Đại dịch Covid-19 và những con số đáng sợ

Đại dịch Covid-19 lại diễn biến tồi tệ hơn trong ngày 22-3 sau khi Mỹ và Châu Âu báo cáo các ca nhiễm mới tăng vọt, khiến một số khu vực phải chạy đua bổ sung giường bệnh và các vật tư y tế rất cần thiết.

Đại dịch Covid-19 lại diễn biến tồi tệ hơn trong ngày 22-3 sau khi Mỹ và Châu Âu báo cáo các ca nhiễm mới tăng vọt, khiến một số khu vực phải chạy đua bổ sung giường bệnh và các vật tư y tế rất cần thiết.

Xe quân sự chở thi thể rời khỏi các nghĩa trang chính ở Bergamo, Italia khi nơi đây bị quá tải.

Xe quân sự chở thi thể rời khỏi các nghĩa trang chính ở Bergamo, Italia khi nơi đây bị quá tải.

Hơn 13.000 người chết, 1 tỷ người phải ở nhà

Người chết vì Covid-19 đã vượt qua 13.000 và các nhà máy đã đóng cửa ở Italia bị thiệt hại nặng nề nhất sau con số tử vong kỷ lục trong một ngày.

Hơn 300.000 ca nhiễm bệnh được xác nhận trên toàn thế giới, với tình hình ngày càng nghiệt ngã ở Italia. Quốc gia Địa Trung Hải gồm 60 triệu người hiện là tâm điểm của đại dịch. Ngày 22-3, Italia xác nhận ca nhiễm cao nhất từ trước đến nay trong một ngày, tăng 6.600 với gần 800 trường hợp tử vong. Cho đến nay, Italia có hơn 4.825 ca tử vong, vượt quá con số ở tâm dịch ban đầu là Trung Quốc. Tỷ lệ tử vong ở nước này là 8,6% trong số các trường hợp nhiễm Covid-19 được xác nhận - cao hơn đáng kể so với hầu hết các quốc gia khác.

Trong một bài phát biểu vào đêm khuya 21-3, Thủ tướng Giuseppe Conte công bố các biện pháp nghiêm ngặt bổ sung, siết chặt hơn nữa hoạt động đi lại của người dân. Phát biểu trực tiếp trên mạng xã hội facebook, Thủ tướng Conte thông báo sẽ đóng cửa tất cả các hoạt động sản xuất “phi chiến lược”, không thực sự cần thiết trên toàn lãnh thổ. Các siêu thị, cửa hàng thực phẩm, hiệu thuốc và các dịch vụ thiết yếu sẽ được đảm bảo. Các biện pháp mới sẽ áp dụng đến ngày 3-4. Thủ tướng Conte cho rằng đây là các biện pháp nghiêm ngặt, nhưng chính phủ không còn cách nào khác. Tình trạng khẩn cấp Covid-19 là cuộc khủng hoảng khó khăn nhất mà Italia đã phải trải qua sau Thế Chiến II, khi mà số ca tử vong tăng lên mỗi ngày. Trong khi đó, Mỹ đã trở thành vùng dịch lớn thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Italia, với hơn 27.000 ca bệnh và 334 ca tử vong.

Đại dịch hoành hành buộc 35 quốc gia trên toàn cầu ra lệnh phong tỏa, làm gián đoạn cuộc sống, du lịch và kinh doanh. Gần 1 tỷ người trên khắp thế giới đã bị cách ly tại nhà cho đến nay.

Những gói giải cứu kinh tế ngàn tỷ USD

Đại dịch cũng làm mờ các thị trường chứng khoán toàn cầu và Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - đang chuẩn bị một gói kích thích khẩn cấp khổng lồ có thể lên tới 1.000 tỷ USD. Trong khi đó, Đức, nền kinh tế lớn nhất Châu Âu, dự kiến chi 822 tỷ EUR (khoảng 1.000 tỷ USD) giải cứu nền kinh tế.

Hiện các chính phủ khóa chặt biên giới và giải phóng hàng trăm tỷ trong các biện pháp khẩn cấp để tránh khủng hoảng kinh tế do virus lan rộng. Bên kia bờ Đại Tây Dương, hơn 1/3 người Mỹ thích nghi với cuộc sống trong nhiều giai đoạn phong tỏa khác nhau, bao gồm ở New York, Chicago và Los Angeles -3 thành phố lớn nhất của Mỹ. Các bang khác của Mỹ dự kiến cũng sẽ tăng cường hạn chế đi lại. “Đây là thời gian của sự hy sinh chung cho quốc gia, nhưng cũng là thời gian để trân trọng những người thân yêu của chúng ta”, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói và khẳng định: “Chúng ta sẽ có một chiến thắng tuyệt vời”.

Khi các nhà lãnh đạo thế giới tuyên bố sẽ chiến đấu với đại dịch, số người chết và nhiễm mới tiếp tục gia tăng, đặc biệt là ở Châu Âu - điểm nóng toàn cầu chính. Tây Ban Nha đã báo cáo mức tăng đột biến 32% các trường hợp tử vong mới và Thủ tướng Pedro Sanchez cảnh báo cần chuẩn bị cho “những ngày rất khó khăn phía trước”. Ca tử vong ở Pháp tăng lên 562 khi các quan chức cảnh sát cho biết máy bay trực thăng và máy bay không người lái đang được triển khai để tăng cường nỗ lực giữ người dân ở trong nhà.

Các biện pháp chưa từng có để chống lại sự lây lan của Covid-19 đã phá vỡ các lịch thi đấu thể thao quốc tế và áp lực đang đè lên các nhà tổ chức Olympic để hoãn Thế vận hội Tokyo 2020.

KHẢ ANH

Indonesia sẽ tử hình đối tượng biển thủ công quỹ phòng chống Covid-19

Ngày 22-3, Ủy ban Bài trừ Tham nhũng (KPK) Indonesia tuyên bố sẽ tử hình các đối tượng bị kết án tham nhũng trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Chủ tịch KPK Firli Bahuri cho biết, cơ quan này sẽ áp dụng mức án tối đa trong khung hình phạt đối với các đối tượng này. Đây là bước ngoặt lớn của KPK, chuyển trọng tâm từ điều tra xét xử sang phòng ngừa tham nhũng. Theo ông Firli, với việc chính phủ Indonesia rót 6.230 tỷ Rupiah (3,9 tỷ USD) cho công tác phòng chống Covid-19 và các chương trình an sinh xã hội, ngày càng có nhiều lo ngại rằng phần lớn số tiền này có thể bị biển thủ.

Cùng ngày, Indonesia cho biết đã quyết định cho phép sử dụng thuốc chống sốt rét Chloroquine và thuốc chống cảm cúm Avigan để điều trị cho các bệnh nhân Covid-19.

T.LINH

-------

Iran ngạc nhiên khi Mỹ đề nghị hỗ trợ chống dịch

Ngày 22-3, lãnh tụ tối cao Iran - ông Ayatollah Ali Khamenei bày tỏ sự ngạc nhiên trước lời đề nghị của Mỹ về việc hỗ trợ Tehran chống dịch Covid-19.

Trong bài diễn văn trên truyền hình, ông Khamenei cho biết: “Một số lần, người Mỹ đã đề nghị hỗ trợ Iran ngăn chặn dịch. Bên cạnh sự thật về việc hoài nghi Mỹ đã tạo ra loại virus này... lời đề nghị của họ gây ngạc nhiên bởi họ đang phải đối mặt với những thiếu thốn trong cuộc chiến chống virus”. Nhà lãnh đạo trên khẳng định: “Iran có năng lực vượt qua bất kỳ hình thức khủng hoảng nào, kể cả sự bùng phát của virus Corona”.

T.NGUYÊN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_222129_dai-dich-covid-19-va-nhung-con-so-dang-so.aspx