphone.

Theo lời giải thích của ông Bùi Tài, Pi Node là cuốn sổ cái có khả năng lưu trữ các giao dịch. Hiện nay, hệ thống Pi có 7.000 Node trên toàn thế giới. Nhưng, hầu hết việc vận hành Node chưa được hệ thống thưởng bất cứ giá trị nào.

“Khác với Bitcoin, Pi lấy niềm tin của người sử dụng, ngày công của người tham gia để chuyển sang số Pi cụ thể, từ đó hình thành giao dịch. Chúng tôi xác nhận hiện tại cứ 3 giây sẽ có một giao dịch”, ông Bùi Tài lập luận.

Kết thúc buổi thảo luận, TS. Tuấn cho rằng ước mơ để Pi trở thành phương tiện thanh toán là bài toán không khả thi. Pi coin khó có thể gánh vác được nhu cầu chi tiêu của người dùng trên toàn thế giới.

“Nếu không tham gia và chỉ đứng ở ngoài, chúng ta rất khó có thể hiểu hay cảm nhận được dự án Pi Network”, ông Bùi Tài kết luận.

Minh Khánh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thu-linh-nhom-dao-pi-o-vn-len-truyen-hinh-de-tranh-luan-post1190518.html