Đại diện EU lạc quan về EVFTA, kêu gọi VN có thêm 'tín hiệu tích cực'

Đại diện EU cho biết hai bên đang 'đi đúng hướng' trong việc phê chuẩn EVFTA và kêu gọi Việt Nam tiếp tục gửi các 'tín hiệu tích cực' để đảm bảo thông qua tại Nghị viện châu Âu.

Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đang “đi đúng hướng” trong việc phê chuẩn hai hiệp định thương mại và đầu tư quan trọng đã ký kết vào tháng 6, theo ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện châu Âu. Đó là Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA).

“Theo tôi nắm được từ phía Việt Nam, việc phê chuẩn hiệp định sẽ diễn ra tại Quốc hội Việt Nam, nhiều khả năng tại kỳ họp tiếp theo vào tháng 5/2020”, ông Lange cho biết trong buổi họp báo tối 31/10 tại Hà Nội.

Về phần Nghị viện châu Âu, ông cho biết giai đoạn hiện nay là “giai đoạn cuối, vì vậy chúng tôi tới đây với tư cách phái đoàn tìm hiểu thực tế từ Nghị viện châu Âu".

"Ủy ban của tôi sẽ thảo luận thêm và bỏ phiếu ngày 21/1/2020, sau đó là bỏ phiếu tại phiên toàn thể của Nghị viện châu Âu vào tháng 2/2020”, ông Lange nói thêm.

Tại cuộc họp báo tối 31/10 của phái đoàn Nghị viện châu Âu sang thăm Việt Nam, từ trái qua: Jan Zahradil, Phó Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế, Nghị viện châu Âu; Bernd Lange (giữa), chủ tịch của ủy ban; và Giorgio Aliberti, Đại sứ EU tại Việt Nam. Ảnh: Trọng Thuấn.

Tại cuộc họp báo tối 31/10 của phái đoàn Nghị viện châu Âu sang thăm Việt Nam, từ trái qua: Jan Zahradil, Phó Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế, Nghị viện châu Âu; Bernd Lange (giữa), chủ tịch của ủy ban; và Giorgio Aliberti, Đại sứ EU tại Việt Nam. Ảnh: Trọng Thuấn.

“751 nghị sĩ châu Âu hướng cặp mắt về Việt Nam”

Đoàn 8 nghị sĩ do ông Bernd Lange dẫn đầu đã gặp gỡ và tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao của Việt Nam ngày 28-31/10.

EVFTA và EVIPA được ký ngày 30/6 tại Hà Nội. Hội đồng châu Âu gọi EVFTA là hiệp định “tham vọng nhất đạt được với một nước đang phát triển” vì sẽ loại bỏ gần như toàn bộ thuế đánh vào hàng EU xuất sang Việt Nam (sau 10 năm) và hàng Việt Nam xuất sang EU (sau 7 năm).

EVFTA vẫn cần được Nghị viện châu Âu phê chuẩn thì mới có hiệu lực. Khi ấy, 65% thuế quan đánh vào hàng EU xuất sang Việt Nam, và 71% thuế quan hàng Việt Nam sang EU sẽ lập tức biến mất.

Ông Lange cho biết EU và phía Việt Nam đã thảo luận về ba công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), vốn nằm trong đàm phán giữa hai bên. Ông cho biết phía EU tin rằng hai công ước chưa được phê chuẩn có tầm quan trọng trong việc đảm bảo rằng lợi ích của tăng trưởng, thương mại sẽ đến được người lao động ở cấp cơ sở, và một số quyền “thiết yếu” cần được đảm bảo.

Công ước còn lại trong ba công ước nói trên đã được thông qua ngày 14/6, khi Quốc hội ra nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của ILO về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

“Lúc này, cặp mắt của 751 nghị sĩ trong Nghị viện châu Âu đang hướng về Việt Nam, và chúng ta có ba tháng để đạt được sự đồng thuận trong một số câu hỏi quan trọng”, ông Lange, người đứng đầu ủy ban quan trọng bậc nhất trong quá trình phê chuẩn EVFTA của phía EU, cho biết.

Trả lời câu hỏi của Zing.vn nêu cụ thể một số điểm còn phải bàn giữa hai bên, ông Lange nhắc đến các nhóm giám sát độc lập đối với việc thực hiện hiệp định này.

“Những nhóm này sẽ giám sát quá trình thực hiện (hiệp định EVFTA) với tư cách độc lập”, ông nói.

Việt Nam và Liên minh châu Âu đã chính thức ký Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) chiều 30/6 tại Hà Nội. Ảnh: Việt Linh.

Châu Âu kêu gọi Việt Nam gửi “tín hiệu tích cực”

Phó chủ tịch của Ủy ban Thương mại Quốc tế, Nghị viện châu Âu, ông Jan Zahradil cho biết sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5 vừa qua, có 60% các nghị sĩ lần đầu được bầu vào nghị viện, một số người chưa nhiều kinh nghiệm với các vấn đề thương mại.

Trong Nghị viện châu Âu có 8 đảng chính trị, với khuynh hướng đa dạng từ cánh tả tới cánh hữu, và chưa hẳn là dễ thuyết phục.

Vì vậy, ông Zahradil kêu gọi các đối tác Việt Nam tận dụng mọi cơ hội để gửi “tín hiệu tích cực càng nhiều càng tốt”, và nếu vậy, “tôi chắc chắn chúng tôi sẽ có đa số phiếu để thông qua EVFTA (ở Nghị viện châu Âu)”, ông nói.

“Có ít quốc gia đã hoàn tất được các hiệp định thương mại với EU như Việt Nam, và tôi nghĩ đây là bằng chứng cho ảnh hưởng địa chính trị của Việt Nam cũng như khả năng theo đuổi chính sách ngoại giao độc lập”, ông Zahradil đánh giá.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và ông Lange Bernd, Trưởng Đoàn đại biểu Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu (INTA). Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Báo Chính phủ đưa tin chiều 31/10, tại buổi tiếp ông Bernd Lange tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng "Việt Nam đánh giá cao ý nghĩa kinh tế chiến lược của EVFTA và EVIPA đối với quan hệ Việt Nam-EU cũng như việc thúc đẩy xu hướng liên kết kinh tế mở, minh bạch và dựa trên luật lệ".

"Sau khi hai hiệp định được ký chính thức vào ngày 30/6/2019, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng hồ sơ phê chuẩn hai hiệp định này. Hồ sơ này sẽ được các cơ quan của Quốc hội thẩm tra và trình Quốc hội thảo luận và xem xét phê chuẩn".

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/dai-dien-eu-lac-quan-ve-evfta-keu-goi-vn-co-them-tin-hieu-tich-cuc-post1008142.html