Đại dịch sẽ thay đổi thế nào hậu Omicron?

Khi nhiều quốc gia cố gắng chung sống với SARS-CoV-2, bản thân virus đang biến đổi không ngừng để dễ lây lan hơn. Tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng chúng sẽ ngày càng yếu đi.

“Tôi tự tin và lạc quan rằng biến chủng tiếp theo sẽ chỉ trở nên ít nguy hiểm hơn. Sau nhiều năm tiến hóa, chúng sẽ không còn gây bệnh. Đó là xu hướng”, Jin Dongyan, một nhà virus học từ Đại học Hong Kong, nói trên South China Morning Post.

Theo các nhà khoa học, biến chủng Omicron gây ra làn sóng ca bệnh chưa từng có trên khắp thế giới vào tháng 12/2021 và đợt bùng phát ở Trung Quốc hiện nay, đã biến đổi không ngừng.

Dòng phụ BA.2 đã vượt qua biến chủng ban đầu, chiếm 86% tổng số ca mắc, theo Tổ chức Y tế Thế giới. Xu hướng này có thể quyết định tương lai đại dịch.

 SARS-CoV-2 đang biến đổi không ngừng để dễ lây lan hơn. Ảnh: Shutter Stock.

SARS-CoV-2 đang biến đổi không ngừng để dễ lây lan hơn. Ảnh: Shutter Stock.

Sẽ có nhiều biến chủng hơn?

“Chúng tôi có thể khẳng định gần như chắc chắn rằng sẽ có nhiều biến chủng xuất hiện hơn”, nhà vi sinh vật học Wytamma Wirth, Đại học Melbourne, cho biết.

Virus đột biến khi xảy ra "lỗi" trong quá trình nhân lên ở tế bào vật chủ. Các loại virus mã hóa bộ gen trong RNA của vật chủ, chẳng hạn như SARS-CoV-2, HIV và cúm, càng đột biến nhanh chóng hơn.

Khi nào một biến chủng nguy hiểm sẽ xuất hiện?

Trên thực tế, không có cách nào để biết chắc thời điểm một biến chủng sẽ chiếm ưu thế hoặc có khả năng lây truyền cao, gây ra các bệnh nặng hơn và làm giảm hiệu quả của vaccine.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Melbourne đã xem xét 4 biến chủng xuất hiện sớm nhất của SARS-CoV-2, trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Sinh học phân tử và Tiến hóa vào tháng 2.

Họ phát hiện ra rằng biến chủng Alpha phải mất 14 tuần để đột biến thành một chủng đáng lo ngại, Beta mất 4 tuần, Gamma mất 17 tuần và Delta mất 6 tuần.

Tốc độ xuất hiện đột biến cũng đã thay đổi đáng kể ở cả 4 biến chủng được nghiên cứu và đây có thể là xu hướng trong tương lai, Sebastian Duchene Garzon, nhà nghiên cứu Hóa sinh và Sinh học Phân tử tại Đại học Melbourne, cho biết.

“Chúng cũng có thể trộn lẫn bộ gen, chẳng hạn như tái tổ hợp (khi hai loại virus có liên quan cùng sống trong một tế bào). Điều này có thể khiến (một biến chủng nguy hiểm) xuất hiện nhanh hơn”, ông nói.

Biến chủng mới sẽ dễ lây lan hơn hay gây bệnh nghiêm trọng hơn?

Các nhà khoa học tin rằng biến chủng mới sẽ phải lây lan nhanh chóng hơn Omicron để chiếm ưu thế, nhưng thật khó để dự đoán liệu nó có gây bệnh nghiêm trọng hơn hay không.

Dòng phụ BA.2 của Omicron dễ lây truyền hơn BA.1 khoảng 30%, nhưng các nghiên cứu thực tế cho thấy nó không gây ra rủi ro lớn hơn cho người nhập viện.

Nhà virus học Jin Dongyan cũng cho rằng xu hướng chính trong quá trình tiến hóa của virus là thích nghi với vật chủ để không gây bệnh, vì vậy, các biến chủng mới gần như chắc chắn sẽ ít nguy hiểm hơn.

“Đôi khi một biến chủng nguy hại hơn có thể xuất hiện, nhưng điều đó không phải là mãi mãi. Nó sẽ rất nhanh chóng bị thay thế. Sars-CoV-2 cuối cùng sẽ trở thành loại virus corona thứ năm, chỉ gây ra cảm lạnh thông thường ở người”, ông nói.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Bản chất không thể đoán trước của các biến chủng khiến việc nhận định diễn biến tương lai của đại dịch gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học tin rằng Covid-19 có thể trở thành một loại bệnh đặc hữu. Điều đó đồng nghĩa virus sẽ tồn tại trong cộng đồng, nhưng với tỷ lệ lây lan có thể dự đoán được và hậu quả có thể kiểm soát được.

Một số nhà khoa học khác do dự hơn vì tỷ lệ tiêm chủng hiện nay còn thấp, đặc biệt là ở các nước thu nhập thấp. Điều này đồng nghĩa virus vẫn có thể lây lan rộng rãi và có nhiều cơ hội đột biến hơn.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dai-dich-se-thay-doi-the-nao-hau-omicron-post1307263.html