Đại dịch tả heo Châu Phi: Bộc lộ điểm yếu quản lý thú y

Thiếu niềm tin, người dân sẽ ứng xử theo kiểu 'tự cứu mình trước khi trời cứu' bằng cách bán chui heo bệnh hoặc kê khai gian dối. Việc đền bù không thỏa đáng, hoặc chậm trễ cũng như thiếu khả năng truyền thông chuyên nghiệp càng góp phần gia tăng các hành vi trục lợi.

 Nguồn: FAO (cập nhật ngày 14-6-2019)

Nguồn: FAO (cập nhật ngày 14-6-2019)

Ngày 19-2-2019, Việt Nam đã phát hiện ổ dịch tả heo châu Phi (DTHCP) đầu tiên tại Hưng Yên và Thái Bình. Trong chưa đầy bốn tháng sau, DTHCP đã lây lan ra 55 tỉnh, thành với 400 huyện và 4.000 xã. Heo mắc bệnh bị tiêu hủy lên tới 2,5 triệu con, chiếm 7,5% tổng đàn(1). Sự vỡ trận trong công tác phòng chống DTHCP xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan. Bài viết này chỉ tập trung phân tích một số nguyên nhân hạn chế về mặt quản lý thú y.

Dịch tả heo Châu Phi là gì ?

DTHCP (Africa Swine Fever) do virus gây sốt xuất huyết tại heo cho đến chết. Bệnh gần như vô phương cứu chữa và cho đến nay vẫn chưa có vaccin phòng ngừa. Nguy hiểm hơn nữa, bệnh này rất dễ lây lan và khó kiểm soát.

Khởi phát từ Trung Quốc hồi tháng 8 năm ngoái, đến nay DTHCP đã nhanh chóng lan sang Việt Nam, Mông Cổ, Campuchia, Triều Tiên, Ba Lan, Bỉ, Nam Phi... Tuy bệnh không lây sang cho người nhưng cực kỳ nguy hại đối với ngành chăn nuôi bởi nó đe dọa phá vỡ sinh kế của hàng triệu nông dân và làm gián đoạn chuỗi cung ứng thịt heo trên khắp thế giới. Theo nhà dịch tễ học thú y Dirk Pfeiffer tại Đại học Hồng Kông thì sự bùng phát của DTHCP có thể là “dịch bệnh động vật lớn nhất trong lịch sử hành tinh”.

Bất cập về chính sách quản lý thú y

Đa phần thông tin từ các cơ quan nhà nước đều cho rằng nguyên nhân dẫn tới sự lây lan nhanh chóng DTHCP là xuất phát từ... người dân, ví dụ như việc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội khẳng định, nguyên nhân lây lan DTHCP trên địa bàn Hà Nội trong thời gian qua chủ yếu là do người chăn nuôi tận dụng thức ăn thừa từ các nhà hàng, khách sạn. Hoặc một nguyên nhân khác cũng hay được viện dẫn đến là từ các yếu tố khách quan như chim di cư, khí hậu nóng ẩm thuận lợi cho virus lây lan...

Vấn đề lớn nhất của quản lý thú y tại Việt Nam là tính manh mún, phân quyền cho địa phương quá nhiều nhưng lại thiếu năng lực chuyên môn và khả năng phối hợp.

Tuy nhiên, nếu chỉ là những nguyên nhân kể trên thì vì sao Việt Nam không khống chế được dịch trong khi nước láng giềng Trung Quốc, một quốc gia cũng có rất nhiều điểm chung về thói quen chăn nuôi, khí hậu, văn hóa... với Việt Nam lại làm tốt được vấn đề này? Việc này thể hiện rất rõ trên bản đồ phân bố các điểm DTHCP tại các nước châu Á của Tổ chức Lương nông quốc tế (FAO). Từ sau ngày 30-5-2019, Trung Quốc chỉ có hai điểm bùng phát dịch mới (biểu thị bằng các hình vuông màu đỏ đậm) trong khi đó, tại Việt Nam, vẫn có hàng chục điểm dịch mới bùng phát và một số điểm tái phát.

Rõ ràng, những yếu kém trong quản lý thú y tại Việt Nam đã góp phần khiến cho DTHCP trở nên khó kiểm soát hơn. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, tốc độ phản ứng của chính quyền trước dịch bệnh khá trễ. DTHCP xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc từ tháng 8-2018, tới tháng 9-2018 đã lan tới các tỉnh sát biên giới Việt Nam là Vân Nam, Quảng Tây nhưng phải đến tháng 11, Bộ NN&PTNT mới xây dựng được kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp. Việc DTHCP được phát hiện tại Việt Nam ngay sau Tết Nguyên đán 2019 cho thấy công tác phòng chống buôn lậu, nhập lậu, kiểm dịch, phòng ngừa dịch theo kế hoạch hành động có thể đã bị buông lỏng trong thời gian sau Tết.

Thứ hai, vấn đề lớn nhất của quản lý thú y tại Việt Nam là tính manh mún, phân quyền cho địa phương quá nhiều nhưng lại thiếu năng lực chuyên môn và khả năng phối hợp.Theo Luật Thú y (2015), công tác quản lý thú y phân tán trách nhiệm cho nhiều cơ quan, bộ, ngành song thẩm quyền chính thuộc về chính quyền địa phương. Điểm yếu của cơ chế quản lý phi tập trung này là cồng kềnh, tốn kém, gây cản trở tốc độ ứng phó dịch bệnh, hoạt động điều tra và quản lý thông tin minh bạch. Hệ thống này càng bộc lộ hạn chế mỗi khi xảy ra đại dịch quy mô quốc gia.

Thứ ba, chính sách đền bù chưa hợp lý và thiếu nhất quán khiến người chăn nuôi có động cơ bán tháo, bán chui heo bệnh và thậm chí cả trục lợi chính sách. Ban đầu, việc đền bù heo mắc bệnh bị tiêu hủy có giá đồng nhất 38.000 đồng/ki lô gam thịt hơi(2) và người chăn nuôi phải đăng ký trước. Cách thức đền bù này không những không sát giá thị trường mà còn thiếu linh hoạt.

Do những hạn chế đó Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 16/NQ-CP để thay đổi cơ chế đền bù cho linh hoạt, nhanh chóng hơn bằng cách hỗ trợ tối thiểu bằng 80% giá thị trường tại thời điểm và tại địa phương có dịch bệnh đối với heo thường và 1,5-2 lần đối với heo nái, heo giống đang khai thác, kể cả đối với vật nuôi không được đăng ký, kê khai với ủy ban nhân dân huyện.

Tuy cơ chế đền bù này đã “thị trường” hơn nhưng vẫn có sự bất nhất khi hướng dẫn triển khai trên thực tế, khiến các địa phương trở nên lúng túng, mỗi nơi làm một kiểu. Cụ thể, theo công văn ngày 20-3-2019 của Bộ NN&PTNT, các địa phương đền bù căn cứ vào cả Nghị định 02/2017/NĐ-CP lẫn Nghị quyết 16/NQ-CP dù cách đền bù của hai văn bản này hoàn toàn khác nhau.

Thứ tư, Việt Nam hiện không có một hệ thống thông tin quốc gia hiện đại về quản lý dịch bệnh. Trong quá khứ Việt Nam từng được FAO tài trợ một hệ thống thông tin quản lý dịch bệnh là TADInfo. Tuy nhiên, hệ thống này đã ngừng hoạt động từ năm 2013. Thiếu thông tin cập nhật về dịch bệnh, chúng ta rất khó để mô hình hóa, số hóa và nghiên cứu cách thức lây truyền của các dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.

Thứ năm, niềm tin và sự hợp tác giữa người dân và cơ quan chức năng còn thấp. Do các chi cục thú y chủ yếu chỉ đến “thăm” các hộ chăn nuôi để xử phạt mà ít khi có các hỗ trợ thiết thực khác nên tinh thần hợp tác giữa các hộ chăn nuôi và đơn vị quản lý là không cao. Thiếu niềm tin, người dân sẽ ứng xử theo kiểu “tự cứu mình trước khi trời cứu” bằng cách bán chui heo bệnh hoặc kê khai gian dối. Việc đền bù không thỏa đáng, hoặc chậm trễ cũng như thiếu khả năng truyền thông chuyên nghiệp càng góp phần gia tăng các hành vi trục lợi.

Một số kinh nghiệm quốc tế

DTHCP hiện vẫn hoành hành vượt ngoài tầm kiểm soát. Để cải thiện tình hình, người viết đề xuất một số giải pháp dựa trên kinh nghiệm quốc tế.

Để cô lập và dập dịch, chúng ta có thể học tập kinh nghiệm Nhật Bản khi nước này sẵn sàng huy động lực lượng chuyên nghiệp, gồm 1.600 binh sĩ quốc gia được đào tạo bài bản, đầy đủ trang thiết bị để tiêu hủy, cô lập, chôn lấp một cách tập trung khi xảy ra dịch tả heo thường hồi tháng 1 vừa qua.

Trong tương lai, vấn đề kiểm soát dịch bệnh nên được tập trung tại một cơ quan quốc gia có tính chuyên môn hóa cao và đầy đủ năng lực thay vì ủy quyền cho địa phương. Cơ quan này sẽ xây dựng và phát triển hệ thống thông tin quản lý dịch bệnh theo thời gian thực, và các chương trình hợp tác, hỗ trợ các hộ chăn nuôi để cải thiện niềm tin.

Về cơ chế đền bù cho người chăn nuôi, chúng ta nên học tập kinh nghiệm của Anh. Theo Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn của Anh, heo mắc DTHCP chỉ được đền bù với giá 50% giá thị trường và heo khỏe (nhưng phải tiêu hủy để tránh lây lan) thì được bồi thường 100%. Cơ chế này linh hoạt và công bằng hơn so với cơ chế đền bù tại Việt Nam, và sẽ thúc đẩy người chăn nuôi có trách nhiệm bảo vệ đàn heo tốt hơn nếu không muốn thiệt hại nặng nề.

(1) Theo số liệu cung cấp tại Hội nghị bàn một số giải pháp nhằm ổn định, thúc đẩy phát triển chăn nuôi heo tổ chức vào chiều ngày 16-6

(2) Theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 9-1-2017

Văn Thịnh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/290281/dai-dich-ta-heo-chau-phi-boc-lo-diem-yeu-quan-ly-thu-y-.html