'Đại dịch hói đầu' khiến nhiều người gặp định kiến về ngoại hình

Mái tóc mỏng, vầng trán cao hình chữ M khiến nhiều người trẻ, đặc biệt là nam giới bị kỳ thị ngoại hình, đối xử thiếu công bằng. Họ tìm nhiều cách, chi bộn tiền để cải thiện.

Sun Zhuo đã thử mọi cách để không bị rụng tóc như dầu gội trị hói, lược xoa bóp da đầu, chế độ ăn giúp mọc tóc nhanh. Nhưng tất cả đều không hiệu quả.

Lập trình viên 28 tuổi đến từ tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, đã lựa chọn cách cuối cùng. Đó là đi cấy tóc.

“Nếu tình trạng rụng tóc tiếp diễn, tôi sẽ khó tìm được bạn gái”, Sun nói. Anh đổ lỗi cho mái tóc mỏng khiến mình tự ti trong những buổi hẹn hò.

Theo Xinhua, rụng tóc từng là tình trạng xảy ra với đàn ông cao tuổi hoặc trung niên ở Trung Quốc, Hàn Quốc hay nhiều quốc gia châu Á. Song, chứng hói đầu đang gây lo lắng với chính những người trẻ, từ nhân viên văn phòng U30 cho đến học sinh, sinh viên.

Ám ảnh thường trực

Năm 2018, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) dẫn một khảo sát cho thấy có tới 250 triệu người, tương đương 1/6, người bị rụng tóc ở Trung Quốc và vấn đề này đang ngày càng ảnh hưởng giới trẻ.

Cuộc khảo sát khác của Hiệp hội Giáo dục và Nâng cao Sức khỏe Trung Quốc tiết lộ đàn ông nước này bị hói sớm hơn 20 năm so với các thế hệ trước. Bởi họ phải vật lộn để tìm công việc lương cao trong bối cảnh sinh hoạt phí ngày càng cao.

Đài truyền hình quốc gia CGTN còn mô tả hiện tượng này là "đại dịch rụng tóc" hay "đại dịch hói đầu" ở giới trẻ.

SCMP cũng dẫn một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí China Newsweek cho thấy người Trung Quốc đang rụng tóc sớm hơn bao giờ hết. Khi khảo sát trên 4.000 sinh viên do Đại học Thanh Hoa vào tháng 10/2017, gần 60% số người được hỏi được cho biết đang bị rụng tóc ở một mức độ nào đó.

Khoảng 40% người tham gia cho biết họ nhận thấy tóc mỏng đi, trong khi 25% nói rằng họ đã tìm hiểu về vấn đề này từ bạn bè hoặc gia đình. Cuộc khảo sát cho thấy sinh viên từ các trường khoa học xã hội và nghệ thuật có nhiều khả năng bị rụng tóc nhất. Ngoài ra, sinh viên Toán học, Khoa học, Kỹ thuật ôtô ít gặp tình trạng này nhất.

 Các nghiên cứu cho thấy ngủ không đủ giấc và ăn uống thiếu chất có thể góp phần gây rụng tóc. Ảnh: Alamy.

Các nghiên cứu cho thấy ngủ không đủ giấc và ăn uống thiếu chất có thể góp phần gây rụng tóc. Ảnh: Alamy.

Nghiên cứu này cung cấp các số liệu mang tính thống kê, nhưng tiến sĩ Fu Lanqin, bác sĩ da liễu tại Bệnh viện Đại học Y Liên hiệp Bắc Kinh, nhận định số lượng người trẻ tuổi tìm kiếm phương pháp chữa rụng tóc, hói đầu tăng lên đáng kể trong những năm gần đây.

“Nhiều bệnh nhân bị rụng tóc ở độ tuổi khoảng 21 hoặc 22, tình trạng của họ trở nên rõ ràng nhất vào những năm 24-25 tuổi. Tôi cảm giác thế hệ này đang rụng tóc sớm hơn thế hệ trước”, bà nói.

Website mua sắm trực tuyến Taobao cũng cho thấy số lượng sản phẩm ngăn rụng tóc nằm trong số 40 mặt hàng bán chạy nhất năm 2017. Trong đó, 40% người mua dưới 30 tuổi.

Các chuyên gia lý giải tỷ lệ hói đầu ngày càng tăng ở những người trẻ tuổi có thể do những thay đổi của xã hội. 60% người bị rụng tóc báo cáo về các yếu tố thần kinh như căng thẳng trong công việc hoặc học tập, mất ngủ và lối sống thất thường.

Bác sĩ Zhao Junying, Đại học Y Capital ở Bắc Kinh, cho biết: “Những người sinh ra ở thập niên 80 hoặc 90 lại có mối quan tâm khác. Họ không còn lo lắng về thức ăn hay việc giữ ấm mà lo lắng nhiều hơn đến ngoại hình. Đặc biệt, những người chưa lập gia đình phải chịu áp lực rất lớn”.

Không chỉ châu Á, tại Mỹ, "đại dịch rụng tóc" cũng đang trở thành nỗi ám ảnh với những người thuộc thế hệ Millennials. Trả lời tờ New York Post, nhà tạo mẫu tóc Angelo David, ở New York, cho biết ngày càng nhiều khách hàng trẻ của ông bày tỏ quan ngại với mái tóc mỏng, đường chân tóc bị rút lại.

Một người đàn ông nhìn vào máy cấy tóc bằng robot tại Triển lãm Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc ở Thượng Hải năm 2019. Ảnh: China News Service.

Định kiến ngoại hình

Trong cuộc phỏng vấn với CNN năm 2020, Alex Han, 34 tuổi, Trung Quốc, khẳng định tầm quan trọng của mái tóc: “Với tôi, kiểu tóc là đặc điểm lưu lại ấn tượng đầu tiên của cánh mày râu”. Thực tế, đây là quan điểm chung của phần lớn đàn ông trên thế giới. Mái tóc với họ là tiêu chuẩn đánh giá ngoại hình, ảnh hưởng lớn tới sự tự tin, triển vọng nghề nghiệp và con đường tình duyên.

Tiêu chuẩn vẻ đẹp nam giới trong nền văn hóa đại chúng, nhất là tại Đông Á, mái tóc dày, ngoại hình nam tính luôn được ưa chuộng.

Với David Ko, 37 tuổi, phóng viên ở Seoul, Hàn Quốc, người từng viết về trải nghiệm rụng tóc của mình, việc những người đàn ông tại nước này bị hói đầu khiến họ đặc biệt không thoải mái, thiếu tự ti.

Một nghiên cứu của Hàn Quốc trên tạp chí International Journal of Dermatology phát hiện 90% nam giới xứ sở kim chi cho rằng những người đàn ông hói đầu bị coi là già và kém hấp dẫn hơn. Theo Yohap News, năm 2018, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc phải kêu gọi các nhà tuyển dụng không phân biệt đối xử với nam giới không có tóc. Động thái này được đưa ra sau khi một công ty bảo vệ tòa nhà yêu cầu người xin việc phải đội tóc giả và từ chối tuyển dụng vì anh ta bị hói.

Các nghiên cứu tại phương Tây cũng cho thấy kết quả không ngoại lệ. Sự kỳ thị có thể giảm bớt ở những quốc gia có tình trạng rụng tóc, hói đầu không phổ biến. Một nghiên cứu từ Đại học Pennsylvania, Mỹ, cho thấy nam giới được coi là "nổi trội, cao và mạnh mẽ hơn” khi có mái tóc dày, bóng khỏe.

Thay đổi nội tiết tố, bệnh tự miễn dịch, rối loạn tuyến giáp và căng thẳng là những nguyên nhân gây rụng tóc ở nam và nữ thanh niên.

Theo một báo cáo từ Hiệp hội Tâm lý Mỹ (APA), thế hệ Millennials cảm thấy bị cô lập và cô đơn do căng thẳng trước những áp lực từ cuộc sống. Họ dường như gặp nhiều khó khăn hơn khi xử lý các vấn đề. Ngoài ra, việc tẩy, nhuộm quá nhiều cũng có thể làm hỏng tóc nghiêm trọng. Từ đó, khiến tình trạng rụng tóc ngày càng thêm căng thẳng.

Theo bác sĩ da liễu Doris Day, tác giả của cuốn sách Beyond Beautiful, việc tập trung ngày càng nhiều vào ngoại hình thông qua các phương tiện truyền thông cũng là yếu tố khiến người trẻ nhạy cảm hơn với những thay đổi của mái tóc.

“Việc chúng ta gặp phải tình trạng rụng tóc ở độ tuổi 20 và 30 là điều bình thường, nhưng tiếp xúc nhiều với những người nổi tiếng và các phương tiện truyền thông khiến họ mong muốn có mái tóc dày, quyến rũ hơn", bà nói thêm.

Michael Segalov, 27 tuổi, ở London, Anh, lo sợ mình sẽ bị hói vì cha anh cũng gặp tình trạng này. Trán của Michael hình chữ M, mái tóc mỏng khiến anh thêm ám ảnh. Ảnh: Guardian.

Chữa hói đầu để tự tin hơn dù tốn kém

Liu Haiyan, chuyên gia về rụng tóc ở Bệnh viện Học viện Y học Cổ truyền Trung Quốc, cho biết các bệnh nhân tới chữa hói tại đây chủ yếu là người 20-30 tuổi. Chủ đề rụng tóc, hói đầu cũng thu hút hàng loạt cuộc trò chuyện. Trên Douban, mạng xã hội nổi tiếng của Trung Quốc, nhiều nhóm chia sẻ kinh nghiệm ngừa và trị hói đầu lên tới hơn 23.500 thành viên.

Điều này khiến nhu cầu về sản phẩm ngăn rụng tóc như dầu gội, tóc giả đến cấy tóc đắt tiền được săn đón. Trên Taobao, các bộ tóc giả, tóc kẹp được quảng cáo là giải pháp “mì ăn liền” cho người bị rụng tóc có giá khoảng 800 nhân dân tệ. Họ bán được hơn 400 chiếc mỗi tháng.

Helen Xu, 24 tuổi ở Bắc Kinh, đã chi hơn 5.000 nhân dân tệ cho các giải pháp trị rụng tóc, gồm thuốc xịt, thuốc thảo dược và bột làm phồng chân tóc trong 7 năm.

"Thỉnh thoảng tôi chụp ảnh đỉnh đầu của mình nhưng xóa ngay lập tức. Trông nó thật kinh khủng”, Xu chia sẻ.

Cô cho rằng mình bị rụng tóc quá nhiều do thiếu ngủ và lối sống không điều độ. Khi bạn trai nhìn chằm chằm vào đỉnh đầu và đề nghị Xu nên xem xét lại mái tóc thì cô bắt đầu nghiêm túc với vấn đề này.

Nữ sinh bắt đầu khám bác sĩ, nhưng thay vì uống theo đơn thuốc trong nhiều tháng, nhiều năm, cô quyết định chọn giải pháp nhanh chóng. Có lần, Xu suýt bị lừa 500 nhân dân tệ vì quảng cáo cắt tóc biến mái tóc xơ xác thành bồng bềnh ngay lập tức.

Giải pháp cuối cùng cô chọn là cấy ghép tóc, lấy các nang từ phía sau đầu để lấp đầy vùng bị hói. Cuộc phẫu thuật khá tốn kém nhưng nhanh chóng trở nên phổ biến ở những người trẻ .

Theo cơ quan phân tích dữ liệu iiMedia Research, thị trường cấy tóc của Trung Quốc đã tăng từ 5,7 tỷ nhân dân tệ vào năm 2016 lên khoảng 20 tỷ nhân dân tệ vào năm 2020.

Nam thanh niên được xác định vùng tóc cấy trước khi bước vào ca phẫu thuật tại một bệnh viện ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Baidu.

Sun đã tiết kiệm tiền cho một ca phẫu thuật trị giá 40.000 nhân dân tệ. Anh coi số tiền bỏ ra là "khoản đầu tư xứng đáng cho ngoại hình”.

“Không dễ để thay đổi cách làm việc và lối sống trong thời gian ngắn, đó là những nguyên nhân sâu xa khiến tôi bị rụng tóc. Nhưng bây giờ tiền có thể mua cho tôi một giải pháp, vậy tại sao không?", Sun nói.

Bác sĩ phẫu thuật cấy tóc Sun Yueyue của một bệnh viện thẩm mỹ ở Changsha, cho biết hơn 50% khách hàng của cô là những người ở độ tuổi 20 và 30. Ngoài việc cấy tóc, họ còn cung cấp dịch vụ điều chỉnh chân tóc, cắt tóc, cấy lông mày.

Chuyên gia về rụng tóc Liu Haiyan cho rằng bản chất lâu dài của cuộc chiến chống “đại dịch hói đầu” vẫn là thay đổi thói quen.

“Các bạn trẻ nên tránh thức khuya, cân bằng chế độ dinh dưỡng và cấy tóc là biện pháp cuối cùng, cần được điều trị thận trọng. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi thực hiện”, ông Liu nhấn mạnh.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dai-dich-hoi-dau-khien-nhieu-nguoi-gap-dinh-kien-ve-ngoai-hinh-post1305700.html