Đại dịch COVID-19: Tăng nguồn cung vaccine cho các nước nghèo hơn

Tính đến sáng 22/5, số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới là 166.454.945 trường hợp, với 3.457.001 ca tử vong. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Hội nghị thượng đỉnh y tế toàn cầu vừa bế mạc vào tối qua cùng với cam kết bảo đảm nguồn cung vaccine cho tất cả mọi người đã phát đi tín hiệu lạc quan cho cuộc chiến chống COVID-19 trên phạm vi toàn cầu.

Hội nghị thượng đỉnh y tế toàn cầu vừa kết thúc tối qua với cam kết tăng nguồn cung vaccine cho các nước nghèo hơn. (Ảnh: Xinhua)

Hội nghị thượng đỉnh y tế toàn cầu vừa kết thúc tối qua với cam kết tăng nguồn cung vaccine cho các nước nghèo hơn. (Ảnh: Xinhua)

Tối 21/5 (theo giờ địa phương), Hội nghị thượng đỉnh y tế toàn cầu do Ủy ban châu Âu (EU) và Italy chủ trì dưới hình thức trực tuyến đã kết thúc với việc lãnh đạo các nước giàu và đại diện các hãng dược phẩm cam kết sẽ nỗ lực nhiều hơn nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 trên thế giới, với biện pháp cụ thể là tăng nguồn cung vaccine cho những nước nghèo hơn.

Hội nghị đã thông qua “Tuyên bố Rome” theo đó kêu gọi “cấp phép tự nguyện” liên quan đến bằng sáng chế vaccine và chuyển giao công nghệ nhằm thúc đẩy sản xuất vaccine. Trong Tuyên bố Rome, các nhà lãnh đạo thế giới cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình “Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19” (ACT-A), một công cụ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dùng để phân bổ vaccine, dược phẩm và các loại dụng cụ xét nghiệm. Tuyên bố Rome còn đề cập đến chương trình COVAX như là một cách để phân phối số vaccine dành để tặng đến các nước.

Tại hội nghị, đại diện các “ông lớn sản xuất vaccine” gồm hdược phẩm Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson cam kết sẽ cung cấp khoảng 3,5 tỷ liều vaccine với giá gốc hoặc giá chiết khấu cho các nước có thu thập thấp và trung bình trong năm nay và năm tới. EU thì cam kết hỗ trợ 100 triệu liều vaccine cho những nước có thu nhập thấp và trung bình, đồng thời tiến hành đầu tư 1,2 tỷ USD để xây dựng các trung tâm sản xuất vaccine ở châu Phi. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đề xuất một kế hoạch trị giá 50 tỷ USD nhằm chấm dứt đại dịch bằng cách tập trung mạnh mẽ vào việc phát triển vaccine, theo đó đặt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số thế giới trong năm nay và 60% vào cuối năm 2022.

Còn về diễn biến dịch bệnh trên thế giới, số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 22/5 cho thấy, hiện toàn thế giới có 147.217.257 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 15.780.687 ca bệnh đang điều trị thì có 15.682.447 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,4%) và 98.240 ca (chiếm 0,6%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đang tác động đến 220 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 “vùng dịch” lớn nhất trên thế giới.

Xét theo quy mô toàn khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 46.097.404 trường hợp, trong đó có 1.058.689 ca tử vong và 42.515.195 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, cựu lục địa ghi nhận 71.055 ca nhiễm mới, giảm gần 9.000 ca so với ngày trước đó.

Tốc độ tiêm chủng được đẩy nhanh đã khiến tình hình dịch bệnh tại nhiều nước tại châu Âu có nhiều cải thiện và cuộc sống bắt đầu trở lại bình thường do các lệnh hạn chế được nới lỏng. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đưa ra khuyến cáo thận trọng trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại.

Hiện Bắc Mỹ có 39.426.472 ca nhiễm bệnh, trong đó có 883.552 ca tử vong vì COVID-19. Cho dù tình hình dịch bệnh đang dần được cải thiện song cho tới nay, Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 33.862.288 ca nhiễm và 603.407 ca tử vong vì COVID-19.

Tính đến sáng 22/5, Nam Mỹ có 27.490.472 ca nhiễm COVID-19, với 748.008 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, tiếp theo sau là Argentina, Colombia, Peru… với lần lượt: 15.976.156; 3.482.512; 3.192.050; 1.910.036… ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.

Hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 48.590.787 trường hợp, với 637.163 ca tử vong và 43.536.192 ca điều trị khỏi. Trong tổng số 4.417.432 ca bệnh đang điều trị thì có 32.007 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Ấn Độ tiếp tục là nước “dẫn đầu” châu Á về số ca nhiễm, với 26.285.069 ca, trong đó có 295.508 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 254.395 ca mắc mới COVID-19, chiếm gần 75% tổng số 341.396 ca nhiễm mới trong toàn khu vực và chiếm hơn 40% tổng số 611.008 số ca nhiễm mới trên toàn thế giới.

Tính đến sáng 22/5, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 4.781.877 trường hợp, trong đó có 128.331 ca tử vong và 4.307.845 ca bình phục. Trong tổng số 345.701 ca đang điều trị thì có 2.839 ca trong tình trạng nguy kịch.

Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 1.628.335 ca nhiễm COVID-19 và 55.719 ca tử vong vì dịch bệnh.

Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 13 ca nhiễm COVID-19, giảm mạnh so với con số 591 ca của ngày hôm trước. Hiện khu vực này có tổng số 67.212 trường hợp ca mắc COVID-19, với 1.243 ca tử vong. Australia vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 29.999 ca, tiếp theo sau là French Polynesia với 18.844 ca./.

Thu Lan

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/dai-dich-covid-19-tang-nguon-cung-vaccine-cho-cac-nuoc-ngheo-hon-581205.html